Tai nạn giao thông, nỗi đau cho người ở lại

Thứ sáu, 23/11/2018 08:46

Tai nạn giao thông đang là một vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Những vụ tai nạn đột ngột để lại những khoảng trống không gì bù đắp nổi cho người thân, khiến không ít gia đình rơi vào cảnh khủng hoảng cả về tinh thần lẫn vật chất.

Thăm hỏi gia đình bà Phan Thị Mát nhân ngày tưởng niệm nạn nhân tai nạn giao thông

Người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh

Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Phú Yên, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 151 vụ tai nạn giao thông, làm chết 82 người, bị thương 134 người. Hầu hết nạn nhân của các vụ tai nạn đều xảy ra ở lứa tuổi lao động và xuất phát từ nguyên nhân chủ quan của người tham gia giao thông.

Đã hơn 9 tháng trôi qua nhưng nỗi đau mất con vẫn chưa nguôi ngoai đối với gia đình bà Phan Thị Mát (62 tuổi) ở xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa. Người con trai duy nhất của bà đã ra đi sau một vụ tai nạn giao thông, khiến sức khỏe của vợ chồng vốn đã kém nay còn tệ hơn. Chồng bà là thương binh, bị mù cả hai mắt do di chứng chiến tranh để lại.

Ngồi thờ thẫn trước bàn thờ con, bà Mát thút thít khóc: Hôm đó nó đi chơi cùng bạn, người bạn đó chở nó bằng xe máy. Chẳng hiểu hai đứa đi kiểu gì mà tự té, người kia bị thương, con trai tôi thì thiệt mạng. Nó chỉ mới 18 tuổi, còn bao nhiêu dự định, hoài bão phía trước. Vợ chồng tôi hiếm muộn, khó khăn lắm mới sinh được con, vậy mà nó nỡ nào rời xa chúng tôi. Từ ngày con mất, phải đối diện với nỗi đau mất con, bao hy vọng vào cuộc sống của chúng tôi cũng mất đi. Sức khỏe hai vợ chồng ngày càng sa sút.

Cùng tình cảnh “đầu bạc khóc tiễn đầu xanh”, gia đình bà Lưu Thị Thu ở xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa, cũng đầy nỗi tang thương. Người con trai đang độ tuổi lao động, là trụ cột chính của gia đình đã ra đi mãi mãi sau vụ tai nạn xe máy vào tháng 6 năm ngoái.

Trong căn nhà cấp bốn đã cũ, bà Thu bùi ngùi kể lại: Đến giờ tôi vẫn không thể nào xóa được cảm giác đau đớn của ngày hôm đó. Sau một ngày đêm mất liên lạc thì có người gọi báo tin con trai tôi gặp tai nạn giao thông và đã chết, xác được tìm thấy ở bên đường. Tôi nghe xong, trời đất tối sầm trước mắt rồi ngất lịm đi, chẳng còn biết gì nữa. Nó mất đi, chúng tôi vốn đã khó khăn nay còn ngặt nghèo gấp bội.

Gia đình thuộc diện hộ nghèo, căn nhà này cũng là ở nhờ của họ hàng. Chồng tôi lại đang bị suy thận giai đoạn 4. Từ ngày con mất, sức khỏe ông ấy càng yếu hơn. Tôi phải gạt nỗi đau mất con, gắng gượng đi bán vé số để kiếm tiền về chữa bệnh cho ông ấy.

Tương tự, gia đình bà Nguyễn Thị Kiều Nhớ ở xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa cũng đang phải gồng mình bởi gánh nặng kinh tế sau khi con qua đời. Chị Trần Thị Kiều Ân (SN 1986), con gái bà Nhớ đã mất trong một vụ tai nạn giao thông để lại hai đứa con còn thơ dại, đứa lớn học lớp 6, đứa nhỏ chỉ mới học mầm non.

Bà Nhớ cho biết: “Số nó khổ, có chồng sớm ở tận tỉnh An Giang nhưng sống không được êm ấm nên ly dị. Giờ nó lại mất, con nhỏ bơ vơ nên tôi phải cưu mang các cháu. Khổ nỗi giờ già rồi, bệnh đau triền miên không biết có nuôi nổi hai đứa nhỏ không nữa. Chứng kiến cảnh cháu còn thơ dại mà không có mẹ, tôi lại thấy xót xa. Nhiều đêm thấy cháu nằm mơ, khóc gọi mẹ mà tôi không cầm được nước mắt”.

Đừng để nỗi đau dài thêm

Trên đây chỉ là 3 trong hàng ngàn trường hợp gia đình có người thân không may bị tai nạn giao thông. Chứng kiến những thảm cảnh đó mới có thể thấu hiểu được hậu quả khủng khiếp do tai nạn giao thông gây ra. Nhiều gia đình đã khánh kiệt vì phải chữa trị cho người thân bị tai nạn giao thông. Nhiều nạn nhân là lao động chính trong nhà càng khiến tình hình kinh tế gia đình người bị nạn thêm bi đát.

Hưởng ứng Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông, vừa qua, Ban An toàn giao thông tỉnh đã đến thăm và tặng quà cho 14 gia đình có người thân tử vong vì tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh. Tại mỗi hộ, đại diện Ban An toàn giao thông tỉnh đã trao suất quà trị giá 2 triệu đồng, đồng thời gửi lời thăm hỏi, động viên các gia đình sớm vượt qua nỗi đau, mất mát để ổn định cuộc sống.

Theo Ban An toàn giao thông tỉnh, hầu hết các vụ tai nạn giao thông đều xuất phát từ ý thức của người điều khiển phương tiện không làm chủ tốc độ, phóng nhanh, vượt ẩu, đi sai phần đường. Nhiều trường hợp đã sử dụng rượu, bia quá mức cho phép khi tham gia giao thông.

Ông Nguyễn Bá Khải, Phó Giám đốc Sở GTVT Phú Yên, Ủy viên thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh, cho biết: Với chủ đề “Tưởng nhớ người đi, vì người ở lại”, hoạt động tưởng niệm các nạn nhân mà Việt Nam cùng thế giới tổ chức năm nay là dịp để chúng ta tưởng nhớ và bày tỏ niềm thương cảm với những người xấu số khi tham gia giao thông; cùng chia sẻ nỗi đau và sự mất mát với người thân của họ.

 Đây cũng là một cơ hội để mỗi chúng ta nhắc nhở chính mình, người thân, bạn bè về tầm quan trọng của việc phải chủ động góp phần tạo ra một môi trường giao thông an toàn cho mình và cộng đồng. Mỗi người hãy nghiêm chỉnh chấp hành các quy định về an toàn giao thông. Mỗi gia đình, nhà trường cần phải giáo dục con em mình từ khi còn bé về ý thức trách nhiệm khi tham gia giao thông.

Cũng theo ông Khải, các cơ quan chức năng đang triển khai các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh trong những tháng cuối năm 2018. Song song với công tác tuyên truyền, lực lượng chức năng còn tăng cường tuần tra kiểm soát, kịp thời ngăn chặn các vi phạm về trật tự an toàn giao thông.

Hệ thống hạ tầng giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ cũng đang dần được khôi phục, đảm bảo đi lại an toàn sau đợt mưa lũ vừa qua. “Vì hạnh phúc của mỗi người, mỗi nhà, chúng ta hãy cùng nhau ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn giao thông và thực hiện tốt “Văn hóa giao thông” khi tham gia giao thông”, ông Khải nói.

Nguồn: Báo Phú Yên

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:189332
Lượt truy cập: 176.789.025