Đi biển mùa mưa bão, ngư dân cần lưu ý gì?

Thứ năm, 22/11/2018 09:15

Kết hợp tốt giữa trình độ, kinh nghiệm và thực thi pháp luật chính là chìa khóa để giảm thiểu tai nạn trên biển trong mùa mưa bão.

Ngư dân xã Ngư Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) chuẩn bị ra khơi khai thác hải sản

Kiểm tra, rà soát các trang thiết bị

Thời tiết thay đổi bất thường, nên mỗi lần tàu rời bến là người đi biển cần rà soát các trang thiết bị cũng như kiểm tra công tác an toàn.

Đối với thủy thủ boong, chuẩn bị rời cảng cần chú ý việc chằng buộc tàu; Đóng kín hầm hàng, chằng buộc cẩn thận các dây cáp, cầu thang, các vật dễ di động trên boong và dưới máy tàu; Kiểm tra neo, các ống thông hơi hầm hàng, dây an toàn đi lại trên boong...

Khi biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng theo chiều hướng xấu như hiện nay, thời tiết ngày càng trở nên khó lường. Hệ thống thông tin đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an toàn an ninh mỗi khi tàu ra khơi. Do vậy, các tàu thuyền cần chú trọng trang bị các trang thiết bị thông tin cần thiết, bởi đó chính là sự sống còn của những người đi biển mỗi khi phương tiện gặp sự cố cần sự trợ giúp.

Để giảm thiểu tai nạn hàng hải, thuyền viên cần quan tâm đến thời tiết hàng ngày và cấp gió trên biển. Đây chính là thông tin quan trọng với người đi biển và cũng là điều quan tâm hàng đầu của thuyền trưởng trước mỗi hành trình. Ngư dân cần chủ động bật máy thu tự động, chuyên dụng thông tin dự báo, để thường xuyên lắng nghe các thông tin về cảnh báo thiên tai như bão, áp thấp, thời tiết nguy hiểm, gió mùa…hoặc các bản tin thời tiết biển hàng ngày để có thể đề phòng, chủ động tránh trú hay tìm cách xử lý hiệu quả khi gặp thời tiết bất thường. Các bản tin này đều được Hệ thống đài thông tin duyên hải (TTDH) Việt Nam cập nhật và phát trên tần số 7906 kHz và 8294kHz. Đặc biệt, trong trường hợp có bão hoặc áp thấp nhiệt đới, bản tin cảnh báo sẽ được phát liên tục trong ngày với khoảng cách 15 phút/phiên trên tần số 7906 kHz.

Linh hoạt các biện pháp khi gặp thời tiết xấu

Trong trường hợp tàu gặp thời tiết xấu người điều khiển tàu thuyền cần thông báo cho tất cả các thuyền viên trên tàu tăng cường chằng buộc các trang thiết bị, hàng hóa (nhất là các vật dễ di dộng trên boong và dưới máy tàu). Sau đó, cần tăng cường ca kíp để đảm bảo độ an toàn hoạt động của các thiết bị trên tàu. Chú ý cảnh giới, bảo đảm an toàn hoạt động của tàu, trong đó có việc duy trì máy chính an toàn; Tăng độ ổn định tàu và làm giảm tối đa mặt thoáng các két; Giảm máy và đề phòng máy bị quá tải, vượt tốc. Đồng thời, cần tránh trường hợp chân vịt bị quay trên không. Nếu gặp thời tiết quá xấu, cần thay đổi hướng hành trình thích hợp để giảm bớt sự va đập giữa tàu với sóng; Ngừng bảo dưỡng bên ngoài mặt boong nếu không cần thiết.

 Khi gặp bão, nên đổi hướng để tránh bão, có thể thả trôi hay dừng máy, thậm chí có thể quay trở lại để tránh xa tâm bão. Khi gặp gió mùa mạnh nên giảm máy, chọn hướng đi thích hợp để giảm lắc cho tàu, chờ cơn gió mùa mạnh tràn qua sau đó mới tăng dần tốc độ.

Khi gặp sự cố trên biển, ngư dân hãy gọi đến dài TTDH gần nhất thông qua Hệ thống đài TTDH Việt Nam cũng như với các cơ quan ban ngành liên quan sớm nhất.

Đối với các sự cố nguy hiểm đến tính mạng thuyền viên và tài sản của tàu, thuyền trưởng hoặc người có trách nhiệm trên tàu tiến hành phát tín hiệu báo động cấp cứu đến các Hệ thống đài TTDH Việt Nam hoặc các phương tiện trong khu vực để được cứu giúp. Đồng thời, phải nắm rõ cách thức thông tin phối hợp tại hiện trường để phục vụ công tác cứu nạn, cứu người đạt hiệu quả cao nhất…

Nguồn: Báo Giao thông

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:
Lượt truy cập: