Xóa bỏ chia cắt cộng đồng…
Chương trình xây dựng cầu dân sinh vùng DTTS của Chính phủ có tổng vốn đầu tư 8.338,98 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách Trung ương, vốn vay ODA, vốn ngân sách địa phương và vốn xã hội hóa. Trong đó, vốn vay ODA chiếm trên 67%. Cùng với việc xây dựng hệ thống cầu treo, cầu cứng, chương trình của Chính phủ còn hỗ trợ về nâng cấp, cải tạo và bảo dưỡng đường địa phương tại các khu vực của dự án.
Trước thực trạng đồng bào DTTS trên cả nước còn gặp nhiều trắc trở trong giao thông đi lại, nhất là vào mùa mưa lũ, mục tiêu cụ thể của chương trình nhằm xây dựng hoàn chỉnh các tuyến đường giao thông kết nối liên vùng; các tuyến đường giao thông đi được quanh năm đến trung tâm các xã. Xây dựng các cầu có quy mô nhỏ góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng vùng DTTS đến năm 2020 đạt 100% đường trục liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa và trên 50% đường trục thôn, bản, ấp được “cứng hóa” đạt chuẩn. Từ đó, đáp ứng cơ bản nhu cầu kết nối giữa các loại đường trong hệ thống giao thông nông thôn, hoàn toàn xóa bỏ chia cắt cộng đồng.
Bên cạnh mục tiêu trên, chương trình xây dựng cầu dân sinh vùng DTTS của Chính phủ được triển khai còn hướng đến thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực, đảm bảo an ninh lương thực; đảm bảo quốc phòng - an ninh; phục vụ công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, nâng cao nhận thức, năng lực cho các cấp chính quyền và các tầng lớp nhân dân để thực hiện ngày càng tốt hơn công tác quản lý, khai thác, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn trong vùng dân tộc nhằm kéo dài tuổi thọ công trình và tiết kiệm kinh phí đầu tư.
Theo Quyết định số 2529/QĐ-TTg ngày 31/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ, Bạc Liêu được đầu tư xây dựng tổng số 124 cây cầu cứng. Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ ghi vốn cho Bạc Liêu khoảng 96 tỷ đồng để thực hiện dự án tại 5 huyện, thị xã. Hiện tỉnh Bạc Liêu đang đầu tư 5 dự án với 47 cây cầu, tải trọng thiết kế 10 tấn, bề rộng mặt cầu từ 2,5 - 3,5m; dầm cầu và toàn bộ mặt cầu là bê tông cốt thép...
Cầu và đường dân sinh đảm bảo an toàn giao thông vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số.
…Nối những bờ vui
Năm 2018, tỉnh Bạc Liêu đã hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng 16 cây cầu. Công trình hoàn thành đến đâu, đồng bào dân tộc phấn khởi, vui mừng đến đó. Những cây cầu bê tông chắc chắn, những con đường phẳng phiu đảm bảo ATGT như đã thỏa niềm mong ước của đồng bào suốt hàng chục năm ròng. Có cầu, đường kiên cố, đi lại thuận tiện, đảm bảo an toàn, đồng bào DTTS vùng khó khăn càng có thêm động lực hăng hái lao động, sản xuất. Nhiều người mua sắm phương tiện đi lại, đưa rước con em đi học, giao thương theo đó cũng phát triển...
Năm 2019, tỉnh đang phối hợp với Bộ GTVT tiếp tục triển khai thi công thêm 30 cây cầu, khối lượng các công trình ước đạt từ 18 - 35%. Ghi nhận cho thấy, khí thế làm việc của các đơn vị thi công rất khẩn trương. Khi những dầm cầu đầu tiên thành hình cũng là lúc những con đường bê tông kết nối vùng có đông đồng bào Khmer sinh sống đang nối dài ra.
Chị Thị Hai, một người dân sống gần khu vực cầu Cả Tân (xã Vĩnh Mỹ A, huyện Hòa Bình) đang xây dựng, chia sẻ: “Có đường, có cầu, người dân ở đây vui mừng lắm. Chúng tôi chỉ chờ đợi bấy nhiêu thôi vì có niềm vui nào bằng”. Được biết, cây cầu Nhà nước đang xây dựng nhằm thay thế cho cầu đã xuống cấp, tiềm ẩn các nguy cơ gây tai nạn giao thông trước đây. Do cầu nghiêng, mặt cầu bám đầy rong rêu nên những ngày trời mưa, nhiều người và phương tiện khi qua đây đã lọt thỏm xuống sông, nhiều trường hợp nguy hiểm đến tính mạng…
Còn hiện tại, bên cạnh cầu thi công có cầu tạm đủ đảm bảo an toàn cho người dân qua lại. Con đường đất mòn bề ngang chưa đầy 1m đã được thay thế bằng đường bê tông rộng 3,5m, người xe tấp nập hơn, các hàng quán ven đường cũng đông vui hơn. Đặc biệt là bà con đồng bào không còn lo đến chuyện nắng bụi, mưa sình, trẻ em đi học thuận tiện, nhanh chóng. Một không gian mới, khí thế mới như đang lan tỏa ở những nơi này, nơi những nhịp cầu đang từng ngày nối những bờ vui!