Trung Quốc khánh thành cầu vượt biển trị giá 20 tỷ USD

Thứ tư, 24/10/2018 13:46

Ngày 23/10, Trung Quốc chính thức khai trương cầu vượt biển nối đặc khu hành chính Hồng Kông và đại lục với tổng giá trị đầu tư xây dựng lên đến 20 tỷ USD. Tuy nhiên, ngay từ khi bắt đầu, thậm chí kể cả khi đã được hoàn thiện, dự án cầu nối Hồng Kông và đại lục Trung Quốc đã vấp phải chỉ trích rất gay gắt…

Cầu vượt biển dài nhất thế giới nối
đặc khu hành chính Hồng Kông và đại lục Trung Quốc

Cầu vượt biển dài nhất thế giới

Dự án cầu vượt biển trị giá 20 tỷ USD nối Hồng Kông, Ma Cao và TP Châu Hải bên phần Trung Quốc đại lục đã chính thức hoàn thành cuối tuần qua sau đúng 9 năm kể từ khi bắt đầu quá trình xây dựng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tham dự buổi lễ ở Chu Hải cùng với các quan chức hàng đầu từ Hồng Kông và Ma Cao. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã chính thức khai trương cây cầu vượt biển dài nhất thế giới.

Từng được kỳ vọng hoàn thành vào năm 2016 nhưng do nhiều lý do, công trình đặc biệt này đã chậm tiến độ 2 năm. Cầu vượt biển Hồng Kông - Trung Quốc có 6 làn xe chia đều cho hai chiều trên tổng chiều dài toàn cầu là 55km.

Cây cầu cũng phải đối mặt với những lời chỉ trích công khai đáng kể về các tiêu chuẩn an toàn. 7 công nhân đã chết và 275 người khác bị thương trong khi thi công cầu. Các quan chức Hồng Kông trước đây đã từng đổ lỗi cho rằng số người chết do tình trạng thiếu nhân lực.

Bắc Kinh coi đây là một dự án quan trọng trong kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng tổng thể của Trung Quốc, đặc biệt nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho khu vực vịnh Greater bao phủ diện tích 56.500km2 trên khắp miền Nam Trung Quốc với 11 thành phố và là nơi sinh sống của ít nhất 68 triệu người.

Nhà chức trách Trung Quốc cho biết, cây cầu sẽ cắt giảm thời gian hành trình giữa các thành phố từ 3 giờ xuống chỉ còn 30 phút, cho phép người dân và khách du lịch dễ dàng di chuyển qua lại giữa các thành phố lớn trong khu vực.

“Khi có cây cầu, thời gian đi lại giữa Hồng Kông và vùng Đồng bằng phía Tây sông Châu Giang được rút ngắn đáng kể. Nếu di chuyển bằng xe hơi từ bất cứ địa điểm nào ở khu vực phía Tây sông Châu Giang đến Hồng Kông chỉ còn mất chưa đến 3 tiếng đồng hồ”, Giám đốc Sở Giao thông TP Macau, Hồng Kông, ông Frank Chan cho hay.

Theo hãng tin CNN (Mỹ), mặc dù đã rút ngắn thời gian lái xe nhưng chủ sở hữu xe tư nhân ở đặc khu hành chính Hồng Kông sẽ không thể vượt qua cây cầu mà không có giấy phép đặc biệt.

Hầu hết, các lái xe ở đặc khu này sẽ phải đỗ xe cá nhân tại cảng Hồng Kông và chuyển sang xe buýt đưa đón hoặc xe thuê đặc biệt khi muốn sang các địa danh bên phần đại lục. Xe buýt đưa đón có giá vé từ 8-10 USD cho một chuyến đi phụ thuộc vào thời gian trong ngày.

Nỗ lực kỹ thuật lớn

Cầu nối Hồng Kông và đại lục đã được Trung Quốc xây dựng bằng những nỗ lực kỹ thuật rất lớn. Dự án này được thiết kế để có thể đứng vững trước các trận động đất với cường độ mạnh dưới 8 độ richter.

