Lắp đặt cụm đèn tín hiệu giao thông góp phần giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông
tại nút giao giữa Quốc lộ 10 với Khu công nghiệp Bảo Minh
Trong đó, Quốc lộ 10 chạy qua địa bàn tỉnh là tuyến giao thông huyết mạch quan trọng của cả nước và các tỉnh khu vực phía Bắc. Tuy nhiên với chiều rộng mặt đường 11m chỉ phù hợp vào thời điểm thực hiện dự án từ gần 20 năm trước; đến nay mặt đường đã trở nên quá hẹp, nhiều đoạn bị quá tải. Bên cạnh đó, tuyến đường này ở tỉnh ta lại song song với tuyến đường sắt Bắc - Nam, chênh lệch cốt đường lớn; đi qua nhiều khu dân cư đông đúc, có nhiều đường địa phương và đường ngang dân sinh đấu nối trực tiếp. Đoạn qua huyện Vụ Bản, những năm gần đây các hộ dân đã xây dựng nhà cửa, sinh sống đông đúc dọc tuyến quốc lộ; trên tuyến lại có các trường cao đẳng, trung học phổ thông, trung học cơ sở, tiểu học. Riêng Khu công nghiệp Bảo Minh có gần 10 nghìn công nhân làm việc hàng ngày phải đi lại trên tuyến đường này.
Vì vậy, vào giờ cao điểm thường xuyên xảy ra quá tải, ùn tắc giao thông cục bộ tại các điểm giao thông cầu Giành, Thị trấn Gôi, Liên Bảo... Không chỉ ở các tuyến quốc lộ, tại Thành phố Nam Định cũng xuất hiện một loạt vị trí hay ùn tắc cục bộ như các ngã tư giao cắt đường Lê Hồng Phong với Bến Ngự - Hàng Sắt, Hoàng Văn Thụ, ngã tư Trần Hưng Đạo - Trường Chinh, ngã tư Văn Cao - Trần Nhân Tông - Giải Phóng; ngã tư Trần Huy Liệu - Giải Phóng; điểm giao cắt giữa đường sắt và đường Trần Huy Liệu (ghi Nam)... Việc cải tạo các “nút thắt” này để đáp ứng yêu cầu phát triển vận tải còn gặp nhiều khó khăn do không có kinh phí.
Đồng chí Phan Phương Đông, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh cho biết, tình trạng ùn tắc giao thông không chỉ dẫn đến nhiều hệ lụy cho đời sống đô thị như: thiệt hại kinh tế do lãng phí thời gian và nhiên liệu; tạo ra sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nhiên liệu xăng dầu, làm gia tăng chi phí, suy giảm sức cạnh tranh trong sản xuất, kinh doanh; làm gia tăng ô nhiễm môi trường… mà còn là tác nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm. Thực trạng trên đặt ra cho các ngành chức năng và các cấp chính quyền của tỉnh nhiệm vụ phải có giải pháp phù hợp, đồng bộ từ công tác đầu tư, tổ chức, quản lý giao thông để phòng ngừa, khắc phục ùn tắc giao thông. Đối với Quốc lộ 10, tỉnh đã tích cực đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải có kế hoạch nâng cấp, mở rộng, sửa chữa để đáp ứng yêu cầu lưu thông phương tiện, phòng ngừa tai nạn giao thông.
Trên địa bàn tỉnh, ở một số tuyến khác như Quốc lộ 21, 37B, 38B và một số đường tỉnh cũng có tình trạng tương tự. Mới đây, Sở Giao thông Vận tải đã chủ động kiểm tra, rà soát, thống kê để tham mưu, đề xuất với tỉnh và Bộ Giao thông Vận tải có kế hoạch thu hồi đất hành lang an toàn đường bộ của những tuyến đường này để triển khai các biện pháp xử lý, khắc phục bất cập, tăng năng lực của hệ thống giao thông. Trong đó, Quốc lộ 21 địa phận huyện Hải Hậu được đề xuất mở rộng đoạn đường cong Km198+339 - Km198+604 (bên trái tuyến) tại xã Hải Hòa; mở rộng nút giao ngã 3, góc rẽ trái hẹp Km203+590 - Km204+080 tại xã Hải Châu. Đề xuất mở rộng bên phải tuyến Quốc lộ 37B địa phận huyện Nghĩa Hưng các đoạn: Km82+502 - Km82+635 tại xã Nghĩa Châu và Km84+380 - Km85+053 tại xã Hoàng Nam; tại huyện Ý Yên đề xuất mở rộng bên phải tuyến Km92+852 - Km92+945 tại xã Yên Lương, mở rộng hai bên tuyến Km103+04 - Km103+306 tại xã Yên Bình, mở rộng phía trái tuyến khu vực ngã 3 bán kính nhỏ Km104+902 - Km105+00 tại xã Yên Lương. Quốc lộ 38B đề xuất mở rộng ngã tư phía bên phải tuyến tại Km102+440 - Km102+465 địa phận xã Yên Dương.
Cùng với biện pháp cải tạo hạ tầng kỹ thuật, Sở Giao thông Vận tải cũng phối hợp với Công an tỉnh và chính quyền các huyện, thành phố chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch, phương án bảo đảm an toàn giao thông các dịp cao điểm, có mật độ người và phương tiện tham gia giao thông tăng đột biến như các dịp tết, lễ hội. Thực hiện các đợt cao điểm giải tỏa lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, lập lại trật tự đô thị, đảm bảo đường thông hè thoáng và thúc đẩy phát triển vận tải công cộng. Tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương tăng cường quản lý quy hoạch phát triển đô thị, hoạt động xây dựng, kiểm soát chặt chẽ các khâu lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch khu công nghiệp, khu đô thị dọc theo các tuyến đường quốc lộ, đường cao tốc, đảm bảo năng lực giao thông và trật tự an toàn giao thông; kiểm soát việc thực hiện các quy định về diện tích, số lượng vị trí đỗ xe trong công trình chung cư, văn phòng, trung tâm thương mại, khu công nghiệp, trường học, bệnh viện,...
Thời gian tới, tỉnh định hướng tìm kiếm, huy động, cân đối các nguồn lực để đẩy nhanh tốc độ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đô thị theo quy hoạch, các dự án trọng điểm về hạ tầng giao thông. Trước mắt, ưu tiên xây dựng các tuyến đường giao thông mới tại những khu vực có lượng người, phương tiện lưu thông cao; đặc biệt là các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, các tuyến đường đến trung tâm thành phố, trung tâm các huyện, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu du lịch. Thúc đẩy phát triển vận tải hành khách công cộng, giảm nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân, giảm áp lực cho hệ thống giao thông. Duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức nhằm tạo sự đồng thuận, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, thực hiện nếp sống văn hóa trong các hoạt động công cộng nói chung, hoạt động giao thông nói riêng của người dân, coi đây là biện pháp tiên quyết nhằm đạt kết quả vững chắc trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông./.