Năm 2019, Thanh tra Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh tiếp tục tăng cường kiểm soát tải trọng xe và cơi nới thùng hàng bằng nhiều hình thức
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Năm 2018, tiếp tục thực hiện chủ trương của Chính phủ, Bộ GTVT với chủ đề Năm ATGT “ATGT cho trẻ em” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”, các tỉnh, thành phía Nam đã triển khai quyết liệt trong công tác kiểm tra, xử phạt những hành vi chở hàng quá tải trọng. Lực lượng Thanh tra giao thông các tỉnh phía Nam đã chủ động tuyên truyền để chủ doanh nghiệp và tài xế chấp hành đúng quy định pháp luật.
TP. Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế lớn của cả nước với lượng xe tải ra vào rất lớn tại các cửa ngõ. Nhằm phát huy hiệu quả công tác kiểm soát tải trọng theo thẩm quyền, lực lượng Thanh tra giao thông đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các doanh nghiệp, phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường thanh, kiểm tra việc thực hiện quy định về chất, xếp hàng hóa tại các cảng, bến. Đồng thời, công tác duy trì vận hành hiệu quả hoạt động của 5 trạm cân kiểm soát tải trọng xe tại các tuyến đường thường xuyên có lưu lượng xe vận tải hàng hóa lớn trên địa bàn Thành phố. Công tác phối hợp tuyên truyền đã góp phần tạo ý thức chấp hành quy định pháp luật trong các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa, tình hình vi phạm chở hàng quá tải trong năm 2018 giảm so với năm 2017.
Ông Trần Quốc Khánh - Chánh Thanh tra Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Với việc triển khai đồng bộ, quyết liệt, năm 2018 lực lượng TTGT đã phát hiện và xử lý 2.028 vụ vi phạm với tổng số tiền xử phạt là hơn 32 tỷ đồng (so với năm 2017 giảm 52,5% số vụ và giảm 31,1% số tiền xử phạt). Riêng các trạm cân đã kiểm tra 985 lượt xe, phát hiện và xử lý 1.951 vụ vi phạm (bao gồm xử phạt lái xe và chủ xe)”.
Năm 2019, lực lượng Thanh tra Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục tăng cường công tác kiểm soát tải trọng phương tiện. Theo đó, Thanh tra giao thông sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra bằng nhiều hình thức như: Ứng dụng công nghệ thông tin; siết chặt nội quy, quy chế hoạt động của trạm cân; bố trí lực lượng điều lệnh giám sát, kiểm tra từ xa và khu vực xung quanh; chuyển đổi địa bàn công tác tại trạm, chốt cân; không để xảy ra tình trạng tiêu cực, thông đồng, bảo kê hoặc thiếu trách nhiệm trong quá trình thi hành công vụ…
Nhằm ngăn chặn các trường hợp phương tiện chở hàng quá tải, quá khổ, gây hư hỏng công trình giao thông trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, hương lộ, trong năm 2018 Thanh tra Sở GTVT tỉnh Đồng Nai đã thực hiện 2.788 đoàn kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính 5.568 vụ. Trong đó, 1.064 trường hợp chở hàng quá tải, 476 trường hợp vận chuyển vật liệu xây dựng rơi vãi trên đường, 1.821 trường hợp vi phạm vận chuyển hành khách không đúng nơi quy định và 2.124 các lỗi vi phạm khác.
Ông Dương Mạnh Hưng - Chánh Thanh tra Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cho biết: “Các lực lượng chức năng đã phối hợp tốt trong công tác kiểm soát tải trọng xe, do đó chủ xe và doanh nghiệp vận tải đã cơ bản chấp hành đúng các quy định về tải trọng và kích thước thùng xe. Tuy nhiên trong quá trình kiểm tra, xử lý ngoài hiện trường vẫn còn một số đối tượng chống đối, không chấp hành, né tránh, cho người theo dõi gây khó khăn đối với lực lượng chức năng. Năm 2019, nhiệm vụ xử lý xe quá khổ, quá tải vẫn được chúng tôi đặt lên hàng đầu và xây dựng kế hoạch liên ngành với CSGT rà soát các điểm “nóng” có nguy cơ tái vi phạm về quá khổ, quá tải”.
Tăng cường công tác phối hợp liên ngành
Ông Nguyễn Đình Dũng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Đường bộ IV (Cục IV) cho biết: “Năm 2018, đơn vị đã triển khai 32 cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành quy định của pháp luật về tải trọng, khổ giới hạn, kích thước giới hạn thùng và lập biên bản xử phạt 100 xe vi phạm về quá tải, quá khổ với số tiền xử phạt hơn 4,7 tỷ đồng; tước có thời hạn 79 Giấy phép lái xe, 12 giấy chứng nhận và tem kiểm định an toàn kỹ thuật & bảo vệ môi trường”.
Ngoài ra, Cục IV đã tổ chức nhiều đợt khảo sát lưu lượng xe ô tô tải có dấu hiệu chở hàng quá tải trọng quy định, cơi nới kích thước thùng xe lưu thông trên một số tuyến, đoạn tuyến quốc lộ trọng điểm như: QL1, QL1K, QL14, QL20, QL22, QL22B, QL27, QL51 và QLN2. Trên cơ sở kết quả khảo sát, Cục IV phối hợp liên ngành về kiểm soát tải trọng phương tiện với CSGT tỉnh Lâm Đồng, Thanh tra Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hậu Giang, An Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, TP. Cần Thơ... lập kế hoạch phối hợp liên ngành về kiểm soát tải trọng phương tiện trên các tuyến quốc lộ, lập biên bản xử phạt 86 xe vi phạm, tước có thời hạn 13 Giấy phép lái xe, 3 giấy chứng nhận và tem kiểm định an toàn kỹ thuật & bảo vệ môi trường.
Theo ông Dũng, mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn, xử lý xe quá tải, cơi nới kích thước thùng hàng nhưng tình trạng xe chở hàng quá tải ở một số đoạn tuyến quốc lộ trọng điểm vẫn còn xảy ra. Các phương tiện này hoạt động trong phạm vi ngắn, chủ yếu là loại xe ô tô tải tự đổ, tập trung ở những địa phương có nhiều công trình đang xây dựng, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng chạy trên phạm vi hẹp (như QL1, QL1K, QL14, QL20, QL22, QL27, QL51, QLN2...). Ngoài ra nhiều lái xe, chủ xe còn cố tình tìm cách trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng tại các vị trí có lực lượng đang làm nhiệm vụ hoặc cho người theo dõi để thông báo cho lái xe ngừng lưu thông hoặc đi vào đường tránh.
Cục IV kiến nghị Tổng cục ĐBVN tiếp tục có văn bản đề nghị các sở GTVT, thanh tra các sở và cơ quan, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác kiểm tra tại các cơ sở đầu nguồn hàng, các đầu mối bốc xếp hàng hóa, vật liệu lên phương tiện quá tải quy định, xử lý nghiêm đối với những tổ chức, doanh nghiệp vi phạm. Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp, đơn vị vận tải về việc chấp hành cam kết không xử dụng phương tiện chở quá tải, không sử dụng xe cơi nới kích thước thùng hàng