TP.HCM định hướng thành lập 3 trung tâm Logistics
Theo đó, TP.HCM dự định hình thành mạng lưới trung tâm phân phối hàng hóa để làm nơi tập trung, lưu trữ, cung cấp hàng hoá cho các chuỗi phân phối hoạt động trong nội thành (siêu thị, cửa hàng bán lẻ,…).
Những trung tâm này được đặt tại các khu vực đầu mối giao thông như sân bay, bến cảng, ga đường sắt hoặc trên các tuyến đường lớn ở khu vực vùng ven, ngoại thành,… phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội, các quy hoạch ngành liên quan và có đủ quỹ đất để thực hiện.
Từ nay đến năm 2030, TP.HCM sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm phục vụ cho hoạt động logistic, kêu gọi đầu tư các trung tâm logistics phục vụ trung chuyển hàng hóa giữa TP.HCM với các tỉnh/thành, hàng hóa xuất – nhập khẩu thông qua địa bàn TP.HCM.
Cụ thể, TP sẽ phát triển ba trung tâm logistics phục vụ trung chuyển hàng hóa. Trong đó, 2 trung tâm logistics quy mô lớn đặt tại khu vực phía Bắc và phía Nam thành phố. Quy mô mỗi trung tâm đến năm 2020 đạt tối thiểu 40 ha và đến năm 2030 là trên 70 ha.
Một trung tâm logistics chuyên dụng hàng không tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất – Long Thành hoặc trên tuyến đường kết nối trực tiếp đến cảng hàng không với quy mô tối thiểu 3 – 4 ha (giai đoạn I) và 7 – 8 ha (giai đoạn II).
Mục tiêu của TP.HCM phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 25%/năm, tỷ trọng đóng góp vào GRDP đạt khoảng 9%-10%, tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 40%, góp phần kéo giảm chi phí logistics của toàn nền kinh tế so với GDP còn khoảng 20%.
Đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GRDP đạt khoảng 15%, tỷ lệ dịch vụ logistics thuê ngoài khoảng 65%, góp phần kéo giảm chi phí logistics của toàn nền kinh tế so với GDP còn khoảng 15%-17%.