Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc về Logistics

Thứ hai, 16/04/2018 09:16

Sáng nay (16/4/2018), tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì “Hội nghị toàn quốc về Logistics – Các giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông”.
Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT đưa tin trực tiếp từ Hội nghị.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị

Dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng,  Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh;  Bộ trưởng Bộ Thông tin truyền thông Trương Minh Tuấn; Phó Trưởng ban Kinh tế TƯ Cao Đức Phát; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Trần Đơn; các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành của Quốc hội, Chính phủ; các đồng chí Thứ trưởng Bộ GTVT: Nguyễn Ngọc Đông, Nguyễn Văn Công, Lê Đình Thọ, Nguyễn Nhật cùng hàng trăm đại biểu đại diện cho hiệp hội, doanh nghiệp vận tải, các cơ quan liên quan đến ngành vận tải.

Hội nghị được Tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc tế  11 Lê Hồng Phong trong sáng nay cũng được truyền hình trực tuyến tới đại diện 62 tỉnh, Thành phố trên toàn quốc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị

Phải rõ vai trò của nhà nước trong quản lý, điều tiết logistics

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hoan nghênh các đại biểu, các bộ, ngành đã tổ chức Hội nghị này nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí vận tải, từ đó thúc đẩy tăng trưởng bền vững và tạo ra tăng trưởng kinh tế tốt hơn.

Theo Thủ tướng, vấn đề Logistics đã được các bộ, ngành quan tâm nhưng chưa có giải pháp khiến chi phí vận tải vẫn còn cao trong khu vực. Do đó, Chính phủ đã mời các cơ quan, doanh nghiệp liên quan để bàn giải pháp.

"Vấn đề này ít được người hiểu một cách thấu đáo, mới chỉ tập trung vào đường bộ. Xe vận tải hàng, 40-50% xe rỗng quay lại nên chi phí vận tải đội lên cũng là điều dễ hiểu", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng cho rằng phải có doanh nghiệp mạnh làm logicstic, phải có vai trò của nhà nước trong lĩnh vực này. 

"Chúng ta phải hiểu khái niệm Logicstics một cách rộng nữa chứ không chỉ là kết nối kho bãi thông thường. Chi phí phải tính từng ly một. Vì vậy, chúng ta phải nhận thức rõ chi phí Logicstics cao cũng làm tăng chi phí vận tải. Hiện chúng ta dường như tập trung đến 90% vào vận tải đường bộ. Các địa phương có điều kiện phát triển về vận tải sông nước như Khu vực Đồng bằng Sông Cửụ Long cũng chưa tận dụng hết được thế mạnh này để phát huy hiệu quả.

"Hôm nay chúng ta tổ chức Hội nghị quán triệt tinh thần quốc gia để giải quyết căn bản cho vấn đề này" Thủ tướng nói và yêu cầu Hội nghị tập trung vào các giải pháp nhằm giải quyết các tồn tại đã và đang có. Cụ thể, tập trung bàn vào các vấn đề quy hoạch phát triển; Về hạ tầng và kết nối hạ tầng để phát triển logistics: tập trung kết nối cảng đường thuỷ, sân bay, ga đường sắt, cảng biển...như thế nào cho hiệu quả, tận dụng tối đa lợi thế; Phát triển các trung tâm phát triển hàng hoá, liên kết các chủ đầu tư như thế nào cho hợp lý...Tính kết nối của các loại hình vận tải; phát triển doanh nghiệp và nguồn lực phát triển Logistics một cách mạnh mẽ. Muốn vậy phải có một nguồn nhân lực để phát triển Logistics...

