Theo đại tá Phạm Minh Khả - Trưởng Phòng Cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh Sóc Trăng, để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người tham gia giao thông đường thủy, lực lượng cảnh sát đường thủy thường xuyên phối hợp với chính quyền các địa phương có tuyến đường thủy để tuyên truyền, nhắc nhở, nâng cao ý thức của người dân trong việc chấp hành và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy; đồng thời tăng cường tuần tra, kiểm soát, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa.
Từ đầu năm 2018 đến nay, lực lượng cảnh sát đường thủy đã đẩy mạnh, đa dạng hóa việc tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông đường thủy nội địa đến mọi tầng lớp nhân dân. Kết quả đã tổ chức tuyên truyền 11 cuộc tại các bến khách ngang sông, các điểm trường trên địa bàn các huyện: Mỹ Tú, Long Phú, Kế Sách, TX. Ngã Năm, Công ty Cổ phần Mía đường Sóc Trăng, bến phà Đại Ngãi, bến phà Long Phú với 640 người tham dự; đồng thời đã cấp phát 2.100 quyển Luật Giao thông đường thủy nội địa và Nghị định số 132 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, treo 2.160 panô, áp phích, phát 3.650 tờ rơi cho người tham gia giao thông, cấp phát 40 chiếc áo phao cho học sinh. Bên cạnh đó, thông qua công tác tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, các tổ công tác đã tuyên truyền trực tiếp, phổ biến các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa cho 5.115 lượt người.
Lực lượng cảnh sát đường thủy kiểm tra bến đò ngang.
Thông qua công tác tuyên truyền đã góp phần nâng cao ý thức của người dân trong việc chủ động thực hiện các quy định đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông đường thủy, từ đó hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả do mất an toàn giao thông đường thủy gây ra. Cô Nguyễn Thanh Tâm - chủ bến đò tại xã Nhơn Mỹ (Kế Sách) cho biết: “Hàng ngày, đò của tôi chở trên 100 lượt khách di chuyển qua lại nên tôi luôn ý thức phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông đường thủy như: đăng ký phương tiện đúng quy định; không chở vượt quá tải trọng, số người quy định; trang bị đầy đủ hệ thống phòng cháy, chữa cháy và phao cứu sinh. Đồng thời, nhắc nhở lái tàu chấp hành nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của hành khách”.
Đi đôi với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Phòng Cảnh sát đường thủy đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm. Trong 8 tháng đầu năm 2018, đã tổ chức tuần tra, kiểm soát trên các tuyến sông chính được 2.886 ca, có 8.519 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia. Qua kiểm tra đã phát hiện 4.073 trường hợp vi phạm, trong đó chuyển về Phòng 2.840 trường hợp; xử lý 3.580 trường hợp vi phạm với số tiền trên 1,2 tỉ đồng. Đơn vị cũng đã làm tốt công tác phối hợp liên ngành trong công tác kiểm tra đối với các cảng, bến thủy nội địa cho tàu, phà ra vào đón trả khách trái quy định, quản lý tốt hoạt động vận tải khách ngang sông. Nhờ thực hiện tốt các mặt công tác đã góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 3 vụ tai nạn và 1 vụ va chạm giao thông đường thủy nội địa, làm chết 3 người, thiệt hại tài sản khoảng 4 triệu đồng.
Lực lượng cảnh sát đường thủy kiểm tra xà lan chở cát.
Đại tá Phạm Minh Khả cho biết: “Để tiếp tục đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa trong thời gian tới, nhất là trong mùa mưa bão, Phòng Cảnh sát đường thủy sẽ tiếp tục phối, kết hợp với các sở, ban ngành có liên quan đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật Giao thông đường thủy nội địa, Nghị định số 132 của Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân; đồng thời tuyên truyền cho người dân nắm về tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến bất thường trên cả nước nói chung và địa bàn tỉnh nói riêng, từ đó chủ động ứng phó khi có tình huống xảy ra. Bên cạnh đó, xây dựng phương án, kế hoạch bố trí lực lượng, phương tiện và các trang thiết bị đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tổ chức phân luồng điều tiết giao thông đảm bảo phòng ngừa tai nạn, thương tích và tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo cho người dân đi lại an toàn, thuận lợi trong mọi tình huống thiên tai xảy ra và triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, quyết tâm kiềm chế tai nạn giao thông đường thủy trên cả 3 tiêu chí”.