Vì vậy, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, trách nhiệm khi tham gia giao thông, lực lượng chức năng vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, hạn chế thấp nhất số vụ, số người chết, số người bị thương và thiệt hại tài sản do tai nạn giao thông gây ra.
Phương tiện lưu thông đông trên các tuyến đường, cần có biện pháp phòng tránh tai nạn hiệu quả
Ông Nguyễn Thanh Phương, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh nhận định: Ngay trong tháng 10 vừa qua, tai nạn giao thông đã có chiều hướng tăng, những tháng tiếp theo, tai nạn có thể tăng cao và khó kiểm soát, rất cần sự chung tay của toàn xã hội, vì môi trường giao thông an toàn, thân thiện. Trong tháng 10, toàn tỉnh xảy ra 13 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6 người, bị thương 10 người, thiệt hại tài sản khoảng 24 triệu đồng, tăng 5 vụ, tăng 2 người chết, tăng 8 người bị thương so cùng kỳ năm 2017, nâng tổng số vụ tai nạn xảy ra 10 tháng qua lên 89 vụ, làm chết 68 người, bị thương 34 người.
Hiện trên khắp các tuyến đường, địa bàn trọng điểm phổ biến các hành vi vi phạm Luật Giao thông như: vi phạm quy định về tốc độ, đi sai làn đường, chuyển làn không đúng quy định, dừng đỗ sai quy định, uống rượu, bia điều khiển phương tiện; người đi xe máy vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm; tình trạng học sinh, sinh viên đi xe đạp điện dàn hàng 3, hàng 4, không đội mũ bảo hiểm. Xe công nông, xe tự chế, xe quá khổ, quá tải, cơi nới thành thùng hoạt động có chiều hướng gia tăng ở các huyện Thuận Thành, thị xã Từ Sơn, huyện Yên Phong, các bến cảng bốc xếp hàng hóa… Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi bán hàng tái diễn tại một số địa phương như chợ Dâu (Thuận Thành), thị trấn Chờ (Yên Phong), huyện Lương Tài (thị trấn Thứa), nhất là các chợ trung tâm của thành phố Bắc Ninh. Cộng thêm thời điểm mùa cưới, lượng người tham gia giao thông đông, nhiều lái xe uống rượu, bia điều khiển phương tiện, dễ dẫn đến vi phạm Luật Giao thông và gây tai nạn. Hầu hết người tham gia giao thông thường tất bật để hoàn tất công việc của một năm, nên tham gia giao thông vội vàng, gấp gáp, cũng là nguyên nhân khiến tai nạn tăng cao.
Ban ATGT tỉnh chỉ đạo các đơn vị thành viên, Ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật ATGT đến mọi tầng lớp nhân dân, nhằm làm chuyển biến nhận thức, nâng cao ý thức tự giác tuân thủ pháp luật và các biện pháp phòng tránh tai nạn giao thông. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự ATGT, đặc biệt là lái xe vi phạm nồng độ cồn, phóng nhanh, vượt ẩu, đỗ, dừng tùy tiện, xe ô tô chở quá khổ, quá tải, xe cơi nới thành thùng, chở hàng rơi vãi trên đường... Tiếp tục rà soát những bất cập trong công tác tổ chức giao thông để có biện pháp xóa bỏ các điểm tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông. Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương, các lực lượng làm công tác bảo đảm trật tự ATGT. Lập lại trật tự kỷ cương về ATGT, chú trọng trong công tác giải tỏa vi phạm hành lang ATGT... góp phần giảm thiểu tối đa tai nạn giao thông.
Phòng CSGT, Công an tỉnh, đơn vị chủ lực trong công tác bảo đảm trật tự ATGT huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị, kỹ thuật nghiệp vụ mở cao điểm, thực hiện theo từng chuyên đề cụ thể, nhằm tuần tra, kiểm soát hiệu quả, xử lý mạnh các hành vi vi phạm. 10 tháng năm 2018 đã có 19.335 trường hợp vi phạm Luật Giao thông bị xử lý, nộp Kho bạc nhà nước hơn 19 tỷ đồng. Những biện pháp răn đe mạnh của lực lượng chức năng có thể ngăn chặn ẩn họa tai nạn giao thông những tháng cuối năm này, từng bước đưa trật tự ATGT vào nền nếp.