Ngoài ra, trong trường hợp bị siêu bão hay các tàu chở hàng cỡ lớn tấn công, đâm va, cây cầu với sự kết hợp của 400.000 tấn thép (gấp 4,5 lần số lượng thép được dùng để xây cầu Cổng Vàng của San Francisco) và nhựa trải bề mặt sẽ vẫn phục vụ được nhu cầu đi lại của hàng ngàn phương tiện qua lại.

Đáng chú ý, cầu vượt biển dài nhất thế giới có một đoạn đường hầm ngập nước dài tới 6,7km giúp tránh được những tuyến vận chuyển đường thủy bận rộn trên khu vực Đồng bằng sông Châu Giang.

Đường hầm ngầm này chạy giữa hai đảo nhân tạo, mỗi đảo rộng 100.000m2 và đều nằm trong vùng nước tương đối nông. Đây cũng chính là công đoạn thi công đòi hỏi nhiều nỗ lực về sức người, kỹ thuật và thời gian nhất trong toàn bộ dự án.

Bị phê phán gay gắt

Tuy nhiên, ngay từ khi bắt đầu, thậm chí kể cả khi đã được hoàn thiện, dự án cầu nối Hồng Kông và đại lục Trung Quốc đã vấp phải chỉ trích rất gay gắt từ người dân TP Hồng Kông bởi nơi này không mong muốn có thêm sự kết nối lớn giữa TP Macau và TP Chu Hải bên kia đại lục.

Trong năm 2016, Hồng Kông đã chứng kiến lượng khách du lịch tăng kỷ lục ở mốc 56,7 triệu lượt.

Với các nhà hoạt động chỉ trích dự án lớn của Chính phủ Trung Quốc, cây cầu được xem như một công cụ kéo thành phố Hồng Kông - nơi tự hào có cơ quan lập pháp bán dân chủ và nền tư pháp độc lập, đi xuống.

Cầu vượt biển dài nhất thế giới này sẽ mở cửa cho giao thông công cộng vào ngày mai (24/10). Dư luận Hồng Kông cũng từng bàn tán rất nhiều về những điều bí mật và không được công khai về dự án quy mô này.

Một nhà lập pháp Hồng Kông có tên Claudia Mo nói với CNN: “Chúng ta không thể nhìn thấy những “kết nối bí mật” từ dự án dù bản thân cây cầu dài và lớn này có thể nhìn thấy bằng mắt thường hay di chuyển trên máy bay.

Nó kết nối Hồng Kông với Trung Quốc gần giống như một dây rốn. Bạn thấy đó, có một mối liên kết vô hình, đặc biệt với phía đại lục (ám chỉ ảnh hưởng chính trị - PV).”

Nhà lập pháp Claudia Mo và các nhà phê bình khác nói rằng Hồng Kông phải chi số tiền khổng lồ tương đương 9 tỷ USD (gần một nửa chi phí dự án) trong khi thành phố đang phải đối phó với tình trạng thiếu nhà ở công cộng và nghèo đói.

“Hồng Kông đã phải tài trợ rất nhiều để xây cây cầu, nhưng chúng tôi sẽ không thấy nhiều lợi ích ở đây", bà Claudia Mo nói.

Mặc dù là một công trình ấn tượng, đối với các nhà hoạt động môi trường, việc xây dựng cây cầu mang lại những tác động không ổn đối với hệ sinh thái trên khu vực Đồng bằng sông Châu Giang, nơi cư trú của một quần thể cá heo trắng độc nhất vô nhị trên thế giới đang có nguy cơ tuyệt chủng ở Trung Quốc.

Các chuyên gia bảo tồn lo ngại cây cầu, cũng như việc mở rộng sân bay Hồng Kông đang diễn ra, có thể là dấu chấm hết cho sự tồn tại của đàn cá heo trắng đặc biệt ở đây.

Để đáp ứng các lo ngại về môi trường trên cầu, chính quyền Hồng Kông đã tạo ra các công viên biển bổ sung để bảo vệ cá heo trắng và các sinh vật thủy sinh khác. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng điều này có thể là quá muộn để giảm tác động của dự án đã được thực hiện.

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:253677
Lượt truy cập: 176.386.685