Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) kiểm tra nồng độ cồn, chất kích thích với lái xe trong đợt cao điểm
Cuối ngày, khi dạo qua các tuyến đường sầm uất, tập trung nhiều nhà hàng tại thành phố Bắc Ninh như: Ngọc Hân Công Chúa, Kinh Dương Vương, Nguyễn Đăng Đạo… không khó để bắt gặp cảnh đông đúc thực khách. Từng bàn nhậu kê san sát nhau, ồn ào những tiếng chạm ly. Ngoài bãi đỗ xe là hàng dài xe máy, ô tô của thực khách. Càng về chiều muộn, lượng khách đổ về các hàng quán càng đông hơn, trong khi đó nhiều tốp khách đã bắt đầu rời đi trong hơi men chếnh choáng, mặt đỏ phừng phừng vì ngấm bia, rượu.
Một chủ quán trên đường Kinh Dương Vương cho biết: “Hầu hết các khách đến đây đều tự điều khiển phương tiện xe máy, ô tô của mình để về nhà. Vẫn biết lái xe trong tình trạng uống rượu bia không bảo đảm an toàn giao thông song chúng tôi chỉ là người bán hàng chứ không thể ngăn cản được. Thi thoảng khách hàng nào say quá thì mới gọi người thân đến đón”.
Với lý do “giải nhiệt”, các quán bia, quán nhậu từ nông thôn đến thành thị luôn hút khách vào những ngày hè. Sẽ không có gì đáng nói nếu những vị khách này đều rời quán an toàn bằng taxi hoặc ngồi sau tay lái của những người không có “chất men”. Tuy nhiên, đa phần vẫn bất chấp quy định pháp luật và cả những nguy hiểm tiềm tàng để tự cầm lái phương tiện trong tình trạng say xỉn. Rất nhiều vụ va chạm, tai nạn giao thông xảy ra từ những lái xe khi vừa rời bàn nhậu.
Thời gian qua, thực hiện đợt cao điểm về xử lý vi phạm nồng độ cồn và chất kích thích với lái xe, lực lượng CSGT toàn tỉnh tăng cường lập các chốt kiểm tra, trong đó có các tuyến đường tập trung nhiều nhà hàng, quán nhậu. Hơn 500 trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn được CSGT toàn tỉnh xử phạt từ đầu năm tới nay. Tuy nhiên đây chỉ là những trường hợp bị phát hiện, xử lý, con số người sử dụng rượu bia tham gia giao thông trên thực tế lớn gấp nhiều lần.
Được biết phần lớn các vụ TNGT xảy ra trong tỉnh thời gian qua đa phần đều diễn ra vào chiều, tối, thời điểm nhiều người vừa rời các quán nhậu về nhà. Không ít vụ TNGT dẫn tới hậu quả chết người. Đơn cử như vụ TNGT gần đây ở xã Tân Chi (huyện Tiên Du). Anh Nguyễn Văn T (sinh năm 1991, trú tại thôn Chi Hồ, xã Tân Chi) điều khiển xe máy trong tình trạng say xỉn đã đâm trực diện vào xe tải dẫn đến tử vong. Người tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia thì mọi phản xạ đều không nhanh nhạy và thiếu chính xác, tinh thần dễ bị kích động, không làm chủ được hành vi của bản thân nên dễ bốc đồng chạy quá tốc độ, nếu không may để xảy ra TNGT còn gây khó khăn cho việc thực hiện các biện pháp can thiệp y tế do mất máu nhiều, nồng độ cồn trong máu cao làm giảm tác dụng của thuốc chữa bệnh dẫn đến tỷ lệ tử vong cao.
Bộ Giao thông vận tải đang hoàn thiện, xin ý kiến Chính phủ sửa đổi Nghị định 46/2016/NĐ-CP, tăng nặng mức xử phạt các hành vi vi phạm nồng độ cồn. Theo đó, các hành vi vi phạm về nồng độ cao nhất (mức 3), không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, có thể bị xử phạt lên đến 30 triệu đồng và tước Giấy phép lái xe từ 14-16 tháng. Trong lúc chờ các cơ quan chức năng đưa ra các chế tài mạnh tay hơn, để kiềm chế và kéo giảm TNGT do nguyên nhân rượu bia, ý thức của người tham gia giao thông chính là yếu tố quyết định.
Mỗi người dân cần nâng cao nhận thức về việc sử dụng rượu bia hàng ngày. Khi tham gia giao thông phải chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, tuyệt đối nói không với rượu, bia khi lái xe. Nếu sử dụng rượu, bia thì nên đi các phương tiện công cộng hoặc nhờ bạn bè, người thân chở về nhà để đảm bảo an toàn. Từng hộ gia đình phải nêu cao tinh thần trách nhiệm với người thân của mình. Tuyệt đối không để cho người thân sử dụng rượu, bia mà vẫn điều khiển phương tiện tham gia giao thông.