Nhiều xã vùng cao có địa hình chia cắt mạnh như Thào Chư Phìn, Lùng Sui (Si Ma Cai), Pa Cheo, Dền Sáng (Bát Xát), Hoàng Thu Phố, Bản Liền, Tả Củ Tỷ (Bắc Hà), Pha Long, Tả Gia Khâu (Mường Khương) giờ đã có đường ô tô về trung tâm xã và các thôn trong xã. Đó là những thành quả với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân. Giờ đây, hệ thống giao thông nông thôn đang góp phần giúp cho bà con nông dân thúc đẩy giao thương phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.
Tại huyện Si Ma Cai, từ năm 2011 đến nay, người dân đã đóng góp hơn 100.000 ngày công lao động, hiến hàng trăm ha đất các loại để đầu tư mở mới 387km đường giao thông nông thôn, trong đó có 217 km được bê tông xi măng, 170km được rải cấp phối. Ông Viên Đình Hiệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Si Ma Cai cho biết: Mạng lưới giao thông hoàn thiện đã góp phần vận chuyển vật tư nông nghiệp, tiêu thụ nông sản được dễ dàng hơn, giúp đời sống người dân ngày càng được nâng lên. Năm 2018, thu nhập bình quân đầu người đạt 25,2 triệu đồng, tăng hơn 11 triệu đồng so với năm 2010 và tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 62,52% (năm 2011) xuống còn 22,9%.
Còn tại huyện Bắc Hà, trong những năm qua cũng có thêm hơn 542 km đường giao thông nông thôn được mở mới, rải cấp phối và đổ bê tông xi măng. Hệ thống giao thông dần hoàn thiện, góp phần thúc đẩy sản xuất, giao thương phát triển.
Người dân xã Cốc Lầu làm đường giao thông nông thôn
Không chỉ huyện Bắc Hà và Si Ma Cai, mà các địa phương khác như Bảo Thắng, Bát Xát, Sa Pa, Mường Khương… những năm qua cũng có thêm hàng trăm km đường giao thông được mở mới và đổ bê tông xi măng nhờ sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự chung tay của người dân.
Được biết, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn tỉnh có 55/143 xã hoàn thành tiêu chí giao thông. Mục tiêu đặt ra đến năm 2020, toàn tỉnh có từ 72 xã trở lên hoàn thành tiêu chí này. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, bởi phương châm làm đường là dễ làm trước, khó làm sau. Do đó, những tuyến đường còn lại nằm ở khu vực có địa hình bị chia cắt mạnh, dân cư thưa thớt, khó khăn trong việc thi công và huy động nguồn lực. Điều này đòi hỏi sự quyết tâm hơn nữa của các cấp, ngành, địa phương và người dân…
Có thể thấy, từ khi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai, nhiều tuyến đường giao thông ở vùng cao được mở mới và đổ bê tông xi măng bảo đảm đi lại êm thuận bốn mùa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đem đến cuộc sống tốt hơn cho người dân.