Tái diễn ùn tắc khu vực trường học
Giờ cao điểm buổi chiều, dọc tuyến đường Trần Nguyên Hãn (quận Lê Chân), các phương tiện đều phải di chuyển chậm, có lúc nhích từng chút một trên đường. Tại các nút giao đường Trần Nguyên Hãn với đường Tôn Đức Thắng, đường Hoàng Minh Thảo, Vũ Chí Thắng, có lúc phương tiện chờ tới 2, 3 lượt đèn tín hiệu giao thông mới có thể lưu thoát qua. Điều này khiến nhiều người sốt ruột, bấm còi ô tô xe máy inh ỏi. Thậm chí, một số người vượt đèn đỏ, đi ngược chiều. Đặc biệt, tại khu vực qua Trường tiểu học Võ Thị Sáu, có lúc dòng xe kẹt cứng. Hơn nữa, khu vực này gần với Bến xe Niệm Nghĩa, Trường THPT Lý Thái Tổ, ngã ba giao với đường Thiên Lôi… nên lượng phương tiện tăng đột biến vào giờ cao điểm, nhiều xe quành rẽ dễ dẫn đến xung đột giao thông. Có thời điểm, để giải quyết tình trạng ùn tắc cục bộ khu vực này, lực lượng cảnh sát giao thông phải điều tiết từ xa, hạn chế ô-tô lưu thông vào tuyến đường Trần Nguyên Hãn. Các phương tiện rẽ sang các tuyến đường liền kề như Hoàng Minh Thảo, Nguyễn Công Hòa…
Đoàn thanh niên Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Công an thành phố) phối hợp với
Quận đoàn Lê Chân tuyên truyền an toàn giao thông tại Trường THPT Ngô Quyền
Từ lâu, để bảo đảm giao thông, hạn chế ùn tắc, đường Lương Khánh Thiện (quận Ngô Quyền), đường Đinh Tiên Hoàng (quận Hồng Bàng) được phân luồng một chiều. Song, vào giờ cao điểm buổi chiều, tại khu vực trước cổng Trường tiểu học Nguyễn Khuyến trên đường Lương Khánh Thiện, Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng trên đường Đinh Tiên Hoàng, nhiều người dừng xe máy thành 3, 4 hàng dưới lòng đường chờ đón con. Nhiều ô tô đỗ dọc cả hai bên đường, sát khu vực cổng trường, khiến giao thông càng bị tắc nghẽn.
Tương tự, trên tuyến đường Hai Bà Trưng (quận Lê Chân), đoạn qua khu vực Trường tiểu học Nguyễn Văn Tố luôn là nỗi e ngại của nhiều người khi qua đây vào giờ tan học. Ngay cả trên đường Máy Tơ, nối từ đường Lê Lai đến đường Trần Khánh Dư (quận Ngô Quyền) là tuyến đường ngắn, hẹp, lượng phương tiện lưu thông không nhiều. Song, mỗi khi Trường tiểu học Nguyễn Thượng Hiền trên tuyến đường này vào giờ tan học buổi chiều hay xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ. Mặc dù các trường đều tuyên truyền, vận động các cha mẹ học sinh dừng phương tiện đón con trên vỉa hè, khu vực cách cổng trường hoặc bố trí chỗ để xe trong sân trường. Nhưng nhiều người vẫn giữ tâm lý chỉ dừng vài phút để đón con, nên tình trạng dừng, đỗ xe không đúng nơi quy định lại tái diễn, gây ùn tắc, tai nạn giao thông và ảnh hưởng đến trật tự trị an.
Phối hợp các lực lượng điều tiết giao thông
Trung tá Trần Đức Tùng, Đội trưởng Đội cảnh sát giao thông, trật tự, 113 (Công an quận Lê Chân) cho biết: Trên địa bàn quận, nhiều trường học nằm trên các tuyến đường trung tâm, mật độ phương tiện lưu thông đông, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về giao thông. Ngay những ngày đầu năm học mới, đơn vị phối hợp với công an các phường, bố trí lực lượng tập trung hướng dẫn, điều tiết giao thông tại khu vực các trường học vào giờ cao điểm, không để xảy ra ùn tắc kéo dài, khắc phục sớm các vấn đề phức tạp có thể xảy ra. Cùng với đó, đơn vị xây dựng kế hoạch, tăng cường công tác tuyên truyền giao thông tại các trường học, nâng cao ý thức chấp hành giao thông cho học sinh. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức tự giác, sự nhắc nhở hằng ngày từ các thầy, cô giáo, cha mẹ tới học sinh.
Hiệu trưởng Trường THCS Dư Hàng Kênh (quận Lê Chân), Lê Thị Lan Hương cho biết: Trường ở trên tuyến đường Miếu Hai Xã khá hẹp, ngay gần lối rẽ về chợ Hàng, giao thông khá phức tạp, dễ xảy ra va chạm. Mấy năm gần đây, nhà trường luôn khuyến khích học sinh tham gia cuộc thi Giao thông học đường trên mạng do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tổ chức. Cuộc thi với những câu hỏi trắc nghiệm kiến thức về an toàn giao thông, các kỹ năng, xử lý tình huống khi tham gia giao thông. Việc tham gia cuộc thi là tiêu chí để đánh giá thi đua giữa các lớp. Học sinh của trường khi đoạt giải được biểu dương, khen thưởng.
Với chủ đề năm An toàn giao thông 2018 - “An toàn giao thông cho trẻ em”, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia vừa có văn bản đề nghị Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố tăng cường công tác chỉ đạo, triển khai “Tháng cao điểm An toàn giao thông cho học sinh, sinh viên đến trường”. Việc triển khai phải có sự phối hợp của ngành Giáo dục - Đào tạo, các cấp chính quyền và lực lượng chức năng, tiếp tục làm tốt, nhân rộng mô hình “Cổng trường an toàn”. Với cha mẹ học sinh cần có cam kết và giám sát thực hiện cam kết chấp hành quy định an toàn giao thông cho học sinh, đặc biệt phải đội mũ bảo hiểm cho trẻ em khi đi mô tô, xe máy. Lực lượng cảnh sát giao thông thường xuyên điều tiết, tổ chức phân luồng giao thông trên các tuyến đường trọng điểm trong giờ đến và tan trường; kiểm tra nhắc nhở, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông liên quan đến trẻ em, nhất là hành vi chở trẻ em đi mô tô, xe máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm theo quy định.