Tết trên tàu không thiếu gì. Đến ngày 29, đào, quất nở rộ trong khoang tàu
28 Tết, chúng tôi có cơ hội được đón Tết trên tàu SAR 411 tại Hải Phòng trong không khí khá tất bật. Năm nay biển lặng hơn, ít gió mùa nên từ 28 Tết, các anh em của tàu SAR 411 tại Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam khu vực 1 (Vietnam MRCC) tại Hải Phòng đã chuẩn bị tươm tất đón Tết. Tàu SAR đã sẵn sàng đón Tết và đã sẵn sàng ra khơi cho những chuyến cứu nạn xuyên Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.
Xác định đi cứu nạn tới cận Tết... hoặc không có Tết...
Với các anh em trực chiến tàu SAR tại phía Bắc, những ngày giáp Tết là thời điểm phải xác định tinh thần cao hơn ngày thường vì những bất thường khi có gió mùa đông bắc, tầm nhìn xa kém, nhiều sương mù. Thời điểm này, mật độ tàu thuyền đánh bắt giảm, nhiều tàu vào bờ sớm khiến các anh bị mất 'cánh tay nối dài' trong khả năng hỗ trợ và thông tin cho việc tìm kiếm cứu nạn trên biển.
15 năm đi biển, trong vai trò thuyền trưởng, “sói biển” Nguyễn Mạnh Dũng của tàu SAR 411 đã có 15 năm đón giao thừa trên tàu. Hoạt động cứu nạn dịp Tết không nhiều vì ngư dân miền Bắc ít triển khai các hoạt động đánh bắt, ngoài các tàu du lịch và tàu hàng quốc tế vẫn giao thương. Tuy nhiên, những ca cứu nạn ngày Tết vẫn luôn mang nhiều ám ảnh với vị thuyền trưởng này.
Năm 2017, đúng vào đợt gió mùa Đông Bắc thổi mạnh, tàu Bạch Đằng 06 đang chạy từ Quảng Bình ra Hải Phòng, bị sóng to đánh chìm đúng 27 Tết. SAR 411 vừa đi chốt chặn ở miền Trung ra để chuẩn bị đón Tết lại nhanh chóng lên đường làm nhiệm vụ. “Chúng tôi đã xác định là đi tới cận Tết hoặc thậm chí không có Tết”, anh Dũng nói.
Chiếc tàu bị đánh chìm ngoài khơi, những người may mắn sống sót đã kịp nhảy xuống phao bè trong tiết trời chỉ chừng 8 độ C. Chỉ duy nhất có chủ tàu đã bị nhảy trượt khỏi phao bè mất tích. Và để duy trì sự sống cho cả bốn người, giữa tiết trời giá buốt, họ thay phiên nhau ngồi trên phao bè chờ được cứu. “Người em trai chủ tàu quê Thái Bình có kể lại cho chúng tôi đây là lần thứ hai họ bị chìm tàu và may mắn sống sót. Họ đã nghĩ chắc không còn được đón cái Tết nữa vì lúc đó trời mù mịt và các tàu cá đã về bờ ăn Tết”, Đại phó Hoàng Minh Thanh kể.
Tuy nhiên, thảm khốc nhất trong trí nhớ của “sói biển” là tháng 1/2018, khi gió mùa mạnh bất thường. Bất chấp sự cảnh báo của chuyên gia dự báo thời tiết, nhiều tàu cá “lì” bám biển để mong Tết bội thu. Nhưng mùa bội thu ấy đã không tới. Có 5 tàu bị đánh chìm nhanh chóng, hàng chục người gặp nạn may mắn sống sót, và 11 người bị mất tích.
“Chúng tôi lúc ấy có hai nhiệm vụ. Vừa đi tìm cứu người còn sống, vừa đi vớt các nạn nhân. Có những nạn nhân phải mất cả tuần để tìm kiếm. Thật sự thảm khốc. Những hình ảnh đó ám ảnh suốt cái Tết năm ngoái, sức ép vào dịp Tết cao hơn hẳn ngày thường. Lãnh đạo cũng yêu cầu anh em tăng cường trực chiến không được chủ quan”, thuyền trưởng Nguyễn Mạnh Dũng cho hay.
Nếu như ngoài Bắc, sau ngày ông Công, ông Táo các hoạt động đánh bắt ngoài khơi tạm dừng thì ở các tỉnh phía Nam, việc ra khơi trong dịp tết vẫn rất sôi nổi. Vì thế mà công tác trực chiến tại một số vùng như Đà Nẵng, Vũng Tàu, Nha Trang được nâng lên cấp độ cao hơn và cũng có nhiều câu chuyện không thể quên trong cuộc đời cứu nạn của các anh.
