Cao Bằng: Những con đường mang no ấm đến với người dân

Thứ hai, 07/01/2019 13:54

Xác định việc phát triển hệ thống giao thông là yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế của các địa phương, trong những năm qua, tỉnh Cao Bằng luôn chú trọng triển khai thực hiện nhiều giải pháp thiết thực, đem lại hiệu quả.

Người dân xã Phúc Sen (Quảng Uyên) làm đường nông thôn

Đến nay, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Cao Bằng thực hiện hiệu quả xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh ủy đã ban hành Chương trình số 09-CTr/TU về phát triển hạ tầng giao thông. UBND tỉnh xây dựng và trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 72/2016/NQ-HĐND về phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Nghị quyết 72 đã đưa ra 2 cơ chế sử dụng vật liệu là UBND tỉnh hỗ trợ xi măng để các địa phương làm đường bê tông xi măng và ưu tiên khai thác, sử dụng vật liệu xây dựng (cát, đá, sỏi) tại chỗ thông qua việc đăng ký với UBND tỉnh về khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác. Những công trình không có đá, cát, sỏi tại chỗ thì mua tại các mỏ gần nhất. 

Nghị quyết 72 cũng chỉ ra những nhiệm vụ trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh sẽ đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp khoảng 100 km nền đường đạt cấp V miền núi; hoàn thành thêm 100 km mặt đường láng nhựa; 80 km mặt đường bê tông xi măng... với tổng nhu cầu nguồn vốn khoảng 2.400 tỷ đồng.    

Đồng thời, tỉnh chỉ đạo các địa phương phát huy nội lực, chủ động lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án hỗ trợ. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia làm đường nông thôn bằng nhiều hình thức, như: hiến đất làm đường, góp tiền, góp công lao động..., thực hiện phát triển giao thông nông thôn gắn liền với các chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa phương. Nhờ vậy, nhiều tuyến đường liên xã, liên xóm được mở rộng, bê tông hóa, làm cho phong trào xây dựng nông thôn mới không ngừng phát triển. 

Giai đoạn 2016 - 2018, toàn tỉnh đã triển khai làm mới 121,38 km; cải tạo, mở nền 74,66 km đường huyện, giá trị thực hiện đạt 248 tỷ đồng. Các huyện đã triển khai xây dựng mới 395,84 km; cải tạo, mở nền được 287,23 km đường xã, giá trị thực hiện đạt hơn 890 tỷ đồng. 

Với những cơ chế đầu tư đặc thù, Chương trình xây dựng nông thôn mới đã khuyến khích, vận động được người dân tham gia tích cực. Kết hợp các nguồn vốn, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đầu tư 57 tỷ đồng, huy động nhân dân ủng hộ 14 tỷ đồng, ủng hộ 135 tấn xi măng, hiến 293.258 m2 đất, góp 149.489 công lao động để xây dựng 245,5 km đường nông thôn. 
Hiện nay, toàn tỉnh có 30 xã đạt tiêu chí về giao thông, tăng 22 xã so với năm 2016. Đến xã Quốc Dân (Quảng Uyên), đi trên những con đường bê tông khang trang, sạch đẹp chúng tôi thấy rõ những thay đổi của nơi đây khi nhiều con đường trong xã chỉ một vài năm trước đây vốn lầy lội, bụi bẩn, người dân đi lại khó khăn nay đã được bê tông trải phẳng, kéo dài đến từng ngõ xóm, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Gia đình anh Nông Văn Kiêm, xóm Dìa Trên, xã Quốc Dân có nguồn thu nhập chính từ chăn nuôi và trồng trọt trên diện tích đất hơn 2.000 m2, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Nhưng khi chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, gia đình anh đã không ngần ngại hiến hơn 100 m2 đất để làm đường. Anh Kiêm chia sẻ: Có đường mới khang trang sạch sẽ, gia đình tôi và những gia đình khác trong xóm tiết kiệm được rất nhiều thời gian đi lại, vận chuyển nông sản, dễ dàng áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất cây trồng, thương lái có thể vào tận nơi để thu mua nông sản, nhờ vậy mà giá cả nông sản tăng cao hơn. 

Chủ tịch UBND xã Quốc Dân Nông Văn Đức chia sẻ: Khi nguồn vốn đầu tư của Nhà nước còn hạn chế, cũng như nhiều địa phương khác, xã Quốc Dân xác định phát huy nội lực, huy động sức dân là yếu tố chính để hoàn thành tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới. Xã đã tập trung tuyên truyền, vận động người dân cùng chung tay xây dựng đường nông thôn và được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân. 

Từ năm 2016 đến nay, nhân dân trong xã đóng góp trên 5.000 ngày công lao động và hiến gần 1.000 m2 đất cùng hơn 200 tấn xi măng được Nhà nước hỗ trợ, xã đã xây dựng được gần 7km đường nông thôn. Nhờ đó nhiều tuyến đường liên thôn, liên xóm được đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp đã giúp cho việc đi lại của người dân được thuận lợi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bộ mặt nông thôn của xã thêm phần khởi sắc. 

Nhờ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay, toàn tỉnh đã có 995,7/1.516,8 km đường huyện được cứng hóa bằng nhựa hoặc bê tông xi măng, đạt 65,6%; 869/3.088,7 km đường trục xã được cứng hóa bằng nhựa hoặc bê tông xi măng, đạt 28,1%; 646,4/1.823,8 km đường thôn bản được cứng hóa, đạt 35,4%; 500/1.153,5 km đường ngõ xóm cứng hóa, đạt 43,4%; 160/1.044km đường trục chính nội đồng được cứng hóa, đạt 15,3%. 

Trong thời gian tới, với những giải pháp cụ thể được tỉnh triển khai thực hiện xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, sẽ góp phần từng bước làm cho bộ mặt nông thôn của tỉnh thêm khởi sắc. Những con đường mới sẽ nối dài thêm niềm vui, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, đem đến sự ấm no cho nhân dân.

Nguồn: Báo Cao Bằng

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:170220
Lượt truy cập: 177.377.797