Tàu của Công ty Xi măng Nghi Sơn vào làm hàng tại cảng
Vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có nhu cầu lớn trong đầu tư về cơ sở hạ tầng cũng như phát triển doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics. Trước xu thế đó, Cảng Hậu Giang được thành lập để phục vụ kịp thời yêu cầu phát triển lưu thông, phân phối hàng hóa, phục vụ hoạt động xuất, nhập khẩu của các doanh nghiệp trong vùng và liên vùng.
Theo đó, Cảng tổng hợp Vinalines Hậu Giang đặt tại Khu công nghiệp Sông Hậu và nằm trong vùng trung tâm logistics thuộc tiểu khu ĐBSCL. Với vị trí thuận lợi này, cảng có thể kết nối với các trung tâm sản xuất hàng hóa, khu công nghiệp, vùng kinh tế có tiềm năng. Cho nên, Cảng tổng hợp Vinalines Hậu Giang không khó để trở thành cửa ngõ giao thương quan trọng của tỉnh thông qua hệ thống đường bộ và đường thủy.
Dự án Cảng tổng hợp Vinalines Hậu Giang (giai đoạn 1) đi vào khai thác đã đáp ứng nhu cầu tiếp nhận hàng thông qua cửa khu vực cảng biển Nhóm 6 cũng như triển khai hệ thống dịch vụ hàng hải vốn là thế mạnh của Vinalines, hình thành một khu dịch vụ hàng hải – cảng biển hiện đại, năng động, từ đó tạo cơ sở hỗ trợ tích cực cho sự phát triển các khu công nghiệp và kinh tế – xã hội của tỉnh Hậu Giang và vùng ĐBSCL.
Cảng biển Hậu Giang được quy hoạch xây dựng với diện tích 87,1ha gồm công trình kho, nhà xưởng, đường bãi, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ phục vụ cho khai thác cảng. Khu cảng tổng hợp được tập trung xây dựng 01 bến dài 150m cầu cảng, có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 20.000 tấn (DWT), công suất khai thác cảng đạt khoảng 01 triệu tấn/năm.
Với khát vọng trở thành cửa ngõ giao thương nội địa và quốc tế hàng đầu của khu vực ĐBSCL, Cảng tổng hợp Vinalines Hậu Giang đã không ngừng nỗ lực đổi mới, phát triển theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp trong việc cung cấp các dịch vụ cảng biển hoàn hảo và kết nối các hoạt động trong chuỗi logistics, đảm bảo cung ứng các dịch vụ tốt nhất cho đối tác.
Ông Võ Thanh Phong – Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Dịch vụ Hàng hải Hậu Giang cho biết: Hiện tại, Công ty đang hợp tác với các đơn vị như: Công ty Cổ phần Lilama 18 với dịch vụ cho thuê kho bãi gia công ống, thiết bị xây dựng và vận chuyển ống thuộc hàng siêu trường, siêu trọng phục vụ cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1; Công ty Cổ phần vận tải đa phương thức VIETRANSTIMEX với dịch vụ vận chuyển máy móc thiết bị, linh kiện phục vụ cho Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1; Công ty Cổ phần và Đầu tư xây lắp miền Nam với dịch vụ vận chuyển cọc bê tông, xe chuyên dụng phục vụ công trình xây dựng. Ngoài ra còn nhiều đơn vị như: Công ty Cổ phần GEMADEPT, Công ty Cổ phần tiếp vận Phước Tạo… chủ yếu vận chuyển hàng container đường bộ và đường thủy nội địa.
Công nhân đang làm việc tại Cảng Hậu Giang
Ông Phong cũng cho biết thêm: Đầu tháng 3 vừa qua, đơn vị đã làm việc tại Cảng Phnom Penh Autonomus (Vương quốc Campuchia). Qua đó, Vinalines Hậu Giang đã ký kết bản ghi nhớ giữa Cảng tổng hợp Vinalines Hậu Giang với Cảng Phnom Penh Autonomus và Công ty TNHH Vận tải Shipmarin về việc hợp tác khai thác hàng hóa quá cảnh (tuyến vận chuyển Phnom Penh – Hậu Giang – Cái Mép và ngược lại). Vinalines Hậu Giang chính thức trở thành cảng trung chuyển, đầu mối giao thương hàng hóa giữa hai nước.
Với khát vọng trở thành cửa ngõ giao thương nội địa và quốc tế hàng đầu của khu vực ĐBSCL, Cảng tổng hợp Vinalines Hậu Giang đã không ngừng nỗ lực đổi mới, phát triển theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp trong việc cung cấp các dịch vụ cảng biển và kết nối các hoạt động trong chuỗi logistics cho đối tác.
Việc hợp tác thành công giữa Cảng tổng hợp Vinalines Hậu Giang với Cảng Phnom Penh Autonomus và Công ty TNHH Vận tải Shipmarin sẽ tạo luồng gió mới cho ngành vận tải hàng hải của vùng, đồng thời tạo động lực phát triển mới của Vinalines Hậu Giang.