Văn hóa giao thông với bình yên sông nước

Thứ sáu, 22/06/2018 15:03

Thực hiện cuộc vận động xây dựng “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, Long An triển khai nhiều kế hoạch, hoạt động.

Học sinh tham gia tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy nội địa

Kéo giảm tai nạn giao thông đường thủy nội địa

Bám sát chủ đề Năm An toàn giao thông (ATGT) 2018, Ban ATGT tỉnh Long An tiếp tục nhân rộng và phát huy hiệu quả của mô hình Văn hóa giao thông đường thủy, tập trung xây dựng mô hình tại các cảng, bến thủy nội địa. Các địa phương kiên quyết lập lại trật tự, ATGT, góp phần phòng, tránh tai nạn giao thông đường thủy nội địa (ĐTNĐ), giảm thiệt hại về người và tài sản.

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục phát huy vai trò của các lực lượng chức năng, huy động toàn dân tham gia bảo đảm trật tự, ATGT ĐTNĐ; nâng cao trình độ, năng lực và trách nhiệm của người thực thi công vụ, xây dựng hình ảnh cán bộ, chiến sĩ cảnh sát đường thủy, nhân viên cảng vụ, thanh tra giao thông - vận tải, đăng kiểm thủy,... thân thiện, cư xử đúng mực, có văn hóa khi xử lý công việc và tiếp xúc với người dân.

Anh Châu Bảo Đức - thuyền trưởng phụ trách lái phà bến phà Vàm Thủ, xã Bình An, huyện Thủ Thừa, cho biết: “Bến khách Vàm Thủ được chọn làm bến tiêu biểu xây dựng Văn hóa giao thông với bình yên sông nước. Khách qua phà, nhất là học sinh thường xuyên được nhắc nhở mặc áo phao, biết cách sử dụng dụng cụ nổi cầm tay, kịp thời ứng phó khi có sự cố xảy ra”.

Tăng cường tuyên truyền, kiểm tra

Năm 2018, Ban ATGT tỉnh chủ trì, phối hợp Báo Long An, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An và chính quyền các cấp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT ĐTNĐ; khảo sát lựa chọn các đối tượng để tiếp tục xây dựng mô hình điểm về văn hóa giao thông đường thủy. Trong đó, tập trung vào những người hành nghề khai thác khoáng sản, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản và người dân sống ven kênh, rạch,... Đặc biệt, ngành chức năng, các đoàn thể tập trung tuyên truyền đối với thanh, thiếu niên, học sinh thường xuyên sử dụng phà, đò, đi bộ, đi xe đạp trên bờ đê, ven sông, kênh, rạch. Ngành chức năng phối hợp các trường trang bị kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh.

Giám đốc Cảng vụ ĐTNĐ tỉnh Long An - Đinh Công Khanh cho biết: “Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT ĐTNĐ được cán bộ, nhân viên cảng vụ thực hiện thường xuyên, liên tục. Chúng tôi lắng nghe ý kiến góp ý để cải tiến dụng cụ cứu sinh tùy theo từng nhóm đối tượng”.

Hiện nay, loại dụng cụ cứu sinh phù hợp với học sinh là cặp phao. Sử dụng cặp phao, các em không cần mặc áo phao khi đi đò, phà. Tuy nhiên, so với áo phao và dụng cụ nổi cầm tay thì cặp phao có giá cao hơn. Anh Bùi Hữu Phương - chủ bến đò Tân Trụ - Nhựt Tảo, chia sẻ: “Theo tôi, ngoài việc trang bị áo phao, dụng cụ nổi cầm tay thì nên trang bị thêm các phao cứu sinh dạng hình tròn cho các bến đò, vì phao hình tròn vừa rẻ, vừa dễ sử dụng khi có sự cố và ít bị hư hỏng”.

Triển khai nhiều biện pháp bảo đảm an toàn giao thông đường thủy nội địa

Cuộc vận động xây dựng Văn hóa giao thông với bình yên sông nước được tuyên truyền lồng ghép với các phong trào khác do cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức nhằm phổ biến pháp luật về ATGT đến với người dân. Công tác kiểm tra, xử lý, giải quyết những vi phạm, bất cập về trật tự, ATGT ĐTNĐ được các cơ quan chức năng tăng cường thực hiện; kiểm tra cảng, bến thủy nội địa, bến khách ngang sông và những người khai thác khoáng sản, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, xây dựng công trình ảnh hưởng đến luồng lạch và hành lang bảo vệ luồng, tuyến ĐTNĐ./.

Nguồn: Báo Long An

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:115753
Lượt truy cập: 176.948.865