Thứ trưởng Lê Đình Thọ cùng Đoàn công tác có mặt tại hiện trường
13h45 ngày 24/5, thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ trực tiếp đứng ngoài hiện trường chỉ đạo việc trả đường và thông tuyến tốc độ chạy tàu 5km/h có người dẫn. Như vậy, sau 13 tiếng nỗ lực của lực lượng chức năng trong ngành, địa phương, các cán bộ, kỹ sư, công nhân ngành đường sắt, vị trí xảy ra tai nạn đã thông tàu.
Tại hiện trường, mặc dù trời nắng như đổ lửa nhưng các lực lượng vẫn đang dồn hết sức lực chạy đua cùng thời gian.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu Công ty CP đường sắt Thanh Hóa
bổ sung nhân lực, vật lực khắc phục hậu quả
Chiếc cẩu chuyên dụng ngành đường sắt 100 tấn đã được đưa tới hiện trường để làm công tác đưa các toa tàu ra khỏi khu vực bị nạn.
Thứ trưởng Lê Đình Thọ chỉ đạo khắc phục hậu quả vụ lật tàu SE19 xuyên trưa
Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu công ty đường sắt Thanh Hóa bổ sung nhân lực, máy móc và thiết bị để tập trung làm sớm thông tuyến.
Trước đó, lúc 9h, bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế; ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia đã thăm hỏi nạn nhân bị thương và gia đình 2 lái tàu tử vong. Nhiều lãnh đạo bộ, ngành đã vào Thanh Hóa thăm hỏi nạn nhân, chỉ đạo xử lý, khắc phục hậu quả vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng,
thăm hỏi chị Yến - vợ một lái tàu tử vong
Cũng trong sáng nay, từ 8h, ông Lê Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có mặt tại hiện trường vụ lật tàu SE19 để chỉ đạo công tác cứu hộ cứu nạn và khắc phục hậu quả.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Anh Tuấn chỉ đạo tại hiện trường
Báo cáo với Phó Chủ tịch tỉnh, Đại tá Khương Duy Oanh - Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 0h30 phút. Ngay sau khi nhận được thông tin, công an tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các lực lượng: CSGT, Công an, CSPCCC tới hiện trường phối hợp với ngành đường sắt để thực hiện công tác cứu nạn cứu hộ và điều tra nguyên nhân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa thăm hỏi nạn nhân tại Bệnh viện Đa khoa Tĩnh Gia
Tính đến thời điểm hiện tại, đã xác định có 2 người chết và 11 người bị thương. Cụ thể, 2 người tử nạn đều là lái tàu. Trong số 11 người bị thương có 2 người nguy kịch là tài xế xe tải và 1 bà cụ đã được đưa ra Bệnh viện Việt Đức Hà Nội; ngoài ra, 4 người đang được cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Tĩnh Gia, 2 người ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa; 3 người ở Bệnh viện Đa khoa Hữu nghị Nghệ An.
“Đến thời điểm này thi thể 2 lái tàu đã được đưa ra khỏi ca bin. Chúng tôi đang tiến hành khám nghiệm tử thi, khám nghiệm hiện trường”, Đại tá Oanh cho biết.
Sau khi chỉ đạo ở hiện trường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Anh Tuấn đã khẩn trương về Bệnh viện Đa khoa Tĩnh Gia thăm hỏi, động viên các nạn nhân trong vụ lật tàu.
Các lực lượng cứu hộ đang khẩn trương khắc phục hậu quả
Về công tác khắc phục hậu quả vụ tai nạn, ông Hoàng Gia Khánh - Giám đốc Công ty CP đường sắt Thanh Hóa cho biết: Đơn vị đã huy động tối đa phương tiện, thiết bị tới hiện trường để khắc phục hậu quả vụ tai nạn. Ưu tiên trước mắt là tập trung di dời các toa tàu bị lật ra khỏi đường ray và sửa chữa đoạn đường bị hư hỏng, phấn đấu thông tàu trong thời gian ngắn nhất.
“Tuy nhiên do hệ thống thông tin tín hiệu gặp sự cố và đang được niêm phong để phục vụ công tác điều tra nên tạm thời ngành đường sắt sẽ tổ chức dẫn tàu thủ công”, ông Khánh cho biết.
Cũng theo ông Khánh đoạn đường này tàu được phép chạy vận tốc tối đa 80km/h. Gác chắn này đã có từ lâu, dùng loại rào chắn đẩy thủ công.
Một vài hình ảnh của công nhân ngành đường sắt làm xuyên trưa nắng khắc phục hậu quả vụ tai nạn:
Cần cẩu 100 tấn đang chuyển toa tàu bị lật ra khỏi khu vực đường ray
Các công nhân dồn sức đẩy toa tàu đi
Từng đoạn đường ray đang được nối lại