 |
Đường Trường Sơn năm xưa - tuyến đường huyết mạch nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam
|
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, theo đường Trường Sơn, từ hậu phương lớn miền Bắc, hàng đoàn người và xe ngày đêm nối nhau ra tiền tuyến trong mưa bom bão đạn của kẻ thù với ý chí: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải quyết giành cho được độc lập” (lời Hồ Chủ tịch).
Kỷ niệm 50 ngày mở đường Trường Sơn- đường Hồ Chí Minh (19/5/1959-19/5/2009), tuyến đường huyết mạch nối hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc năm nay, có nhiều hoạt động được tổ chức.
Ngày 12/5 vừa qua, tại Km số 0 - điểm mở đầu đường Hồ Chí Minh tại thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ, Nghệ An đã diễn ra lễ mít tinh kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh và Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn. Ông Hồ Đức Việt, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương phát biểu: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta giành được thắng lợi vẻ vang, non sông đất nước ta thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội… Đó là thành quả của cả một quá trình đấu tranh cách mạng bền bỉ, gian khó và cả sự hy sinh to lớn của các thế hệ những người đi trước, trong đó có các thế hệ bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trên tuyến đường Trường Sơn. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn của những người đã ngã xuống vì độc lập tự do, thống nhất và sự phồn vinh của Tổ quốc”.
Tại Hội thảo khoa học "Đường mòn Hồ Chí Minh - Trường Sơn, khát vọng độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc" do Bộ Quốc phòng tổ chức, Đại tướng Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng khẳng định: Chiến công của đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử dân tộc ta như một trang huyền thoại về sức mạnh chiến đấu, chiến thắng giặc ngoại xâm, đồng thời, cũng để lại những bài học vô giá về khoa học nghệ thuật quân sự trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Gửi thư tới Hội thảo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: Đường chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là một công trình vĩ đại, một kỳ tích của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đã in dấu chân của hàng vạn chiến sỹ quân đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, trong đó có Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên người đã gắn bó và có công lớn trong việc xây dựng tuyến đường này. Nói về đường Hồ Chí Minh huyền thoại, ông nhấn mạnh, quyết định của Đảng xây dựng con đường chi viện từ miền Bắc vào miền Nam là bước chuyển đổi có tính chất sáng tạo và dũng cảm, quyết định thắng lợi của cả dân tộc.

|
Đường Hồ Chí Minh hôm nay
|
Trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay, nhằm mở rộng lợi thế và tiếp tục tạo thế thuận lợi về phát triển kinh tế và hội nhập Bộ Chính trị đã quyết định xây dựng đường Hồ Chí Minh trên nền của tuyến đường Trường Sơn năm xưa với tổng chiều dài 3.167 km từ Pắc Bó ( Cao Bằng) tới Đất Mũi ( Cà Mau). Trọng điểm của tuyến đường Hồ Chí Minh đi qua miền Trung đã phá thế độc tuyến giao thông Bắc - Nam, hỗ trợ đắc lực cho quốc lộ 1A, tạo thế liên hoàn, vững chắc trong chiến lược quân sự bảo vệ đất nước và tăng cường tình đoàn kết 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia; đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, văn hoá của vùng đất phía Tây rộng lớn, giàu tiềm năng của nước ta.
Vào tối 16/5 tới, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh. Buổi lễ diễn ra tại khu Tượng đài Thanh niên xung phong (xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch).
Trên tuyến đường Trường Sơn, trong 16 năm (từ 1959-1975), quân và dân ta đã đào đắp, san lấp khoảng 29 triệu m3 đất đá; xây dựng mạng đường bộ gồm 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang ở Đông và Tây Trường Sơn với tổng chiều dài gần 20.000 km; một hệ thống đường sông dài gần 500 km và hệ thống đường ống dẫn xǎng, dầu dài 1.400 km vào tới Đông Nam Bộ.
Trong dịp này, tại Quảng Bình sẽ diễn ra một số hoạt động như: khởi công Tượng đài Hồ Chí Minh tại Quảng trường Thành phố Đồng Hới; dâng hương tại đền Liệt sĩ đường 20 Quyết thắng và "Hang Tám Cô"; lễ cầu siêu hương hồn Anh hùng liệt sĩ trên đường 20 quyết thắng do Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên VN và UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức; khởi công Bảo tàng đường Hồ Chí Minh ngoài trời tại km 12, đường 20 Quyết Thắng; khởi công Nhà bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ hy sinh tại đồi Chạ Quang, đường 12A; tổ chức cầu truyền hình Hà Nội- Lào- Quảng Trị - Bình Dương và chương trình ca nhạc đặc biệt với chủ đề "Âm vang Trường Sơn- Toả sáng tuổi 20"...
|
(Theo Chinhphu.vn)
|