Đường giao thông nông thôn đã được kiên cố hóa khang trang
Tuy nhiên, cùng với hệ thống giao thông nông thôn được mở rộng cũng là sự gia tăng nhanh chóng của các loại phương tiện giao thông, cộng với ý thức tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ của một bộ phận người dân chưa cao, dẫn đến tình hình an toàn giao thông khu vực nông thôn diễn biến khá phức tạp.
Tai nạn giao thông xảy ra ở khu vực nông thôn, các tuyến quốc lộ qua vùng nông thôn có chiều hướng tăng, đặc biệt có nhiều vụ tai nạn giao thông dẫn đến tử vong. Nguyên nhân là do công tác đảm bảo an toàn giao thông các tuyến đường nông thôn và ý thức chấp hành Luật giao thông của người dân nông thôn còn nhiều hạn chế, người điều khiển xe mô tô, xe máy thường vi phạm các quy định về Luật Giao thông đường bộ.
Đường giao thông nông thôn tuy được cải tạo, mở rộng, bê tông hoá nhưng nền đường thường nhỏ hẹp, thiếu hệ thống chiếu sáng, biển báo, thiết bị bảo đảm ATGT, tầm nhìn tại các điểm giao cắt bị che khuất bởi nhà cửa, cây cối…, trong khi phương tiện giao thông, nhất là xe máy gia tăng nhanh.
Trên các trục đường liên xã, thôn, xóm, chủ yếu là các phương tiện thô sơ tham gia lưu thông, thậm chí hết niên hạn sử dụng, cũ, quá đát, ý thức khi tham gia giao thông của người dân khu vực nông thôn cũng còn hạn chế, người tham gia giao thông tại khu vực nông thôn thường có tâm lý “đi một tí trong xã, trong làng nên không đội mũ bảo hiểm” nhiều người vẫn vô tư điều khiển phương tiện khi chưa có bằng lái, chở quá số người quy định, hầu hết không đội mũ bảo hiểm, sau khi uống rượu, bia vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông, trong khi đó lực lượng chức năng đảm bảo trật tự ATGT ở nông thôn còn mỏng.
Vấn đề bảo đảm ATGT trên các tuyến đường giao thông nông thôn trong tỉnh đang trở nên bức thiết. Nhằm ngăn chặn và giảm thiểu TNGT ở vùng nông thôn, các cơ quan chức năng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, mà trước hết là đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm thay đổi nhận thức cho người dân; vận động người dân tự giác chấp hành Luật Giao thông đường bộ, đội mũ bảo hiểm đúng chuẩn khi đi mô tô, xe máy; tuân thủ tốc độ quy định, chú ý quan sát khi đi từ nhà ra đường, từ đường phụ ra đường chính. Công tác tuyên truyền cần được thường xuyên, liên tục gắn liền với các buổi họp thôn, các buổi sinh hoạt văn hóa và việc xây dựng xã nông thôn mới.
Cùng với việc nâng cấp mặt đường cần quy hoạch hành lang giao thông nông thôn, lắp đặt các biển báo và các thiết bị ATGT, làm gờ giảm tốc từ đường phụ ra đường chính, đường thôn ra đường xã, đường xã ra đường huyện... Vận động nhân dân phát quang cây cối, tường rào che khuất tầm nhìn trên tuyến đường liên thôn, liên xã, các điểm giao cắt.
Cùng với tuyên truyền, nhắc nhở, các ngành chức năng có giải pháp xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm để nâng cao ý thức tham gia giao thông. Lực lượng tham gia bảo đảm trật tự, ATGT khu vực nông thôn, nòng cốt là Công an huyện, Công an xã tăng cường hơn nữa công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm ở các tuyến đường thường xảy ra tai nạn.