Bộ GTVT trình bày Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam tại Ban Kinh tế TƯ

Thứ năm, 04/04/2019 20:05

Chiều nay, 4/4, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát chủ trì buổi họp nghe Bộ GTVT trình bày Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam để hoàn thiện báo cáo trước khi trình Bộ Chính trị xem xét.

Cùng dự, về phía Bộ GTVT có Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, lãnh đạo Cục Đường sắt VN, TCT Đường sắt VN, Ban QLDA Đường sắt, TCT Tư vấn thiết kế GTVT (Tedi)…và đại diện nhiều cơ quan chuyên môn của Ban Kinh tế trung ương.

Buổi làm việc còn có sự tham dự của nhiều đại diện lãnh đạo đơn vị trực thuộc Ban Kinh tế Trung ương; Bộ KHCN; Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch đầu tư; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Xây dựng; Ngân hàng Nhà nước VN.


Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát
chủ trì buổi làm việc

Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện cơ quan Tư vấn thiết kế cho biết, dự báo nhu cầu vận tải cho thấy trong tương lai hành lang Bắc – Nam sẽ thiếu hụt lớn về năng lực vận tải, nếu đầu tư các phương thức giao thông khác như đường bộ, hàng không hay đường biển đồng thời nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại theo quy hoạch thì cũng không đủ đáp ứng nhu cầu.

“Vì vậy cần phải có một loại hình vận tải mới, sức chuyên chở lớn để bù đắp năng lực thiếu hụt nêu trên”, đại diện cơ quan Tư vấn khẳng định đồng thời cho biết thêm, với các ưu điểm về năng lực vận chuyển, tốc độ, mức độ an toàn thân thiện với môi trường, khả năng phát triển hài hoà bền vững giữa các phương tiện vận tải cũng như việc phân bố lại nh cầu vận tải, khả năng tái cấu trúc dân cư, lao động trên tuyến Bắc Nam, lợi thế trong việc thúc đẩy năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo cơ hội đầu tư, thúc đẩy các ngành sản xuất công nghiệp, dịch vụ, du lịch, góp phần giải quyết công ăn việc làm…cho thấy việc phát triển tuyến đường sắt mới, tốc độ cao Bắc – Nam là phù hợp.

Cũng theo cơ quan Tư vấn, Dự án có điểm đầu là ga Hà Nội (đoạn từ ga Hà Nội đến Ngọc Hồi, đi chung hạ tầng với tuyến ĐSĐT số 1); điểm cuối là ga Thủ Thiêm (TP.HCM); qua 20 tỉnh, thành phố. Chiều dài toàn tuyến khoảng 1559km (cầu chiếm 60%, hầm chiếm 10%, đường chiếm 30%), đường đôi khổ 1435- điện khí hoá; bao gồm: 24 ga và 03 ga quy hoạch tiềm năng, 05 depot, 42 cơ sở bảo trì hạ tầng.


Các đại biểu đã nghe trình bày báo cáo và đưa nhiều ý kiến thảo luận

Tại buổi làm việc, ngay sau khi nghe đại diện TEDI trình bày báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án hoàn thiện nghiên cứu tiền khả thi tuyến ĐSTĐC trên trục Bắc Nam, các đại biểu đại diện các cơ quan của Ban Kinh tế TƯ cũng như các bộ, ngành đã tập trung chất vấn, thảo luận và nghe giải trình nhiều nội dung xung quanh Dự án.

Cụ thể là các vấn đề như việc đáp ứng các tiêu chí xác định Dự án là dự án quan trọng quốc gia như thế nào? Sự cần thiết đầu tư, các điề kiện để thực hiện đầu tư, sự phù hợp quy hoạch, chiến lược, kế hoạch và quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực cũng như sự tuân thủ các quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng quan tâm đến sự phù hợp của dự án đối với quy hoạch, chiến lược, kế hoạch và quy hoạch phát triển KT-XH, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực như đối với quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông đường bộ cao tốc hay sự phù hợp với chiến lược, kế hoạch và quy hoạch phát triển KT-XH, quy hoạch ngành và lĩnh vực khác; Đánh giá về nhu cầu, phạm vi phục vụ và dự kiến mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư và hình thức đầu tư… cũng như đánh giá về khu vực, địa điểm đầu tư, dự kiến nhu cầu diện tích sử dụng đất và nhu cầu sử dụng tài nguyên; đánh giá về phân tích, lựa chọn sơ bộ về công nghệm kỹ thuật chính; các điều kiện cung cấp vật tư thiết bị nguyên liệu.

Các vấn đề liên quan đến công tác đánh giá về phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư; Tổng mức đầu tư; Chi phí vận hành bảo dưỡng; Tiến độ, thời hạn thực hiện hợp đồng…cũng được các đại biểu quan tâm, cho ý kiến.

Tại buổi làm việc, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát ghi nhận Bộ GTVT có nhiều nỗ lực nghiên cứu, đưa ra các đề xuất quan trọng để phát triển GTVT, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam.

Trên cơ sở nghe ý kiến của đồng chí Cao Đức Phát, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông và nhiều ý kiến của đại biểu tham dự buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể một lần nữa khẳng định, đường sắt tốc độ cao là một loại hình của đường sắt quốc gia và cần phải tập trung phát triển nhằm kết nối các vùng kinh tế trọng điểm, thúc đẩy tăng trưởng KT-XH.

“Đây là Dự án có tính lan toả, phục vụ phát triển KTXH, góp phần tái cấu trúc đô thị, lao động trên hành lang Bắc – Nam; hướng tới mô hình giao thông tiên tiến, hiện đại”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát thống nhất chỉ đạo các đơn vị tham mưu, tổ công tác của hai cơ quan khẩn trương hoàn thành để trình Bộ Chính trị báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 27 ngày 17/9/2018 của Bộ Chính về Chiến lược phát triển GTVT đường sắt VN đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 và báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam và đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.

Được biết, định hướng phát triển đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam đã được xác định trong quy hoạch phát triển GTVT đường sắt từ năm 2000. Các chủ trương của Đảng về phát triển ĐSTĐC cũng đã được đề cập trong Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của BCH TƯ ĐẢng Khoá XI và trong Luật đường sắt số 06/2017/QH14… cũng như các nghiên cứu khoa học, cụ thể. Đến nay, trên các cơ sở định hướng, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT rà soát hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án.

 

H.L

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:196205
Lượt truy cập: 176.072.199