Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông và Quyền Giám đốc WB tại Việt Nam Achim Fock chủ trì Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định: "Thực hiện Nghị quyết số 52 của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, giai đoạn từ nay đến 2021, Bộ GTVT tập trung triển khai một số dự án trọng điểm theo hình thức PPP, đặc biệt là một số dự án thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông". Theo Thứ trưởng, để triển khai dự án này, Quốc hội và Chính phủ cũng đã ban hành các nghị quyết về một số cơ chế chính sách, Bộ KH&ĐT cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 15 và xây dựng đề cương dự thảo Luật Đầu tư đối tác công tư.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, để triển khai thành công Dự án đường cao tốc Bắc Nam vẫn còn nhiều thách thức trong bối cảnh Luật Đối tác công tư chưa được ban hành, thị trường tín dụng dài hạn khó khăn, hành lang pháp lý chưa đầy đủ và đồng bộ.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phát biểu khai mạc Hội thảo
Để triển khai thành công kế hoạch triển khai Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông mong muốn thông qua Hội thảo sẽ nhận được nhiều ý kiến từ các chuyên gia, các nhà quản lý về các thách thức, cũng như đề xuất các giải pháp, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế đã triển khai thành công mô hình PPP.
Quyền Giám đốc WB tại Việt Nam Achim Fock phát biểu
Tại Hội thảo, Quyền Giám đốc WB, Achim Fock hy vọng các đại biểu dự Hội thảo sẽ cùng nhau chia sẻ, thảo luận sâu về những vướng mắc, khác biệt, băn khoăn, tìm ra những giải pháp cho phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức công - tư nói chung cho dự án đặc biệt quan trọng này của Việt Nam. Ngân hàng Thế giới sẵn sàng chia sẽ kinh nghiệm cũng cấp thông tin về các dự án trong lĩnh vực này được thực hiện tại các nơi khác trên thế giới
Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư, Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy trình bày Kế hoạch triển khai cao tốc Bắc - Nam
Tại Hội thảo các đại biểu đã thảo luận về Tổng quan chiến lược thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam; những rủi ro và chính sách chia sẻ rủi ro giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư trong các dự án PPP lĩnh vực đường bộ; Ngân hàng và thị trường vốn trong đầu tư đường cao tốc tại Việt Nam; Xây dựng mô hình đầu tư công - tư hiệu quả dựa trên khung chính sách và pháp lý hiện nay trong đấu thầu và các phương án lựa chọn hình thức đầu tư đường cao tốc. Đồng thời thảo luận về những vấn đề vướng mắc chính đề xuất cho hội thảo cấp cao dự kiến diễn ra vào tháng 5.
Theo đánh giá của Bộ GTVT, một trong những thách thức lớn trong phát triển cơ sở hạ tầng nói chung và cơ sở hạ tầng giao thông nói riêng là nguồn lực đầu tư hạn chế so với nhu cầu, nguồn lực đầu tư công chỉ đáp ứng khoảng 25%. Đối với nhiều quốc gia, hình thức PPP như là một công cụ để nâng cao hiệu quả các dịch vụ công và giảm bớt gánh nặng tài chính cho Chính phủ.
Tại Việt Nam, Chính phủ cũng đã xác định và chú trọng đa dạng hóa các hình thức đầu tư, thu hút nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là sự tham gia của tư nhân đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông cũng như cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực Giao thông vận tải theo hình thức PPP. Ngay từ những năm 1997, Việt Nam đã kêu gọi đầu tư những dự án đầu tiên theo hình thức BOT. Tuy nhiên, cho đến nay, hầu như mới chỉ có nhà đầu tư trong nước và bên cung cấp tín dụng cũng chủ yếu là các ngân hàng thương mại trong nước với quy mô không lớn. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng giao thông, một vấn đề đặt ra là cần phải tạo mọi điều kiện để có thể huy động nguồn vốn đầu tư quốc tế.
DT