Thủ tướng cũng yêu cầu các đại biểu dự Hội nghị ngoài việc tập trung vào các vấn đề đã nêu cần có các ý kiến từ thực tế hoạt động, từ kinh nghiệm để cùng bàn, cùng đưa ra các giải pháp thúc đẩy phát triển lĩnh vực này trên tất cả các ngành, các địa phương chứ không phát triển đơn lẻ, thiếu định hướng và chưa hiệu quả như hiện tại.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công báo cáo thực trạng và 
giải pháp giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông

Phát triển mạnh hạ tầng, tăng cường kết nối

Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết, "Trong thời gian qua hệ thống hạ tầng giao thông đã được đầu tư phát triển, kết cấu hạ tầng giao thông đã có những chuyển biến hết sức rõ nét, nhiều công trình lớn, hiện đại đã được đưa vào khai thác bước đầu đã phát huy hiệu quả. Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đã công bố báo cáo về Chỉ số cạnh tranh của cơ sở hạ tầng giao thông giai đoạn 2015 – 2016 thực hiện tại 140 nước cho thấy: Chỉ số cạnh tranh của cơ sở hạ tầng giao thông Việt Nam giai đoạn 2015 – 2016 tăng 9 bậc, đứng ở vị trí 67 so với vị trí thứ 76 giai đoạn 2014 - 2015 và tăng 29 bậc so với vị trí 96 giai đoạn 2010 – 2011. Nhìn chung, sự phát triển của kết cấu hạ tầng giao thông trong thời gian gần đây đã bước đầu đáp ứng yêu cầu vận tải để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước, tiến dần đến hội nhập kinh tế quốc tế. 


Tại đầu cầu trực tuyến Hà Nam

"Tuy nhiên, phải thẳng thắn nhìn nhận hệ thống hạ tầng giao thông của chúng ta còn chưa đồng bộ, tính kết nối còn hạn chế, đặc biệt là kết nối các trung tâm sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, các vùng nguyên liệu, vật liệu với cảng biển, cảng hàng không, cảng đường thủy nội địa thông qua hệ thống đường bộ và đường sắt. Cơ sở hạ tầng hệ thống dịch vụ hỗ trợ vận tải còn thiếu, manh mún, thiếu tính kết nối đặc biệt là việc thiếu những cảng cạn, trung tâm logistic có quy mô và vị trí thuận tiện tại mỗi khu vực kinh tế trọng điểm để làm đầu mối trung chuyển phân phối hàng hóa đã ảnh hưởng đến việc tối ưu hóa hoạt động vận tải, đặc biệt là vận tải đa phương thức, đây là rào cản lớn, điểm nghẽn đối với hoạt động vận tải làm tăng giá thành vận chuyển, giảm tính cạnh tranh về giá sản phẩm", Thứ trưởng Nguyễn Văn Công thẳng thắn chia sẻ.


Đầu cầu trực tuyến TP.HCM

Theo thứ trưởng Công, hiện nay, hạ tầng vận tải đường bộ mặc dù đã được đầu tư nhiều nhất nhưng vẫn còn chậm và chưa theo kịp tốc độ phát triển lưu lượng vận tải; kết nối với các hạ tầng giao thông khác chưa tốt. Hạn chế lớn của hạ tầng đường sắt là công nghệ lạc hậu, thiếu an toàn do sử dụng khổ đường sắt hẹp. Hạ tầng không đồng bộ và kết nối rất hạn chế nên việc sử dụng đường sắt để vận chuyển hàng hóa rất khó khăn. Hệ thống cảng biển Việt Nam được đầu tư xây dựng cơ bản phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu xếp dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu cũng như lưu thông trong nước. Tuy nhiên, các khu bến cảng hiện đại đạt chuẩn mực quốc tế rất ít. Lĩnh vực đường thủy nội địa được đầu tư rất ít, chủ yếu tận dụng điều kiện tự nhiên, vì thế hạ tầng đường thủy nội địa (cầu, bến cảng, luồng lạch) cũng như phương tiện vận tải và thiết bị xếp dỡ còn lạc hậu, thêm vào đó lại chịu ảnh hưởng tĩnh không thấp của các cầu trên một số tuyến đường thủy quan trọng đã làm giảm khả năng khai thác đường thủy nội địa trong chuỗi cung ứng. Các cảng hàng không và phương tiện hàng không cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu hành khách nhưng tham gia vận chuyển hàng hóa còn rất yếu. Hệ thống kho tàng tại sân bay rất nhỏ, chưa có tuyến chuyên dụng vận tải hàng hóa.

