VTAL – thành công của những năm đầu “chập chững”

Thứ hai, 18/02/2019 09:27

Những thành công bước đầu của Trung tâm Vận tải và Logistics Vinalines (VTAL) sau hơn 02 năm đi vào hoạt động được thể hiện bằng những kết quả đã đạt được cũng như những đánh giá tốt của các khách hàng, đối tác. Việc VTAL được thay mặt Tổng công ty ký hợp đồng trực tiếp với một số khách hàng lớn đã thể hiện một sự chuyển biến về “chất” chứ không đơn thuần chỉ là một cái tên có tính đại diện dưới thương hiệu của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.

Dự án mới từ khách hàng “cũ”

Vinalines ký kết hợp tác với Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất
tại diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2017

Đầu năm 2017, VTAL đã ký kết Hợp đồng khung vận chuyển hàng hóa với Công ty TNHH MTV Thép Hòa Phát để thực hiện vận chuyển các loại thép xây dựng từ kho Nhà máy thép Hòa Phát (tại Hưng Yên và Hải Dương) tới các kho tại Đà Nẵng, Bình Định, thành phố Hồ Chí Minh. VTAL đã phối hợp với Công ty Vimadeco xây dựng quy trình vận chuyển hàng hóa trọn gói (vận tải biển, vận tải bộ đến tận kho khách hàng). Với sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ phận từ Bắc đến Nam, trên cơ sở quan hệ tốt với chủ hàng, các kho và bộ phận giao nhận, Trung tâm đã tổ chức triển khai vận chuyển thành công hàng chục chuyến tàu tuyến Hải Dương tới Bình Dương. Nối tiếp kết quả bước đầu khả quan ấy, VTAL đã phối hợp với các công ty vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải thành viên của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam xây dựng Dự án vận chuyển tích hợp và khai thác cảng cho Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất.

Theo khảo sát đánh giá bước đầu của VTAL, để kịp tiến độ ra sản phẩm đầu tiên vào cuối năm 2018 của Thép Hòa Phát Dung Quất, hơn 500.000 tấn máy móc, thiết bị, cấu kiện thép,..  sẽ được nhập khẩu về Việt Nam từ các nước Châu Âu và Trung Quốc. Đây là một “tiểu dự án” có tính chất ngắn hạn nhưng giá trị kinh tế khá lớn không chỉ với chủ đầu tư mà còn đối với cả các công ty vận tải. Nhu cầu của khách hàng năm 2018 tối thiểu nhập khẩu khoảng 1.5 triệu tấn than/quặng và phân phối 600.000 tấn thép thành phẩm. So với vận tải thuần túy “tracking” giá thành khá cao, khách hàng Hòa Phát đang rất quan tâm đến phương án vận tải tối ưu cho lô thiết bị, vật tư này.

Cũng theo kế hoạch của Tập đoàn Hòa Phát, nguyên liệu phục vụ nhà máy thép Dung Quất bao gồm than, quặng với khối lượng đến gần chục triệu tấn/năm được nhập khẩu từ Úc, Trung Quốc, Nga, Nam Phi,…Đây cũng sẽ là “tiểu dự án” có tính thường xuyên, liên tục và lâu dài. VTAL đánh giá trong tiểu dự án này có thể kết hợp với xúc tiến thương mại về nguồn cung cấp than, quặng và kết hợp với đối tác chiến lược là Tập đoàn NYK (Nhật Bản), khai thác đội tàu lớn mà Vinalines vừa ký kết trong năm 2017. Ngoài ra, về dài hạn còn có thể tổ chức vận chuyển hàng hai chiều các tuyến từ Dung Quất đi Hải Dương, Quảng Bình, Sài Gòn phân phối sản phẩm bao gồm đá vôi, quặng thiêu kết, coke và sản phẩm thép cuộn, thép cây,…

Lớp đào tạo nghiệp vụ cho Công ty Cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất
theo mô hình liên kết tại Cảng Hải Phòng

Tổ hợp Nhà máy thép Hòa Phát – Dung Quất đã khởi công khu cảng liên hợp đáp ứng làm hàng cho tàu đến 150.000 tấn, công suất thiết kế khoảng 20 triệu tấn/năm. Đây là công trình do Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công trình hàng hải (CMB), một doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam tư vấn và thiết kế. Cho đến nay, Hòa Phát đã tuyển dụng gần 3.000 nhân sự cho Dự án, đào tạo vận hành thực tế tại Hải Dương nhằm phục vụ quá trình xây dựng và vận hành Khu liên hợp tại Quảng Ngãi. Theo Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Lê Quang Trung, với thế mạnh và kinh nghiệm trong việc khai thác cảng, VTAL đã đề xuất với Hòa Phát Dự án hỗ trợ và khai thác khu cảng liên hợp này, cũng như liên kết hợp tác khai thác cảng trong tương lai. Cuối tháng 3/2018 tại Hải Phòng, VTAL đã phối hợp với Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng tổ chức khai giảng lớp vận hành cần trục giàn QC, cần trục chân đế và điều hành, chỉ đạo sản xuất khai thác cảng cho hàng chục cán bộ, công nhân  của Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Dung Quất.

Hợp đồng mới từ những khách hàng lớn

Giữa tháng 8/2018, VTAL đã ký Thỏa thuận nguyên tắc vận chuyển hàng hóa với Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Xi măng SCG Việt Nam vận chuyển cliker rời. Thời gian thực hiện từ tháng 9/2018 đến hết quý 1/2019. Khối lượng vận chuyển khoảng 14.000 tấn/tháng với cỡ tàu mỗi chuyến từ 10.000 tấn đến 30.000 tấn do VITAL chọn tùy theo trọng tải thực chở của tàu mỗi chuyến cụ thể. Tuyến vận tải từ Quảng Bình đi thành phố Hồ Chí Minh.

SCG là một trong những tập đoàn hàng đầu Đông Nam Á, hoạt động đa ngành, tập trung vào 3 lĩnh vực chính là Xi măng – Vật liệu xây dựng (SCG Cement-Building Materials), Hóa dầu (SCG Chemicals) và Bao bì (SCG Packaging). SCG hiện có hơn 200 công ty con cùng hơn 52.500 nhân viên. SCG bắt đầu mở rộng hoạt động sang Việt Nam như một quốc gia chiến lược từ năm 1992 và dần mở rộng đầu tư đa ngành, bao gồm các lĩnh vực Xi măng – Vật liệu xây dựng, Hóa dầu và Bao bì.

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – Trung tâm Vận tải và Logistics Vinalines (VTAL)
ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty  MERIDIAN SHIPPING SERVICE GROUP

Trong khuôn khổ Diễn đàn Logistics Việt Nam 2018 “Logistics kết nối các vùng tăng trưởng kinh tế” tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) ngày 7 tháng 12 năm 2018, trước sự chứng kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – Trung tâm Vận tải và Logistics Vinalines (VTAL) đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Công ty  MERIDIAN SHIPPING SERVICE GROUP trong phat triển mạng lưới đại lý hàng hải, nghiên cứu phát triển tuyến vận tải biển Nội-Á kêt nối các cảng của VIMC với các cảng quốc tế tại Nhật bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Ký kết biên bản ghi nhớ với VIET PHUC JSC trong cung cấp chuỗi dịch vụ vận tải Logistics cho hàng nông sản và nhiên liệu sinh học.

Nguồn: Vianlines

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:110807
Lượt truy cập: 176.831.709