29 Tết năm 2018 (14/2/2018) tàu cá BV 98791 TS chở 12 thuyền viên bị lạc cách Côn Đảo khoảng 18 hải lý về phía Tây Bắc. Anh em lực lượng cứu nạn tại Vũng Tàu bỏ hết cả Tết, xác định đi qua Tết để cứu nạn. Đến 12 giờ cùng ngày, các anh em tàu SAR phát hiện xác tàu BV 98791 TS bị lật úp và đang trôi dạt. Tám thuyền viên đã được lực lượng cứu nạn tiến hành cứu vớt lên tàu trong tình trạng sức khỏe yếu và nhiễm lạnh thời gian dài. Bốn thuyền viên mất tích có khả năng bị kẹt trong tàu.
Anh Lương Trường Phi, Phó Giám đốc Vietnam MRCC vùng 3 kể, cuối ngày 29 Tết, do ảnh hưởng của cơn bão Sanba, thời tiết tại khu vực tàu bị nạn có gió cấp 5-6, biển động, gây khó khăn cho việc tìm kiếm bốn thuyền viên còn mất tích. “Chúng tôi lặn xuống tìm kiếm trong tàu bị lật nhưng chỉ tìm được một thi thể bàn giao về cho gia đình kịp trước Tết”, anh Phi ngậm ngùi kể.
11h trưa ngày 30 Tết, tàu cập bờ trong sự vỡ òa của các gia đình. Người còn sống mừng tủi ôm nhau khóc. Gia đình mất người thân lặng đi vì nỗi đau đớn khi tết gần kề. Các anh em cứu nạn cũng không quên được khoảnh khắc giao thời ấy, trong chuyến đi cứu nạn cuối năm mà không thể tìm kiếm được toàn bộ thi thể để người thân được nhìn thấy họ lần cuối.
Cũng là một câu chuyện cuối năm, vào 29 Tết, nhưng chuyến đi cứu nạn của Trung tâm Phối hợp TKCN Hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC) vùng 4 tại Nha Trang lại mang lại hạnh phúc vỡ òa cho gia đình hai ngư dân.
Ngày 29 Tết năm 2016 (ngày 7/2/2016), một chiếc ghe mũi nhọn có hai thuyền viên bị dây cuốn vào chân vịt gây hỏng máy phải thả trôi nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng của các thuyền viên trên tàu. Thời tiết tại hiện trường gió Đông Bắc cấp 6-7.
Giám đốc MRCC Nha Trang Nguyễn Xuân Bình kể: “Mặc dù đã là ngày cuối cùng của năm, nhưng với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm cao, các trực ban của đơn vị đã bám sát vụ việc đề xuất với lãnh đạo kịp thời điều động tàu SAR 27-01 đang ứng trực tại cảng Nha Trang khẩn trương lên đường thực hiện nhiệm vụ cứu nạn”.
Sau nhiều giờ vật lộn với sóng to gió lớn, tàu SAR27-01 đã tìm thấy tàu bị nạn, cứu được hai thuyền viên và đưa về cảng Nha Trang an toàn và tiến hành bàn giao cho các cơ quan chức năng.
Thương nhưng cũng đành chịu...
Xen lẫn mùi biển, mùi của dầu mỡ, SAR 411 (MRCC Hải Phòng) bắt đầu thơm mùi giò xào. Với các chiến sĩ mặc áo màu da cam, Tết cũng không khác gì ngày thường.
28 Tết, Đại phó Hoàng Minh Thanh và các anh, em đang gói cây giò xào đầu tiên. “Mỗi cây giò nặng tới 2kg, chỉ đủ cho kíp trực một ngày” vừa ép giò, anh Thanh vừa kể.
Các thuyền viên cũng mỗi người một việc chuẩn bị mâm cúng tất niên, cúng giao thừa
Không như trên bờ, có thể sắm sửa Tết sớm. Tết trên tàu SAR bao giờ cũng đến muộn vì công tác trực chiến. Thế nhưng, Tết trên tàu không thiếu gì. Đến ngày 29, đào, quất nở rộ trong khoang tàu. Các thuyền viên cũng mỗi người một việc chuẩn bị mâm cúng tất niên, cúng giao thừa. “Anh em cứu nạn cũng cừ khôi mà nấu ăn cũng không chê vào đâu được, chế biến rất cầu kỳ”, anh Thanh nói rồi dắt chúng tôi vào khu bếp chứng kiến những món ăn ngon chuẩn bị được bày lên mâm cúng tất niên, báo cáo một năm làm việc tích cực của các anh em tàu SAR.
15 năm là người bấm hồi còi vào lúc giao thừa, Thuyền trưởng SAR 411 tại Hải Phòng tâm sự, gia đình đã quen với sự vắng mặt của anh vào thời khắc giao thừa.
