Bảng đánh giá thành tích khai thác năm 2018 bao gồm 4 tiêu chí với 5 mức độ đánh giá, thấp nhất là mức 1 và cao nhất là mức 5 (từ năng suất bến, thời gian chờ hoa tiêu, thời gian chờ cầu bến, thời gian tàu neo chờ tại cảng trước và sau khi làm hàng).
Riêng CMIT đạt được các đánh giá cao nhất của CMA CGM ở phần lớn các tiêu chí. Điều ấn tượng là trong 4 tiêu chí đánh giá, CMIT có 3 tiêu chí kết quả ngang với cảng Xiamen là cảng đạt Huy chương Vàng (chỉ duy nhất tiêu chí 4 về thời gian tàu neo chờ tại cảng trước và sau khi làm hàng đạt không cao).
Hãng tàu CMA CGM của Pháp là một trong những hãng tàu lớn nhất thế giới
và là thành viên của Liên minh Hãng tàu Ocean Alliance làm hàng tại CMIT
Tuy nhiên, đại diện CMIT cho biết, Cái Mép vẫn còn hạn chế là tàu ra vào vẫn còn phụ thuộc vào thủy triều, do vậy, dù cảng có nỗ lực kết thúc xếp dỡ hàng hóa sớm thì tàu vẫn phải chờ thủy triều để rời bến.
"Nếu luồng vào cảng vẫn không được sớm nạo vét sâu hơn đến -15.5m thì các cảng khó cải thiện được tiêu chí này”, lãnh đạo CMIT chia sẻ.
Hiện nay, CMIT có lịch cập 5 chuyến tàu mẹ mỗi tuần (kích cỡ 9.000 - 18.000 TEU) của các liên minh hãng tàu lớn nhất thế giới và khoảng 140 chuyến sà lan, tàu nội địa. Hiện CMIT là một trong những cảng nước sâu lớn nhất cả nước, góp phần định hình vị thế của khu cảng Cái Mép trên bản đồ hàng hải thế giới.
Được biết, Hãng tàu CMA CGM của Pháp (một trong những hãng tàu lớn nhất thế giới và là thành viên của Liên minh Hãng tàu Ocean Alliance) đã công bố bảng đánh giá thành tích khai thác năm 2018 của 22 cảng và bến cảng chính trong khu vực châu Á mà hãng tàu này đưa tàu mẹ vào khai thác. Trong đó gồm các cảng như: cảng Yokohama (Nhật Bản), Pusan (Hàn Quốc), Kaohsiung (Trung Quốc), Shanghai (Trung Quốc), Hong Kong, Manila (Philippines), Laem Chabang (Thái Lan), Singapore… Danh sách này không bao gồm các cảng nhỏ tiếp nhận tàu nội Á và tàu gom hàng feeder.
P.V