Một năm qua, đơn vị chức năng đã phát hiện 79 trường hợp tự ý mở đường, san lấp mặt bằng, dựng lều quán, xây nhà cửa... trong phạm vi HLĐB trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh. Sau khi phát hiện, cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt hành chính theo quy định đối với các trường hợp này với tổng số tiền 441 triệu đồng.
Thế nhưng đến nay, mới chỉ có 30 trường hợp chấp hành nộp phạt, với tổng số tiền 255 triệu đồng. Số còn lại vẫn đang né tránh, tìm cách chây ì, không nộp phạt theo quy định. Ngoài việc bị xử phạt, các trường hợp vi phạm còn buộc phải tự tháo dỡ các công trình, vật kiến trúc xây dựng vi phạm HLĐB. Đến nay, mới chỉ có 8 trường hợp tự tháo gỡ, di dời công trình, còn lại vẫn chưa chấp hành.
Hành lang Quốc lộ 28, thuộc địa phận xã Quảng Sơn (Đắk Glong) có nhiều trường hợp dựng lều quán để buôn bán
Ở 3 tuyến quốc lộ, 6 tuyến tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh, số trường hợp vi phạm HLĐB diễn ra phổ biến, thậm chí rất nhiều trường hợp mới xây dựng, cơi nới các công trình. Điển hình là Quốc lộ 28, khu vực thuộc địa bàn xã Quảng Sơn (Đắk Glong) và Quốc lộ 14 đoạn qua huyện Đắk Song, Đắk R’lấp có rất nhiều trường hợp dựng lều quán, cơi nới công trình, tự ý mở và đấu nối đường trái phép, gây mất an toàn giao thông.
Theo đánh giá của Sở Giao thông vận tải, trong thời gian qua, chính quyền các địa phương còn thiếu quan tâm ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm HLĐB. Do đó, tại một số địa phương, tình trạng vi phạm HLĐB tăng nhiều, nhất là các địa bàn có Quốc lộ 14 chạy qua. Chẳng hạn như ở Đắk Song có trường hợp ông Nguyễn Ngọc Bắc, ở thôn 10, xã Nâm N'jang, tự ý san lấp mặt bằng, xây dựng nhà cửa trái phép trong phạm vi đất hành lang Quốc lộ 14 đoạn Km 817+ 500.
Hộ ông Tống Văn Hóa, trú tại thôn 7, xã Trường Xuân (Đắk Song) cũng xây dựng nhà trái phép trong HLĐB trên quốc lộ 14 để kinh doanh buôn bán, nhưng vẫn chưa được tháo dỡ. Còn trường hợp ông Trần Bình Điệp, trú tại thôn Tân Bình, xã Đắk Ru (Đắk R’lấp), tự ý đổ tấm đan bằng bê tông trên mương cửa cống xả nước thuộc Km 882+ 280 Quốc lộ 14. Trường hợp này đã bị lực lượng chức năng lập biên bản 5 lần và gửi cho cơ quan có thẩm quyền xử lý, nhưng đến nay chưa được xử lý theo quy định.
Ông Lê Xuân Nhị, Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải cho biết: “Việc xử lý các trường hợp lấn chiếm đất HLĐB để san lấp mặt bằng, xây dựng, cơi nới công trình là nhà cửa, lều quán… chưa được các địa phương quan tâm đầy đủ, thiếu kiên quyết xử lý, thậm chí có trường hợp buông lỏng quản lý. Vì thế, hiệu quả công tác quản lý bảo vệ hành lang an toàn giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh không cao. Nếu các địa phương thực hiện đúng quy trình, trách nhiệm của mình thì sẽ không xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm đất hành lang như hiện nay”.
Theo ông Nhị, những trường hợp vi phạm HLĐB sẽ bị Thanh tra Giao thông phối hợp với chính quyền địa phương, đơn vị quản lý và bảo trì đường bộ lập biên bản vi phạm hành chính. Sau đó, biên bản được chuyển cho UBND huyện, thị xã để ra quyết định xử phạt và yêu cầu đối tượng phải khắc phục, trả lại hiện trạng trong thời hạn 7 ngày. Đối với những trường hợp không chấp hành các quyết định xử phạt thì UBND huyện, thị xã tổ chức cưỡng chế.