Phó Thủ tướng Chính phủ- Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình chủ trì Hội nghị
Trật tự ATGT có nhiều chuyển biến tích cực
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao sự triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời của các lực lượng chức năng các ngành GTVT, Công an và các Bộ, ngành, địa phương về công tác bảo đảm TTATGT, từ đó tình hình TTATGT trên địa bàn cả nước tiếp tục có chuyển biến tốt, tai nạn giao thông tiếp tục được kéo giảm cả 3 tiêu chí. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, tình hình TTATGT vẫn còn có những diễn biến phức tạp, vẫn xảy ra nhiều vụ TNGT đường bộ nghiêm trọng làm thương vong nhiều người; xảy ra nhiều vụ TNGT đường sắt nghiêm trọng, chưa xử lý triệt để các các đường ngang dân sinh, lối tự mở qua đường sắt gây mất ATGT; ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn có xu hướng gia tăng trở lại.
Phó Thủ tướng yêu cầu các đại biểu tham dự Hội nghị nêu cao tinh thần trách nhiệm, đề xuất các giải pháp thiết thực để thực hiện tốt hơn công tác bảo đảm trật tự ATGT trong thời gian tới.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT báo cáo tình hình xây dựng nghị định thay thế Nghị định 86; quá trình triển khai, thi hành Nghị định 46/2016/NĐ-CP; việc tổng kết thi hành Luật Giao thông đường bộ.
Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng
báo cáo công tác bảo đảm trật tự ATGT quý 2 và 6 tháng đầu năm 2018
Báo cáo công tác bảo đảm trật tự ATGT quý 2 và 6 tháng đầu năm 2018, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, 6 tháng đầu năm 2018, là thời điểm diễn ra nhiều đợt cao điểm về trật tự, an toàn giao thông, nhu cầu vận tải tăng cao, nhưng tình hình TTATGT trên địa bàn cả nước tiếp tục có chuyển biến tốt, tai nạn giao thông tiếp tục được kéo giảm cả 3 tiêu chí (giảm 6,19% về số vụ, giảm 0,75% về số người chết và giảm 11,44% về số người bị thương). Công tác vận tải trong các dịp cao điểm tiếp tục được đảm bảo tốt, tái cơ cấu vận tải đã từng bước có kết quả đáng ghi nhận. Tại các đô thị lớn, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, trật tự vỉa hè, lòng, lề đường đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Công an các đơn vị, địa phương tăng cường công tác TTKS, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT, tập trung vào các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây ra TNGT, ùn tắc giao thông. 6 tháng đầu năm, công an các đơn vị, địa phương đã xử lý trên 2 triệu trường hợp vi phạm TTATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền trên 1.200 tỷ đồng. Cảnh sát điều tra Công an các địa phương đã khởi tố 1.823 vụ, với 1.729 bị can. Thanh tra Bộ GTVT và các đơn vị, địa phương thực hiện gần 36.000 cuộc thanh tra, kiểm tra; xử phạt trên 27.000 vi phạm, phạt tiền 91.798,44 triệu đồng; tạm giữ 118 ô tô; đình chỉ hoạt động 136 bến và 240 phương tiện thủy; giám sát 394 kỳ sát hạch lái xe ô tô, 258 kỳ sát hạch lái xe mô tô.
Công tác quản lý vận tải tiếp tục được tăng cường, chất lượng dịch vụ các loại hình vận tải tiếp tục được cải thiện, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, ngay cả trong các dịp cao điểm nghỉ lễ, tết. Thị phần vận tải đường thuỷ nội địa, vận tải ven biển tiếp tục tăng, góp phần kéo giảm chi phí vận tải, giảm TNGT. Các cơ quan chức năng của Bộ GTVT đã phối hợp với Ban ATGT các tỉnh, các lực lượng chức năng tại địa phương, tuyên truyền tới các các chủ phương tiện thủy nội địa đã quá hạn kiểm định mà chưa thực hiện kiểm định lại theo quy định. Lực lượng Công an phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông tại các điểm kiểm tra tải trọng xe lưu động, kết quả qua kiểm tra 28.995 phương tiện, phát hiện lập biên bản 2.949 trường hợp vi phạm quá khổ, quá tải.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu tại tiếp thu các kiến nghị tại Hội nghị
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2018, Bộ GTVT đã đẩy nhanh tiến độ và bảo đảm chất lượng công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông trên tất cả các lĩnh vực, ưu tiên xử lý điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông.
Cụ thể, về lĩnh vực đường bộ đã xử lý 243 điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT; sửa chữa bảo trì khoảng 100 các điểm mất ATGT; thực hiện sơn kẻ 309km vạch sơn đường; thay thế, điều chỉnh 603 biển báo, sửa chữa, bổ sung 117km hộ lan tôn sóng, điều chỉnh 17 điểm mở dải phân cách giữa bất hợp lý.
