Lập 5 đoàn tàu chạy thử toàn tuyến Cát Linh - Hà Đông

Thứ ba, 18/09/2018 11:24

Từ ngày 20/9, dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông chính thức bước vào giai đoạn vận hành thử để căn chỉnh, đánh giá an toàn toàn bộ hệ thống.

Dự án tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đưa vào vận hành thử từ ngày 20/9,
trong thời gian 3-6 tháng

Sau 3-6 tháng vận hành thử, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của đất nước sẽ phục vụ người dân đi lại.

Vận hành thử thế nào?

Ghi nhận của PV tại một số nhà ga thuộc Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông trước ngày dự án vận hành thử, không khí thi công rất nhộn nhịp, khẩn trương. Tại khu vực ga La Khê, Văn Khê, hàng chục kỹ sư, công nhân lắp đặt máy bán vé, kiểm soát vé tự động. Trong khi đó, các bộ phận khác kiểm tra hệ thống tín hiệu điện tại các khu điều khiển tập trung, kiểm tra hệ thống điện thoại, mạng vô tuyến tín hiệu, điều khiển vận hành thử hệ thống điều hòa, thông gió, chỉnh sửa hệ thống chiếu sáng, thanh cuốn, thang máy…

Còn tại depot, hiện có gần 250 kỹ sư, công nhân thực hiện công tác căn chỉnh động đoàn tàu, kiểm tra các tính năng kiểm soát đoàn tàu, giao diện giữa hệ thống tín hiệu và hệ thống toa tàu, thẩm tra các chỉ dẫn kỹ thuật thiết bị công nghệ.

Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài hơn 13km, điểm đầu tại ga Cát Linh, điểm cuối tại ga Yên Nghĩa. Trên tuyến có 12 nhà ga trên cao và khu depot dưới mặt đất có đường ray đôi khổ 1.435mm. Dự án có 13 đoàn tàu, mỗi đoàn 4 toa. Tần suất khai thác 3-5 phút/chuyến, tương lai 2 phút/chuyến. Dự án cung cấp 10.000 thẻ vé điện tử có giá trị sử dụng một lần hoặc nhiều lần. Tổng công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội đã đề xuất phương án giá vé đường sắt Cát Linh - Hà Đông lên UBND TP Hà Nội, sau khi được phê duyệt sẽ có giá vé chính thức.

Ông Vũ Hồng Phương, Phó giám đốc phụ trách Ban QLDA đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, tiến độ dự án đang được kiểm soát theo tuần, trong đó tập trung hoàn thiện các hạng mục liên quan trực tiếp đến vận hành thử dự án. Bởi dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông sẽ được tổng thầu đưa vào vận hành thử từ ngày 20/9. Theo quy trình triển khai dự án, thời gian vận hành thử 3-6 tháng và là giai đoạn cuối cùng trước khi đưa dự án vào khai thác vận tải thương mại.

“Nội dung vận hành thử dự án thực hiện theo kế hoạch được phê duyệt, theo chu trình từ đơn giản đến phức tạp và tình huống như trong giai đoạn vận hành chính thức. Hoạt động và kết quả vận hành thử có sự giám sát, đánh giá của liên danh tư vấn độc lập Apave-Certifier-Tricc”, ông Phương cho biết.

Cũng theo Ban QLDA đường sắt, những ngày vận hành thử đầu tiên sẽ lập 5 đoàn tàu chạy liên tục dọc trên chính tuyến ở cả hai chiều. Mỗi đoàn tàu chạy cách nhau 10 phút và vận hành qua hệ thống điều khiển tự động.

“Với thời gian giãn cách các đoàn tàu 10 phút, có thể hình dung khi một đoàn tàu xuất phát ở ga Cát Linh thì đoàn khác có thể cập ga nào đó trên tuyến và sau 10 phút có tiếp một đoàn tàu đến ga”, ông Phương nêu ví dụ và cho biết, thời gian vận hành thử tiếp theo được tăng dần lên theo các mức tiêu chuẩn thiết kế như thời gian giãn cách giữa tàu ít hơn, vận hành ban đêm, chạy có tải trọng, hệ thống vận hành liên động cho nhiều đoàn tàu; vận hành thử toàn bộ hệ thống ở depot (chức năng lập tàu, sửa chữa), vận hành nhà ga, công tác lập biểu đồ chạy tàu, vận hành các tiện ích phục vụ hành khách…

Liên quan đến nhân sự, theo đơn vị quản lý dự án, trong thời gian đầu chỉ những người được phân công nhiệm vụ mới được tham gia công tác vận hành thử. Đến giai đoạn hệ thống vận hành ổn định sẽ kết hợp từng bước đưa lực lượng nhân sự của đơn vị quản lý khai thác, vận hành tham gia vận hành thử để đào tạo thực hành.

Theo Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (đơn vị khai thác, vận hành), hơn 650 người thuộc các bộ phận chức năng tham gia vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông cần qua đào tạo đã hoàn thành đào tạo tại Trung Quốc và đào tạo lý thuyết tại Việt Nam. Công tác đào tạo thực hành sẽ được tiếp tục hoàn tất trong giai đoạn vận hành thử để đảm bảo hoạt động tuyến đường sắt này ngay khi dự án chính thức được đưa vào khai thác vận tải.

Siết chặt an ninh, an toàn

Ông Trần Xuân Sinh, Trưởng phòng Đường sắt, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, Cục Đăng kiêm VN đã kiểm định xong các đoàn tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông ở trạng thái tĩnh.

“Kiểm tra các đoàn tàu ở trạng thái tĩnh cho thấy kết quả phù hợp với quy chuẩn đường sắt đô thị của Việt Nam. Khi tàu vận hành thử sẽ tiếp tục kiểm định về an toàn chất lượng phương tiện ở trạng thái hoạt động, bao gồm hoạt động trên đường thử tàu tại depot và trên chính tuyến”, ông Sinh thông tin và cho biết, việc kiểm tra tàu ở trạng thái vận hành để đánh giá các tính năng kỹ thuật của tàu theo tiêu chuẩn, như khả năng tàu thông qua các đường cong, khả năng tăng tốc, giảm tốc, cường độ từ trường, độ ồn, bụi…

Cũng theo ông Sinh, Đăng kiểm VN kiểm định, cấp chứng nhận đối với các đoàn tàu; còn đánh giá an toàn hệ thống (độ tin cậy của đoàn tàu, hệ thống tín hiệu điều khiển chạy tàu, hệ thống điện, tích hợp hệ thống; đánh giá thử nghiệm vận hành, chạy thử hệ thống và quản lý vận hành an toàn…) do đơn vị tư vấn độc lập thực hiện, sau đó Cục Đăng kiểm VN chủ trì thẩm định để chứng nhận an toàn hệ thống.

Ghi nhận tại các công trường dự án thời gian này, công tác an ninh, an toàn được siết chặt. Các nhà ga, khu vực điều hành chạy tàu khu depot đều có lực lượng bảo vệ túc trực 24/24h để kiểm soát người ra, vào và tài sản dự án. Tại các lối lên ga được lắp hàng rào inox, camera an ninh và bảo vệ chốt trực để đảm bảo chỉ những người có nhiệm vụ mới được ra vào công trường.

“Hệ thống báo hiệu, biển chỉ dẫn tại depot, nhà ga, trên các đoàn tàu được là các biển chỉ dẫn song ngữ Việt - Anh. Hiện, dự án đang được triển khai các hạng mục công việc theo kế hoạch, không nảy sinh các vấn đề ngoài kế hoạch đã được phê duyệt”, đại diện Ban QLDA cho biết.

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:129135
Lượt truy cập: 176.531.393