Bình Phước có 2 tuyến Quốc lộ 13 và 14 đi qua. Đây là những tuyến giao thông huyết mạch nối liền Tây Nguyên với khu kinh tế Đông Nam bộ và thành phố Hồ Chí Minh; nối thành phố Hồ Chí Minh - Bình Dương với nước bạn Campuchia. Với tốc độ phát triển đô thị và các khu công nghiệp trên địa bàn như hiện nay đã kéo theo lượng lớn người dân đến làm ăn sinh sống khiến tình hình giao thông càng trở nên phức tạp. Đặc biệt, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ chưa cao nên tình trạng điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng rượu, bia còn diễn ra, gây nguy cơ mất an toàn.
Thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh, năm 2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 289 vụ TNGT, làm chết 167 người, bị thương 243 người, so với năm 2017 giảm 5 vụ, giảm 3 người chết và 16 người bị thương. Tuy nhiên, tình hình tai nạn và vi phạm quy định nồng độ cồn khi tham gia giao thông vẫn diễn biến phức tạp.
Lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh kiểm tra và
lập biên bản vi phạm tại tuyến Quốc lộ 13 trên địa bàn huyện Chơn Thành
Theo kế hoạch đợt cao điểm tăng cường xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm.
Cụ thể, chuyên đề này được triển khai đồng loạt từ ngày 16/12/2018 đến 15/2/2019. Lực lượng cảnh sát giao thông tổ chức tuần tra, phát hiện và xử lý vi phạm vào các khung giờ cao điểm, từ 11 -15 giờ; 18-22 giờ và trên các tuyến, địa bàn phức tạp về trật tự an toàn giao thông. Trực tiếp tham gia tuần tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn trên quốc lộ 13, địa bàn huyện Chơn Thành, Đại úy Nguyễn Thành Duy, Phó đội trưởng Đội cảnh sát giao thông tuyến quốc lộ 13, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết: Tình hình vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới trên quốc lộ 13 còn diễn ra. Đa số là những nam thanh niên có độ tuổi từ 20-35 và thời gian chúng tôi phát hiện thường trong khung 15 và 19 giờ hằng ngày. Đây cũng là thời điểm thường xảy ra TNGT.
Trong đợt cao điểm này, lực lượng cảnh sát giao thông áp dụng quy trình kiểm tra nồng độ cồn theo tiêu chuẩn quốc tế. Tại khu vực tổ chức kiểm tra được bố trí dải cọc phản quang phân làn, có bảng báo hiệu, bảo đảm thuận lợi cho việc tổ chức xử lý vi phạm, tránh gây ùn tắc giao thông; người điều khiển phương tiện chỉ việc dừng lại và thổi vào máy đo để cảnh sát giao thông kiểm tra. Nếu máy đo phát hiện tín hiệu lái xe có nồng độ cồn trong khí thở vượt quá quy định thì cảnh sát giao thông yêu cầu đưa xe vào điểm đỗ, lập biên bản xử lý theo quy định. Với cách làm này, thời gian để kiểm tra một phương tiện rất nhanh, tránh gây phiền hà cho người tham gia giao thông. Anh Nguyễn Quang Long, một lái xe cho biết: Lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường kiểm tra nồng độ cồn rất tốt, góp phần nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân, từ đó giảm thiểu TNGT.
Tuy nhiên, không phải lái xe nào cũng suy nghĩ như anh Long. Việc triển khai thực hiện chuyên đề xử lý nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới của lực lượng cảnh sát giao thông gặp không ít khó khăn từ sự thiếu hợp tác của người vi phạm. Đại úy Nguyễn Thành Duy cho biết thêm: Trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn vẫn xảy ra. Có người lảng tránh khi bị yêu cầu thổi vào máy đo nồng độ cồn hoặc cố tình không chịu thổi. Đặc biệt, nhiều người sẵn có hơi men, không làm chủ bản thân đã có những lời nói quá khích, thiếu tôn trọng lực lượng thực thi nhiệm vụ.
Để tăng cường tính răn đe đối với người vi phạm, lực lượng cảnh sát giao thông bằng những biện pháp linh hoạt trong công tác đã kiên quyết xử lý mọi đối tượng vi phạm theo đúng quy định. Đại úy Nguyễn Thành Duy chia sẻ: Để phát hiện và xử lý hiệu quả, chúng tôi đã tập trung đông quân số vào những ca cao điểm, ca chuyên đề để đo nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế. Trung bình chúng tôi phát hiện, xử lý được hơn 20 trường hợp vi phạm nồng độ cồn/ca công tác chuyên đề.
Cùng các tổ tuần tra của Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tuần tra trên địa bàn thành phố Đồng Xoài và huyện Chơn Thành, chúng tôi mới thấy được hiệu quả và sự cần thiết của chuyên đề xử lý vi phạm nồng độ cồn mang lại. Ở mỗi tổ công tác, chỉ sau khoảng 1 tiếng đồng hồ lập chốt kiểm tra, lực lượng cảnh sát giao thông đã phát hiện, lập biên bản hơn 10 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn. Nếu như những lái xe này tiếp tục điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã sử dụng rượu, bia thì rất nguy hiểm. Thực tế đã chứng minh, việc sử dụng rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các vụ TNGT nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, để lại hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội. Do vậy, mọi người dân khi tham gia giao thông hãy chấp hành nghiêm quy định của pháp luật “đã uống rượu, bia thì không lái xe”.
Trung tá Đỗ Văn Đang, Phó đội trưởng Đội cảnh sát giao thông tuyến ĐT741, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh cho biết: Trong thời gian cao điểm này, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh tiếp tục huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ tăng cường tuần tra, kiểm soát, tập trung xử lý các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn tại các tuyến đường trên địa bàn nhằm phát hiện, xử lý những trường hợp vi phạm luật giao thông. Từ đó làm giảm TNGT, góp phần mang lại bình yên, hạnh phúc cho mọi người.
Để đảm bảo bình yên trên mỗi tuyến đường, bên cạnh sự nỗ lực của lực lượng cảnh sát giao thông đang ngày đêm “căng mình” làm nhiệm vụ, rất cần người dân nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ. Có như thế, TNGT mới được kìm giảm một cách bền vững.