Về lĩnh vực đường sắt, rà soát, kiểm tra các điểm xung yếu, các công trình có nguy cơ mất an toàn giao thông để lên phương án ưu tiên xử lý. Ngoài ra, Tổng công ty ĐSVN đã phối hợp cùng các địa phương rào thu hẹp 1.751/1.966 vị trí (đạt 89%); Cắm biển “Chú ý tàu hỏa” tại 2.961/4.200 vị trí (đạt 70,5% ); Cắm biển hạn chế phương tiện cơ giới đường bộ tại 204/883 vị trí (đạt 23,1%); Tổ chức cảnh giới tại 362/654 điểm giao cắt nguy hiểm; Xây dựng gờ giảm tốc 161/1.583 vị trí, đạt 10,1%; trong 6 tháng đầu năm không để phát sinh lối đi tự mở; đã lập kế hoạch lắp đặt thiết bị hỗ trợ cảnh báo tại 50/260 vị trí có nguy cơ tai nạn cao, nâng cấp 100 đường ngang biển báo lên cảnh báo tự động, bố trí lực lượng cảnh giới tại 55 vị trí.
Về lĩnh vực đường thủy nội địa, các đơn vị quản lý đường thủy nội địa thực hiện nghiêm túc chế độ kiểm tra luồng tuyến, thực hiện công tác chống va trôi kết hợp điều tiết đảm bảo ATGT trên đường thủy nội địa tại các cầu nguy hiểm, các khu vực trọng điểm; kiểm tra, rà soát lại hệ thống báo hiệu đã được triển khai trên tuyến, điều chỉnh hệ thống báo hiệu, nhất là các báo hiệu tại khu vực cầu vượt sông để đảm bảo cho phương tiện thủy lưu thông được an toàn.
Dưới sự điều hành của Bộ trưởng - Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban ATGT quốc gia Nguyễn Văn Thể, các đại biểu đã nghe ý kiến, trao đổi kinh nghiệm về công tác bảo đảm TTATGT tại các địa phương Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Lào Cai, Đắk Lắk, Tây Ninh; ý kiến, kiến nghị của Cục CSGT, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Công an.
Thiếu tướng Trần Sơn Hà - Cục trưởng Cục CSGT, phát biểu ý kiến
Phát biểu kết luận Hội nghị, thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng- Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình biểu dương các Bộ, ngành, đoàn thể, các cơ quan thông tấn, báo chí và Ban An toàn giao thông các địa phương đã nỗ lực triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong 6 tháng đầu năm 2018; đặc biệt là Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Giáo dục và đào tạo, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và 35 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết vì TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2017, trong đó 09 địa phương giảm trên 20% số người chết là: Vĩnh Phúc, Lào Cai, Bạc Liêu, Yên Bái, An Giang, Hải Phòng, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Đắk Lắk. Đặc biệt, Vĩnh Phúc, Lào Cai, Bạc Liêu giảm trên 30% số người chết do TNGT.
Đôn đốc chặt chẽ các địa phương có TNGT tăng cao
Về nhiệm vụ trọng tâm quý 3, Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban ATGT Quốc gia chủ động nắm bắt tình hình TTATGT để tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các giải pháp bảo đảm TTATGT trong các dịp cao điểm; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia. Đồng thời, tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Kế hoạch năm ATGT 2018 và các Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia; địa phương có TNGT tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2018.
Đối với Bộ GTVT, Phó thủ tướng yêu cầu báo cáo Chính phủ về việc bổ sung Dự án xây dựng Luật sửa đổi Luật Giao thông đường bộ 2008 vào Chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khoá 14. Xây dựng dự thảo Nghị quyết về bảo đảm TTATGT và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2018 – 2021. Tổ chức sơ kết thực hiện Chiến lược An toàn giao giao thông đường bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 để làm cơ sở bổ sung, điều chỉnh chiến lược về ATGT phù hợp với tình hình mới.
Đồng thời, tiếp tục ưu tiên sử dụng Quỹ Bảo trì đường bộ để xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT trên đường bộ; chỉ đạo thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng ngừa tai nạn đường sắt, xây dựng Đề án “Bảo đảm trật tự hành lang an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt” trình Thủ tướng Chính phủ ban hành; tăng cường lực lượng, phương tiện bảo đảm giao thông mùa mưa lũ.
Xây dựng phần mềm quản lý xe ô tô kinh doanh vận tải nhằm nâng cao hiệu quả quản lý vận tải, tăng cương khả năng giám sát, phát hiện và xử lý vi phạm.
Bên cạnh đó cần đẩy nhanh tiến độ lắp đặt, vận hành các trạm kiểm tra tải trọng xe cố định và hệ thống thiết bị thu phí không dừng tại các trạm thu phí, ưu tiên các trạm trên Quốc lộ 1 và địa bàn lân cận Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh; Tiếp tục thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm, không đăng kiểm phương tiện, vi phạm kích thước thành thùng xe; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về kiểm soát tải trọng phương tiện.
DT