Thực tế tại các bến khách cứ 10-15 phút đò rời bến và chạy khoảng 10 -20 phút tới bờ bên kia, nên người dân rất chủ quan, hầu như không ai chịu mặc áo phao vì vướng víu, bất tiện,...
Bà Nguyễn Thị Hai (Châu Thành) khi sang đò Sơn Đốt cho biết: "Mặc áo phao sẽ an toàn nếu chẳng may xảy ra sự cố, nhưng qua lại thường xuyên thấy an toàn nên không mặc".
Một số người dân cho rằng: chưa có thói quen bước xuống đò là mặc áo phao, chẳng lẽ cả đò chỉ 1-2 người mặc thấy cũng kỳ, nên thôi". Thực tế này tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, bởi lẽ không ai có thể lường trước được những rủi ro có thể xảy ra đối với phương tiện, nhất là khi có sóng to, gió lớn.
Tại huyện Chợ Mới, Công an huyện, Đội Thanh tra giao thông thường xuyên kiểm tra nhắc nhở và cho làm cam kết các trường hợp không tuân thủ quy định. Đồng thời tuyên truyền cho hành khách mặc áo phao khi qua phà, không chở hàng hóa quá trọng tải, trang bị đầy đủ các phương tiện an toàn khi tham gia giao thông, như: áo phao, bình chữa cháy mini...
Kiểm tra, tuyên truyền vận động hành khách mặc áo phao sang sông
TX. Tân Châu có 14 bến khách, bến phà hoạt động ngang sông, kênh và nhiều phương tiện thủy từ địa phương khác cùng tham gia hoạt động vận chuyển hàng hóa.
Qua kiểm tra, phát hiện một số bến khách ngang sông vi phạm nhiều lỗi: không bố trí đủ định biên thuyền viên theo quy định, phương tiện chưa có máy trưởng và không có mặt trên phương tiện; số lượng khách được phép chở không đúng quy định; thiếu thiết bị phòng cháy, chữa cháy…
Lực lượng kiểm tra đã tiến hành lập biên bản đối với trường hợp vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật, đồng thời yêu cầu các chủ phương tiện nhanh chóng khắc phục lỗi vi phạm, chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường thủy nội địa, các quy định trong hoạt động vận tải khách ngang sông…
Phó Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông số 7 Lý Cao Cường cho biết: "Các chủ khai thác bến khách hầu hết thực hiện đầy đủ các quy định về điều kiện hoạt động. Tuy nhiên, tại một số bến việc chấp hành còn mang tính chất đối phó, nhất là việc không hướng dẫn hành khách sử dụng áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh, buộc dây an toàn khi cho phương tiện đưa, rước khách vào cập bến...". Đó là thực trạng chung của các bến khách ngang sông hiện nay, khi có đoàn kiểm tra thì thực hiện đầy đủ, khi đoàn kiểm tra đi thì việc vi phạm tiếp tục xảy ra.
Ngoài các địa phương tăng cường kiểm tra nhắc nhở, Phòng Cảnh sát đường thủy, Công an tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, cứu nạn, cứu hộ trên sông, nhất là khi có mưa to, gió lớn nhằm hạn chế thiệt hại, đặc biệt là thiệt hại về người. Đồng thời, duy trì nhiều mô hình, cách làm hay, trong đó có mô hình “Bến đò ngang an toàn giao thông”.
Để tăng cường công tác đảm bảo an toàn đối với các bến đò khách ngang sông, Thanh tra giao thông, Cảnh sát giao thông đường thủy thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan tuần tra kiểm soát, kiên quyết xử lý những lỗi vi phạm có thể dẫn đến tai nạn giao thông đường thủy như: người đi đò không mặc áo phao, chở quá số người quy định, người điều khiển phương tiện không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn, thiếu thuyền viên...
Đẩy mạnh tuyên truyền cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”, việc chấp hành mặc áo phao cứu sinh hoặc mang dụng cụ nổi cứu sinh khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến các quy định của Luật Giao thông đường thủy nội địa cho người dân; đồng thời phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quy định về an toàn bến bãi, phương tiện chở khách, chở quá tải…