Từ ngày thông xe tuyến đường này, lượng người và phương tiện tăng lên chóng mặt bởi từ Hòa Bình và các tỉnh Tây Bắc đi về Hà Nội và ngược lại thời gian lưu thông giảm xuống còn khoảng 1 h xe chạy và nhất là hiện nay đi trên tuyến này chưa mất phí. Các xe lưu thông với tốc độ rất lớn đặt ra những vấn lớn trong công tác bảo đảm an toàn giao thông. Ông Bùi Quang Bát, Giám đốc Công ty 36 cho biết: Khi khánh thành đường và đến thời điểm thu phí dự kiến vào đầu tháng 11 tới đây, các phương tiện có thể lưu thông trên tuyến, tuy nhiên, cũng có thời điểm phải cấm đường để điều chỉnh một số điểm phát sinh trên tuyến bảo đảm quy định.
Trong vòng chưa đầy 1 tháng đã ghi nhận những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Cụ thể vào cuối tháng 9/2018 đã có 2 người nước ngoài di chuyển bằng xe máy với tốc độ cao đã tông vào khối bê tông chắn đường do công ty 36 chắn đã bị thương nặng phải đi cấp cứu. Vào tối hôm 6.10 vừa qua, cũng chính khu vực này đã ghi nhận vụ tai nạn làm chết 1 người sinh năm 1995 điều khiển xe máy tông vào cục bê tông.
Các phương tiện lưu thông trên đường Hòa Lạc với tốc độ lớn dù có biển cấm đường.
Ghi nhận trên tuyến rất nhiều phương tiện từ ô tô khách, xe chở đất đá, xe tải, ô tô con, xe máy, công nông đi lại trên tuyến đường này. Trước thực tế này, nhà đầu tư là công ty 36 đã đạt bê tông ngăn đường. Thế nhưng các phương tiện lại luồng lách vào đường ngõ xóm, đường gom rồi tiếp tục leo lên đường Hòa Lạc- Hòa Bình... và các phương tiện đã xung đột với người dân địa phương như ở xóm Nút xã Dân Hạ, Kỳ Sơn. Tại xóm Hội, xã Yên Trung, Thạch Thất, Hà Nội mới đây, người dân đã lập barie chắn trên đường Hòa Lạc- Hòa Bình... Hiện này tình hình giao thông trên tuyến Hòa Lạc- Hòa Bình tiềm ẩn nguy cơ lớn mất an toàn giao thông, mất an ninh trật tự. Để bảo đảm ATGT. Hiện nay, nhà đầu tư đã đóng đường không cho các phương tiện lưu thông.
Tuyến đường Hòa Lạc- Hòa Bình có chiều dài 25,7 km, đi qua địa phần Hòa Bình và Hà Nội, trong đó đi qua địa bàn tỉnh Hòa Bình 19,6 km. Trước đó, để hạn chế các phương tiện, người tự ý tham gia giao thông trên tuyến đường Hòa Lạc- Hòa Bình, Công ty 36 nhắc nhở và yêu cầu các phương tiện không được đi vào tuyến đường, đã tổ chức cắm biển cấm các loại phương tiện với khoảng cách 2 km/1 biển báo dọc tuyến ở hai đầu tuyến, các vị trí nút giao với đường dân sinh, các vị trí Cầu Thạch Bình, huyện Thạch Thất, Hà Nội và vị trí cầu vượt tỉnh lộ 445 đã được đặt các cục bê tông để cấm các xe vào tuyến. Các phương tiện đã dùng cáp kéo bê tông chắn đường mở lối đi vào tuyến Hòa Lạc- Hòa Bình. Công ty 36 đã đề nghị Ban ATGT tỉnh và UBND các huyện dọc tuyến đường và lực lượng chức năng tuyên truyền, hỗ trợ lực lượng pháp lý để ngăn các loại phương tiện không tự ý đi vào đường, ngăn chặn nguy cơ TNGT và bảo đảm ANTT khu vực. Ban ATGT tỉnh cũng đã ban hành văn bản hỗ trợ bảo đảm giao thông đường Hòa Lạc- Hòa Bình. Theo đó đề nghị các lực lượng chức năng và UBND TP Hòa Bình và huyện Kỳ Sơn tuyên truyền vận động người dân không tự ý đi vào tuyến trong quá trình thi công; chỉ đạo lực lượng hỗ trợ công ty 36 có phương án lắp đặt biển báo, chỉ dẫn, hướng dân giao thông, kiên quyết ngăn chặn và xử lý các trường hợp cố tình vi phạm đi vào tuyến đường này.
Ông Trần Thanh Tùng, Trưởng phòng Kinh tế huyện Kỳ Sơn cho biết: Đường qua Kỳ Sơn dài 16,3 km, qua địa bàn các xã Thị Trấn, Dân Hạ, Mông Hóa, Phúc Tiến, Yên Quang. Hiện đường chưa đưa vào khai thác sử dụng. Trong khi đó nhiều phương tiện đã lưu thông trên tuyến và thực tế đã xảy ra những tai nạn. Ban ATGT huyện đã chỉ đạo lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền vận động người dân, đề nghị nhà đầu tư cắm các biển báo tại các khu vực, vị trí đường gom bảo đảm các yêu cầu về ATGT.