Để giảm chi phí, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông, các giải pháp Bộ GTVT đề ra là: Về đường bộ, cần đẩy nhanh tiến độ và sớm hoàn thành các dự án ngân sách nhà nước, vốn nước ngoài, các dự án BOT đang thi công; Đẩy mạnh xã hội hóa để đầu tư hình thành mạng đường bộ cao tốc quốc gia, đường chuyên dùng bảo đảm kết nối hiệu quả các khu công nghiệp, trung tâm kinh tế trọng điểm, cửa khẩu chính, đầu mối giao thông quan trọng với các cảng biển, cảng thủy nội địa, ga đường sắt; Tập trung triển khai dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc Nam phía Đông theo kế hoạch, lộ trình đã được duyệt;Ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối giữa chủ phương tiện và chủ hàng nhằm hạn chế chạy xe rỗng trên cơ sở các Sàn Giao dịch vận tải. Về đường sắt: Nghiên cứu, hình thành và phát triển hợp lý kết nối đường sắt với các khu công nghiệp, cảng biển, cảng cạn; Xây dựng các ga đầu mối hàng hóa, nâng cấp trang thiết bị xếp dỡ hiện đại cho các ga đầu mối vận chuyển hàng hóa như Yên Viên, Đông Anh, Sóng Thần … mời gọi các nhà đầu tư cùng hợp tác đầu tư nâng cấp kho, bãi hàng đủ tiêu chuẩn để cung cấp dịch vụ dùng chung cho tất cả các doanh nghiệp vận tải và khách hàng; Nghiên cứu phương án đầu mối đường sắt khu vực Hải Phòng, thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng tuyến đường sắt kết nối với cảng Hải Phòng tại Lạch Huyện và Đình Vũ; Thành phố Hồ Chí Minh - khu bến Cái Mép - Thị Vải. 

Đối với lĩnh vực Đường thủy nội địa cần: Tập trung đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông để giải quyết dứt điểm các nút thắt, các điểm nghẽn trên các hành lang vận tải thủy chính (Quảng Ninh - Hải Phòng - Hà Nội; Hải Phòng - Ninh Bình; Kết nối khu bến Cái Mép - Thị Vải với Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh; vận tải thủy kết nối Campuchia); Đầu tư mới hoặc cải tạo nâng cấp các cầu có tĩnh không thấp và khổ thông thuyền không phù hợp trên những tuyến đường thủy quan trọng như cầu Đuống, cầu Măng Thít, cầu Nàng Hai…;Ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình kho bãi, trung tâm trung chuyển, phân phối hàng hóa, các cảng đầu mối trong lĩnh vực đường thủy nội địa như: khu vực Đồng bằng sông Hồng, các cảng thuỷ nội địa tại khu vực ĐBSCL được đầu tư  trang thiết bị xếp dỡ hiện đại, đảm bảo kết nối đường bộ với các khu công nghiệp, các đô thị phục vụ vận tải container, hàng hoá chuyên dụng; Ưu tiên phát triển vận tải sông pha biển, ven biển để tận dụng tối đa các cửa sông ra biển, nhằm giảm tải cho đường bộ trên trục Bắc Nam.

Về lĩnh vực Hàng hải: Tiếp tục triển khai Đề án Khai thác có hiệu quả kết cấu hàng hải hiện có; Nghiên cứu, hình thành phát triển các kết nối cảng biển, hệ thống dịch vụ hỗ trợ sau cảng biển với đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa tại các khu vực Bắc - Trung - Nam; Thu hút nguồn lực (ngân sách nhà nước, xã hội hóa) cải tạo nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối và nâng cấp luồng hàng hải vào khu bến Cái Mép - Thị Vải để khu bến này đáp ứng phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam, cũng như từng bước trở thành cảng trung chuyển quốc tế của khu vực; Chủ trì, phối hợp với các địa phương xây dựng cơ chế thu hút nguồn lực xã hội hóa đầu tư xây dựng các cảng cạn; Nghiên cứu, xây dựng cơ chế giá dịch vụ container hợp lý để doanh nghiệp cảng hoạt động minh bạch, tránh cạnh tranh không lành mạnh giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả kinh doanh, có lợi nhuận để tái đầu tư hiện đại hóa thiết bị xếp dỡ, hệ thống kho bãi, công nghệ thông tin hiện đại nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ. 

"Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển dịch vụ vận tải hàng hoá bằng đường hàng không và hình thành mạng đường bay chở hàng riêng, khuyến khích các nhà đầu tư phát triển cảng trung chuyển hàng hoá của khu vực  và có cơ chế ưu đãi để thu hút các hãng hàng không mở tuyến bay chở hàng đến cảng này", Thứ trưởng Nguyễn Văn Công nói.

Đại diện Ngân hàng Thế giới phát biểu

Cải cách thủ tục, tạo môi trường thúc đẩy hoạt động logistics

Đánh giá hoạt động logistics của Việt Nam hiện nay, bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng giám đốc VCCI cho rằng các điều kiện kinh doanh được điều chỉnh theo các điều kiện đầu tư, kinh doanh pháp luật chuyên ngành. Vì vậy không thể có một điều kiện chung áp dụng cho tất cả các hoạt động logistics – đây là một trong nhưng vướng mắc khiến hoạt động logistics khó hoạt động.


Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng giám đốc VCCI

“Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, thúc đẩy hoạt động logistics phát triển, cần rà soát tổng thể các điều kiện kinh doanh nhằm bãi bỏ những điều kiện có tính áp đặt về quy mô, cản trở các chủ thể kinh doanh ra nhập thị trường; bãi bỏ các điều kiện kinh doanh có tính chất can thiệp hành chính vào vấn đề do thị thị trưởng điều chỉnh; đồng thời cũng cần quan tâm đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực đủ năng lực đáp ứng sự phát triển”, bà Lan Anh nói.

Còn ông Achim Fock – Giám đốc điều phối dự án của Ngân hàng Thế giới (WB) lại kiến nghị CP Việt Nam thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại thông qua việc cải cách thủ tục hành chính; thúc đẩy những hạ tầng phục vụ thương mại cũng như kết nối giao thông; xây dựng ngành logistics có tính cạnh tranh về dịch vụ…


Ông Achim Fock – Giám đốc điều phối dự án của Ngân hàng Thế giới (WB)

Những giải pháp này đòi hỏi sự phối kết hợp từ nhiều bộ ban ngành vì vậy cần thúc đẩy sự phối kết hợp giữa các bộ ban ngành và khối tư nhân.

Để thúc đẩy hoạt động logistics, theo ông Phùng Ngọc Minh – Phó Tổng giám đốc Tân Cảng Sài Gòn, Chính phủ cần cho phép đầu tư phát triển thêm các cảng biển nước sâu mới, các ICD, có chính sách thu hút hàng hóa cho các cảng trung chuyển; nghiên cứu mô hình thủ tục tập trung; đẩy mạnh kết nối giao thông giữa các loại hình vận tải một cách hiệu quả; đảm bảo độ sâu luồng tàu khu vực Thị Vải – Cái Mép và đặc biệt quan tâm đến vấn đề kết nối vùng…

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng đề nghị các bộ ngành, địa phương cần tổ chức quán triệt  vào cuộc tổ chức triển khai quyết định 200/QĐ-TTg của Thủ tướng và các chương trình khác của CP; Bộ KHCN ban hành các mã ngành kinh doanh logistics để tạo cơ sở pháp lý cho các doanh nghiệp, triển khai quy hoạch giữa kết nối giao thông với các trung tâm logis; Bộ GTVT và Bộ Công thương cũng như các bộ khác và các địa phương cần có sự phối kết hợp chặt chẽ để cải cách thủ tục hành chính và có những định hướng cho sự phát triển cho hoạt động logis.


Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Hội nghị

Ngoài ra cần nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua công tác đào tạo nguồn nhân lực. các hiệp hội, doanh nghiệp cần cập nhật các quy chuẩn, quy định để tiếp cận hơn nữa với thị trường một cách hiệu quả đúng quy định của pháp luật. Các hiệp hội cầng nâng cao năng lực kết nối trong và ngoài nước. Đặc biệt việc đơn giản thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là những yếu tố quan trọng để logistics phát triển.

 

Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:25355
Lượt truy cập: 176.555.747