Đến Thanh Phú, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay lớn của xã này so với 5 năm trước. Các bản làng của đồng bào dân tộc nơi đây xuất hiện nhiều ngôi nhà mới khang trang xen giữa những đồi cây, nương lúa. Ấn tượng nhất là hạ tầng giao thông, những con đường mòn dốc và trơn trượt đã được thay thế bằng đường bê tông sạch đẹp.
Đường giao thông nông thôn ở xã Tả Van cơ bản được đổ bê tông kiên cố
Ông Lù Đức Chỉn, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Phú cho biết: Xác định giao thông là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, là “đầu tàu” kéo theo các tiêu chí khác nên Đảng ủy, UBND và nhân dân xã Thanh Phú luôn nỗ lực thực hiện. Có được hệ thống giao thông kiên cố như hiện nay là do xã thường xuyên tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức được tầm quan trọng của hệ thống giao thông trong phát triển kinh tế - xã hội, từ đây đồng bào các dân tộc trong xã đã tự nguyện hiến đất, góp công, góp của làm đường. Đến thời điểm này, xã đã hoàn thành tiêu chí giao thông.
Trước đây, Mường Bo 1 là một trong những thôn khó khăn nhất của xã Thanh Phú, đường giao thông trong thôn đa phần là những lối mòn nhỏ, đi bộ còn khó chứ chưa nói đến đi xe máy. Thế nhưng giờ đây, đường giao thông qua Mường Bo 1 đã được đổ bê tông. Ông Sền A Đông, người dân trong thôn cho biết: Được cán bộ tuyên truyền, vận động, gia đình tôi đã hiến hơn trăm mét vuông đất để làm đường. Có đường bê tông kiên cố, người dân trong thôn đi lại thuận lợi, an toàn, giảm được chi phí vận chuyển nguyên - vật liệu. Trong khi đó, nông sản lại được thương lái vào tận thôn thu mua nên giá cao hơn. Đường giao thông được đầu tư xây dựng đã góp phần nâng cao đời sống ở Mường Bo 1.
Xã Thanh Phú có 12 tuyến đường trục thôn, đường liên thôn với tổng chiều dài 22km đã được bê tông cứng hóa, chiều rộng mặt đường 3m, dày 16cm. Toàn bộ gần 2km đường ngõ xóm cũng đã được bê tông hóa, rộng 2m, dày 15cm.
Còn tại xã Trung Chải, theo đường chim bay, thôn Sín Chải chỉ cách trung tâm xã vài trăm mét nhưng do địa hình đồi núi, lại bị chia cắt bởi những con suối nên trước đây, để đến trụ sở UBND xã, người dân trong thôn phải mất hàng giờ đồng hồ và những hôm trời mưa, đường trơn trượt thì thời gian còn lâu hơn. Năm 2018, thôn Sín Chải được đầu tư xây dựng đường bê tông nối từ trung tâm thôn ra Quốc lộ 4D, giúp việc đi lại của gần 30 hộ được thuận lợi. Bà Chảo Mán Mẩy (thôn Sín Chải) cho biết: Người dân chúng tôi đã góp công, góp của để làm đường giao thông nông thôn. Bây giờ thì bất kể mưa hay nắng, việc đi lại rất thuận lợi. Người dân có con gà, con lợn hay bao ngô… đều có thể đưa lên xe máy chở đi bán. Cuộc sống của người dân nhờ đó cũng khá hơn.
Thôn khó khăn như Vù Lù Sung của xã cũng chỉ còn vài chục mét đường trục chính đang được gấp rút hoàn thiện đổ bê tông. Ông Giàng A Chu, Bí thư Đảng ủy xã Trung Chải cho biết: Địa hình đồi núi dốc nên việc làm đường ở Trung Chải gặp nhiều khó khăn hơn so với những địa phương khác. Với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức, đoàn thể xã hội và sự ủng hộ từ phía người dân, xã đã hoàn thành tiêu chí giao thông. Có đường giao thông kiên cố chắc chắn sẽ thúc đẩy giao thương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Trong những năm qua, phong trào làm đường giao thông nông thôn được huyện Sa Pa triển khai hiệu quả. Trong thực hiện, các địa phương đã huy động được nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia ủng hộ, đóng góp ngày công, vật chất, hiến đất làm đường. Năm 2018, huyện Sa Pa bê tông hóa được 28,36km đường giao thông nông thôn. Đến thời điểm này, nhiều xã trong huyện đã hoàn thành tiêu chí giao thông như Nậm Cang, Tả Phìn, Thanh Phú, Trung Chải… Huyện đang tập trung nguồn lực đầu tư cho các xã còn lại sớm hoàn thành tiêu chí này.
Ông Nguyễn Đình Thăng, Phó trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng Sa Pa cho biết: Xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là hạ tầng giao thông ở các xã vùng cao gặp nhiều khó khăn, nhưng huyện Sa Pa có những cách làm sáng tạo, linh hoạt nên đã đạt kết quả khả quan. Việc tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng xây dựng nông thôn mới nói chung, làm đường giao thông nói riêng được huyện thực hiện quyết liệt đến từng hộ từ vùng thấp đến vùng cao. Ngoài nguồn hỗ trợ của Nhà nước, huyện còn huy động mọi nguồn lực, từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Sa Pa đang nỗ lực xây dựng nông thôn mới, trong đó có tiêu chí quan trọng là giao thông nông thôn. Với nhiều cách làm hiệu quả, tin rằng trong tương lai không xa, giao thông nói riêng và bộ mặt nông thôn mới của huyện sẽ thay đổi diện mạo, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.