Bình Phước: An Khương nỗ lực xóa cầu tre

Thứ hai, 27/05/2019 08:55

An Khương (huyện Hớn Quản, Bình Phước) được công nhận về đích nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 vào đầu năm 2019. Đây là sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và người dân trong xã nhiều năm qua bởi An Khương có xuất phát điểm thấp vì có đến 62% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp.

Từ sự chung tay góp sức của nhà hảo tâm, chiếc cầu tre
đã được thay thế bằng cây cầu kiên cố với kinh phí thực hiện 78 triệu đồng

Tuy đã là xã nông thôn mới nhưng đường giao thông bê tông và nhựa hóa vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, trong đó vẫn còn những cây cầu tạm bợ. Con đường vào các tổ 5, 6 được đầu tư bê tông một đoạn, còn lại vẫn là đường đất đỏ mưa lầy lội khó đi, nắng thì bụi. Đường khó đi nhưng cây cầu trên tuyến đường liên ấp này mới là nỗi khổ của người dân trong nhiều năm qua. Anh Điểu Dũng ở tổ 5 cho biết: “Tôi sống ở đây từ nhỏ. Cây cầu tre tạm bợ tôi và người dân hằng ngày đi qua, ngày nắng không sao, chỉ lo tới mùa mưa. Có hôm mưa to cầu trôi, vậy là khỏi ai đi lại. Người dân ở đây đã không biết bao nhiêu lần đi vớt cầu về sau cơn mưa to”.

Vừa qua, lãnh đạo xã đã vận động làm cầu cho nhân dân 2 tổ 5, 6 thuộc ấp 2. Đây là ấp khó khăn nhất xã, tập trung đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Chủ tịch UBND xã Trần Hải Hà cho biết: Tuyến đường tổ 5, 6 phục vụ nhu cầu đi lại của hơn 70 hộ dân thuộc ấp 2 và một phần ấp 7. Nhiều năm qua, người dân khổ sở đi trên chiếc cầu tre tự lắp ghép. Khổ nhất vẫn là trẻ em đi học vào mùa mưa. Nếu không có người lớn đưa qua cầu thì các em không dám đi. Trước mùa mưa năm nay, xã quyết tâm làm cầu kiên cố cho người dân. Chúng tôi đã vận động được 48 triệu đồng và xin thêm 30 triệu đồng từ Quỹ “Vì người nghèo” huyện để làm. Nay cầu hoàn thành, người dân đi lại được, chỉ còn một vài công đoạn nhỏ.

Gặp anh Phùng Ngọc Quý đang di chuyển qua cầu thì được biết, nhà anh ở tổ 6. Chiếc cầu mới đã làm cho con đường về nhà anh thuận lợi hơn. Anh rất vui vì sau nhiều năm giờ được đi trên chiếc cầu kiên cố. Lúc trước muốn chở phân bón nặng một chút phải đi đường vòng, xa gấp đôi, giờ vận chuyển gì cũng dễ.

Ngày khởi công cầu do kinh phí chủ yếu từ vận động nên mỗi người dân đều đến đóng góp sức lao động với mong muốn cây cầu sớm hoàn thành. Chủ tịch UBND xã Trần Hải Hà tin rằng sau thành công của chiếc cầu tổ 5, 6, xã sẽ tiếp tục vận động làm thêm bởi trên địa bàn vẫn còn một số cây cầu tạm bợ. Ông mong muốn những người có tấm lòng hữu hảo sẽ tiếp tục chung sức để không còn những cây cầu gập ghềnh khó đi.

Nguồn: Báo Bình Phước

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:165784
Lượt truy cập: 176.724.420