Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể phát biểu tại hội nghị
Báo cáo hoạt động của đơn vị, ông Phạm Ngọc Biên, Phó giám đốc Ban QLDA 6 cho biết, năm 2018, Ban QLDA 6 đã giải ngân 757 tỷ được giao (đạt 99,1%). Ban tiếp tục hoàn thành, đưa vào sử dụng và quyết toán 23 cầu xây dựng mới thay thế cầu yếu trên các quốc lộ, nâng tổng số đã hoàn thành trong Dự án tín dụng ngành GTVT lần thứ 2 sử dụng vốn vay JICA hoàn thành 75 cầu. Dự án cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (LRAMP) được giao thực hiện đầu tư xây dựng 421 cầu tại 11 tỉnh miền Tây Nam Bộ. Đến hết năm 2018 đã thực hiện thi công 284 cầu, hoàn thành 158 cầu. Ban QLDA 6 cũng đã cơ bản hoàn thành Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Chư Sê (Gia Lai).
Cũng theo ông Phạm Ngọc Biên, đối với Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, xác định đây là dự án trọng điểm của Bộ GTVT, Ban QLDA 6 đã làm việc với các bộ, ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ vướng mắc để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ lập dự án đầu tư, đáp ứng tiến độ, kịp thời hoàn thành phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, khung chính sách GPMB, tái định cư trước khi trình Bộ GTVT phê duyệt dự án theo đúng quy định.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đánh giá cao những kết quả mà cán bộ, nhân viên, kỹ sư Ban QLDA 6 đã đạt được trong năm 2018. Theo Bộ trưởng, thời gian tới, thương hiệu Ban QLDA 6 muốn phát triển hơn nữa, trở thành một trong những lá cờ tiên phong ngành GTVT, quan trọng là nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, nhân viên. Bộ trưởng cho rằng, hiện nay tại không ít đơn vị có tình trạng cán bộ lâu năm làm việc kém hiệu quả nhưng vẫn hưởng lương cao trong khi cán bộ mới vào nghề làm rất tốt lương vẫn thấp.
“Các đơn vị ngành GTVT nói chung và Ban QLDA 6 nói riêng phải kiên quyết dẹp bỏ tình trạng này. Chúng ta phải chú trọng đến chế độ lương bổng, phải có chính sách thưởng - phạt công bằng. Ví dụ quỹ lương là 100% thì chỉ dành 30 - 50% chi trả cho thâm niên lao động, còn lại 50 - 70% để trả theo năng lực, ai làm tốt thì lương cao. Làm được như vậy, những người nhiệt huyết, thường xuyên lăn lộn với công trường mới có động lực để gắn bó với đơn vị”, Bộ trưởng chia sẻ.
Cũng theo Bộ trưởng, đối với một ban QLDA, giải pháp điều hành để dự án đảm bảo chất lượng, vượt tiến độ là rất quan trọng. Vì vậy, Ban QLDA 6 phải xây dựng quy chế thúc đẩy lực lượng lao động làm việc trên tinh thần trách nhiệm cao nhất. “Mỗi dự án đều phải chia nhóm, cạnh tranh với nhau dựa trên các tiêu chí về năng lực. Nhóm nào để dự án chậm tiến độ, phát sinh kinh phí thì đưa vào nhóm yếu, chế độ lương thưởng không thể như nhóm mạnh. Mỗi đồng chí khi đồng hành cùng dự án phải “ăn, ngủ” với dự án. Dự án vướng mặt bằng, phải lăn lộn xuống địa phương, vận động người dân, không phải ngồi gửi công văn, chờ địa phương làm. Phải tìm mọi cách phối hợp để dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ. Ai làm không đúng thì khiển trách và nhất quyết không xét cho lên chức”, Bộ trưởng cũng yêu cầu việc đảm bảo tiến độ của dự án phải đi đôi với đảm bảo dự án có chất lượng.
“Để làm được như vậy, Ban QLDA 6 phải xây dựng một mẫu hợp đồng có các điều khoản chặt chẽ. Việc đấu thầu xây dựng, lựa chọn tư vấn, nhà thầu phải được thực hiện nghiêm ngặt ngay từ đầu. Hồ sơ mời thầu phải yêu cầu nhà thầu xác lập thời hạn hoàn thành dự kiến cho từng hạng mục, nếu nhà thầu nào không đáp ứng được thì loại ngay từ đầu để chọn được đơn vị có năng lực hơn", Bộ trưởng nói.
Cũng theo Bộ trưởng, với tư vấn cũng vậy, phải đặt ra tiêu chí chọn lọc tư vấn, ràng buộc trách nhiệm tư vấn trong hợp đồng, nếu sau này có sai sót, tư vấn phải chịu trách nhiệm. Nếu làm xuề xòa, để đơn vị yếu vào thực hiện, đưa ra khai thác một sản phẩm lỗi là có lỗi với dân. Nhưng nếu việc xây dựng quy chế lựa chọn được thực hiện chặt chẽ, nó sẽ tạo thành “nếp” không chỉ xây dựng lên thương hiệu của Ban QLDA 6 mà còn giúp cho đất nước ngày càng có nhiều hạ tầng tốt, phục vụ kinh tế phát triển.
PV