Những việc cần đôi tay của người đàn ông trong gia đình vào dịp tết như dọn dẹp nhà cửa, đi chúc Tết họ hàng, đi mua đào, quất… dường như không còn nằm trong khái niệm của các bà vợ của các anh. Họ dần đã quen với việc vắng người đàn ông đời mình trong những ngày hệ trọng.
Thuyền trưởng Dũng kể, phong tục ăn ông Công, ông Táo ở Hải Phòng rất to, nhưng các “ông chủ” lại vắng nhà. “Nhiều năm nay, việc dọn dẹp bàn thờ, cúng bái anh giao lại cả cho vợ. Thương nhưng cũng đành chịu”, anh tâm sự.
Bác sĩ duy nhất trên tàu SAR 411 tại Hải Phòng Lê Văn Minh tiếp lời: “Đến đơn giản nhất như đi mua đào, quất trưng Tết chúng tôi cũng không có thời gian giúp gia đình. Có năm lên lịch về quê để thăm ông, bà, tảo mộ cũng đành phải gác lại, vợ con thay mặt về giúp. Có báo động là lên đường. Dù ở nhà, nhưng xác định xe phải tốt, sức khỏe phải tốt để chạy ra tàu ngay. Tết càng phải nghiêm khắc với mình hơn, bia rượu không uống. Tinh thần phải cao”.
Những người vợ của các chiến sĩ tàu SAR đã quen với sự thiệt thòi nhiều năm qua. Và sự cảm thông của các chị luôn là động lực tuyệt vời cho các anh có thêm năng lượng, toàn tâm, toàn trí trong công việc. Các chị thay các anh làm nhiệm vụ đối nội, đối ngoại, sắm sửa tết nhất, thay các anh làm cơm tất niên, cúng giao thừa. Đêm giao thừa, niềm vui lớn nhất với các chị, có lẽ là được gọi điện thoại chứng kiến không khí đón Tết trên tàu SAR của các anh.
Bác sĩ Minh kể cho chúng tôi nghe bằng chất giọng đầy tự hào “Sau hồi còi đón giao thừa, chúng tôi như những người lính trên đảo Trường Sa, đứng ở tầm cao, quay cảnh bắn pháo hoa phía thành phố và gửi lời chúc Tết tới gia đình, vợ con. Khoảnh khắc ấy dù phải xa gia đình, vợ con nhưng rất hạnh phúc và tự hào”.
Những ngày Tết, dù không ở trong ca trực, nhưng các chiến sĩ tàu SAR vẫn luôn sẵn sàng cho mọi tình huống cứu nạn khẩn cấp. Anh Minh bảo, nhiều khi mâm cỗ dọn ra, chỉ kịp cụng ly thì có chuông báo cứu nạn. “Lúc ấy, cả gia đình như một tiểu đội xung kích, bỏ tất cả để giúp bố cho kịp tàu khởi hành. Bố thay đồ, con quay xe, mẹ mở cổng để kịp cho bố đến đúng giờ tàu chạy”, anh Minh kể, rồi tiếp lời “Nghề cứu nạn không có khái niệm chần chừ, không có từ ngữ từ chối. Nghe chuông là phải lên đường, không chấp nhận bất kỳ lý do gì cho sự chậm trễ”.
Là bác sĩ duy nhất trên tàu, anh Minh đã từng rất bâng khuâng và áy náy: “Có năm chạy tới bến tàu thì tàu đã rời ra tới phao đỏ. Đứng nhìn tàu chạy mà bất lực. Lững thững đi về mà lòng không thoát được suy nghĩ xem anh em đi cứu nạn thế nào. Khi vừa cập nhật được địa điểm anh em di chuyển tới ở Vinh, tôi không chần chừ bắt xe khách chạy vào. May kịp gặp tàu cứu nạn xong quay ngược ra Bắc. Lúc ấy, hạnh phúc nhất là kịp mua con gà mang lên tàu luộc để bồi dưỡng cho anh em. Bài học đó nhắc mình không bao giờ được chậm một phút giây nào”.
Trong khoảnh khắc bịn rịn cuối năm Mậu Tuất, Giám đốc MRCC Nha Trang Nguyễn Xuân Bình nói với chúng tôi bằng chất giọng xúc động nhưng đầy trách nhiệm của một người đứng mũi chịu sào: “Chúng tôi những người chiến sĩ làm công tác cứu nạn luôn tâm niệm một điều “Tính mạng con người là trên hết”, “Cứu một mạng người phúc đẳng hà sa”. Với những tâm niệm đó chúng tôi luôn động viên nhau làm công tác cứu nạn phải làm bằng cái tâm của một con người, từ đó đã vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ và đem lại niềm vui và hạnh phúc cho những người không may gặp nạn trên biển”.