Tuy tuyến đường sắt không dài nhưng có nhiều điểm giao cắt với đường bộ, đường ngang dân sinh và đi qua nhiều khu dân cư với lượng người và phương tiện lưu thông lớn. Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh, 9 tháng năm 2018 trên địa bàn xảy ra 3 vụ TNGT đường sắt làm 1 người chết và 2 người bị thương; so với cùng kỳ năm trước tăng ở cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và bị thương.
Có thể thấy, một trong những nguyên nhân trực tiếp khiến các vụ TNGT đường sắt gia tăng thời gian qua xuất phát từ hành vi vi phạm của những người điều khiển phương tiện qua đường ngang và người dân sinh sống ven tuyến đường sắt. Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông còn kém, nhiều vi phạm hành lang ATGT đường sắt còn diễn ra, các giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ, các công trình vi phạm hành lang an toàn giao thông (ATGT) đường sắt chưa được giải tỏa dứt điểm.
Ảnh minh họa
Chính quyền một số địa phương có đường sắt đi qua chưa quyết liệt trong chỉ đạo bảo đảm ATGT đường sắt. Hiệu quả trong chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT tại các đường ngang cũng như xác định và xử lý trách nhiệm của địa phương, đơn vị có liên quan chưa cao.
Để tăng cường công tác bảo đảm trật tự ATGT đường sắt trên địa bàn tỉnh, thời gian gần đây, UBND tỉnh, Ban ATGT tỉnh, Sở Giao thông vận tải đã có nhiều văn bản gửi các địa phương có tuyến đường sắt đi qua để chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị, ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố triển khai phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về trật tự ATGT đường sắt, các quy định về phạm vi bảo vệ công trình đường sắt tới các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; đặc biệt là các hộ dân dọc hai bên đường sắt để biết và tự giác chấp hành.
Sở Giao thông vận tải phối hợp với UBND các huyện, thành phố, Quỹ bảo trì đường bộ thực hiện việc xây dựng gờ giảm tốc đối với đường ngang qua đường sắt. Phối hợp giải tỏa hành lang giao thông, những điểm che khuất hệ thống báo hiệu đường ngang.
Phối hợp với Công ty cổ phần Đường sắt Hà Ninh thu hẹp các lối đi dân sinh để hạn chế phương tiện cơ giới qua lại; tiếp nhận việc bàn giao hiện trạng các lối đi đã được thu hẹp, hàng rào chắn các lối đi dân sinh đã đóng.
UBND các huyện, thành phố chủ trì tổ chức cảnh giới, chốt gác ATGT, đảm bảo êm thuận bề mặt, phát quang tầm nhìn tại các lối đi tự mở tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra TNGT.
Tập trung triển khai kế hoạch xóa bỏ dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt theo lộ trình đã xây dựng. Rà soát các đường ngang qua đường sắt để có giải pháp xử lý phù hợp. Lắp đặt bổ sung các hộ lan mềm còn trống dọc Quốc lộ 1A…
Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT tại các đường ngang. Xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, địa phương nếu để người dân tự ý mở đường ngang trái phép.
Ngoài ra, Ban ATGT tỉnh yêu cầu ngành Đường sắt chủ động cung cấp giờ tàu chính xác tại vị trí giao cắt cho nhân viên cảnh giới, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định, quy trình chạy tàu của công nhân viên, lái tàu. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 21/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý, lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt.
Phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến các cấp cơ sở, khu dân cư về Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt, nhất là các quy tắc giao thông đường bộ khi vượt qua đường sắt; phát huy và nhân rộng các mô hình tự quản trong bảo đảm trật tự ATGT đường sắt.
Lực lượng trực gác chắn tàu tuyệt đối tuân thủ các quy định về bảo đảm trật tự ATGT của ngành đường sắt; cương quyết không cho người và các phương tiện giao thông vượt gác chắn khi có tín hiệu báo tàu đến. Thực hiện đúng quy trình tác nghiệp tại nơi giao cắt giữa đường bộ và đường sắt.