Ông Võ Văn Thưởng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương
và các quan chức đón ông Kim Jong Un tại ga Đồng Đăng. Ảnh: AP
Về kĩ thuật, hoàn toàn đủ điều kiện chạy thẳng về Hà Nội
Chia sẻ với PV lý do chọn ga Đồng Đăng để đón đoàn tàu bọc thép của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sang dự Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, ông Phan Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, có nhiều lý do, bao gồm cả an ninh và các yếu tố kĩ thuật khác.
Theo ông Quốc Anh, tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng dài hơn 167km, đoạn từ ga Đồng Đăng đến điểm kết nối ray với đường sắt Trung Quốc khoảng 4,7km. Đây là tuyến đường đơn, khổ lồng có thể vừa chạy được tàu khổ 1.000mm, vừa chạy được tàu khổ 1.435mm, kéo từ điểm nối ray về đến ga liên vận quốc tế Gia Lâm, với 21 ga, tốc độ chạy tàu khoảng 60km/h. Tuy nhiên, hiện năng lực thông qua trên tuyến khá hạn chế, chỉ khoảng 15 đôi tàu/ngày đêm.
Cũng theo ông Quốc Anh, riêng ga Đồng Đăng (thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn) là ga liên vận quốc tế, cũng là ga cuối cùng tuyến đường sắt Gia Lâm - Đồng Đăng, kết nối với tuyến đường sắt liên vận quốc tế sang Ga Bằng Tường (Trung Quốc). Trong Ga Đồng Đăng có 10 đường sắt, đều là đường khổ lồng.
Ông Nguyễn Văn Bá, Chủ tịch Công ty CP Đường sắt Hà Lạng, đơn vị bảo trì hạ tầng đường sắt trên tuyến cho biết thêm, về mặt kĩ thuật, chất lượng cầu - đường trên tuyến hoàn toàn cho phép chạy tàu tổng tải trọng lớn đi qua. Hiện, đầu máy Đông Phong (Trung Quốc) có tải trọng rất lớn, 23 tấn/trục đang thực hiện kéo tàu khách liên vận quốc tế vẫn có thể qua lại bình thường. Nhiều đoàn tàu hàng có tải trọng đầu máy, toa xe và tổng tải trọng rất lớn vẫn qua lại hàng ngày.
“Về mặt kĩ thuật, với tổng tải trọng đầu máy và 13 toa xe đoàn tàu bọc thép của ông Kim Jong-un, hạ tầng đường sắt trên toàn tuyến hoàn toàn có thể đáp ứng, cũng như có thể đón đoàn tàu tại bất kì nhà ga nào”, ông Quốc Anh nói và cho biết, tuy nhiên, các nhà ga này lại không phù hợp để chuẩn bị cho công tác đón đoàn khách cấp cao.
Cũng theo ông Quốc Anh, phía Triều Tiên đã phối hợp với các cơ quan và Đường sắt Việt Nam tiến hành khảo sát và chọn ga Đồng Đăng vì đủ chiều rộng, chiều dài sân ga (sát ke số 1 là ke đón tàu bọc thép - PV) để chuẩn bị các thiết bị như: Cầu thép, cầu dẫn đón khách và xe ô tô, phương tiện từ trên toa xe xuống thẳng ke ga một cách chuẩn xác nhất.
“Phía bạn yêu cầu chính xác đến từng milimet về vị trí đón khách, phương tiện như cửa toa xe, lối ra thẳng cửa ga và yêu cầu chuẩn xác về thời gian, đảm bảo nghi thức, an toàn”, ông Quốc Anh nói thêm.
Đoàn tàu bọc thép của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un thời điểm chuẩn bị vào ga Đồng Đăng.
Ảnh: Hữu Tuấn
Tiềm năng vận tải lớn nhưng chưa được đầu tư
Nói thêm về tuyến đường sắt khổ lồng Hà Nội - Đồng Đăng, ông Nguyễn Văn Bá cho biết, tuyến đường sắt này được Trung Quốc giúp Việt Nam xây dựng cách đây khoảng 50 năm. Đây là tuyến đường liên vận kết nối đường sắt các nước thông qua đường sắt Trung Quốc. Nhiều đoàn tàu chở hàng cứu trợ, cứu viện của Liên Xô (cũ), Trung Quốc chi viện cho Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ cũng đi qua tuyến đường này.
“Sau chiến tranh biên giới phía Bắc những năm 79 - 80 của thế kỷ trước, tuyến liên vận này bị gián đoạn. Đến năm 1993, mới khôi phục chạy tàu lại qua Đồng Đăng - Bằng Tường”, ông Bá thông tin.
Ông Nguyễn Tiến Thịnh, Trưởng phòng KHĐT Cục Đường sắt VN cho biết, quy hoạch tổng thể về phát triển đường sắt Việt Nam xác định rõ sẽ nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng hiện có và nghiên cứu tuyến đường sắt mới Hà Nội - Đồng Đăng thuộc tuyến “Hai hành lang - một vành đai kinh tế”. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quy hoạch chi tiết về tuyến đường sắt này, cũng chưa có dự án đầu tư nào.
Trong khi đó, theo ông Tăng Văn Dũng, Phó trưởng ban Hợp tác quốc tế - KHCN Tổng công ty Đường sắt VN, tuyến vận tải hàng hóa đường sắt từ Việt Nam quá cảnh Trung Quốc, Kazakstan đi Nga, các nước Trung Á và châu Âu được ví là “con đường tơ lụa” vì tiềm năng phát triển rất lớn. Đây là tuyến đường sắt duy nhất của Việt Nam có khổ đường 1.435mm kết nối với đường sắt Trung Quốc từ đó đi các nước thứ ba mà không phải sang toa, chuyển tải hay chuyển đổi tàu.
“Hiện, hàng tuần có nhiều đoàn tàu container vận chuyển hàng hóa hai chiều Việt Nam - Trung Quốc. Hàng Việt Nam sang Trung Quốc tiếp tục đi các nước thứ ba như: Nga, Ba Lan… Nếu thực hiện tốt kết nối vận tải liên vận quốc tế và dịch vụ logistics sẽ mở ra cơ hội lớn thúc đẩy vận tải hàng hóa trên tuyến”, ông Dũng chia sẻ.
Thanh Thúy