Vĩnh Phúc: Đảm bảo an toàn giao thông đường thủy mùa mưa bão

Thứ hai, 17/06/2019 10:32

Trước những diễn biến bất thường của thời tiết trong mùa mưa lũ, lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy, Công an tỉnh Vĩnh Phúc chủ động phối hợp với các ban, ngành chức năng, chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, tích cực tổ chức tuần tra, kiểm soát, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (ATGT) trên các tuyến đường thủy nội địa, đặc biệt tại các bến đò, bến khách ngang sông.

Chiến sĩ Đội Cảnh sát giao thông đường thủy nhắc nhở người điều khiển phương tiện thủy
chấp hành các quy định pháp luật khi tham gia giao thông

6 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại bến đò Hợp tác xã Vận tải thủy Đức Giang, xã Đức Bác (huyện Sông Lô), tận mắt chứng kiến cảnh qua sông của người dân, chúng tôi không khỏi lo lắng. Sông rộng, nước chảy xiết, nhưng nhiều người dân cũng như chủ lái đò không mặc áo phao hay cầm dụng cụ nổi theo quy định. Cũng tình trạng trên, cách bến đò khoảng 200m là bến phà Đức Bác do Công ty Quản lý và Sửa chữa đường bộ Vĩnh Phúc quản lý cũng nhộn nhịp không kém. Trên chiếc phà tự hành 10 tấn đang chuẩn bị xuất bến, có hơn 20 người cùng ô tô, xe máy, xe chở hàng, song, không có ai trong số đó mặc áo phao hay cầm dụng cụ nổi cầm tay. Ước tính, trung bình mỗi ngày có từ 3.000- 4.000 người dân và các phương tiện qua phà, nhất là vào các giờ cao điểm .

Đồng chí Trần Đại Huynh, Đội trưởng Đội Cảnh sát đường thủy, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết: “Thực tế hiện nay, không chỉ riêng 2 bến phà, bến đò của xã Đức Bác mà dọc 2 bên bờ sông Hồng, Sông Lô, nhiều bến đò, bến phà chở khách hiện nay còn nhiều tồn tại, bất cập, chưa đảm bảo theo quy định. Một số chủ bến đò, bến khách ngang sông chưa đáp ứng được các điều kiện đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông đường thủy hoặc vì lợi nhuận kinh doanh mà có hành vi vi phạm ATGT đường thủy như: Chở hàng quá tải trọng, quá số người quy định; hệ thống phòng cháy chữa cháy, phao cứu sinh còn hạn chế; không chấp hành nghiêm chỉnh việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện... gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng làm công tác đảm bảo trật tự ATGT. Mặt khác, nhiều người dân còn thờ ơ với chính mạng sống của mình. Họ chỉ mặc áo phao khi có lực lượng chức năng có mặt nhắc nhở, xử lý. Trước thực trạng trên, Đội Cảnh sát đường thủy phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tiếp giáp với sông và các ban, ngành chức năng triển khai nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả nhằm đảm bảo ATGT đường thủy trong mùa mưa bão".

Qua công tác tuần tra, kiểm soát, Đội Cảnh sát đường thủy phát hiện và xử lý 112 trường hợp vi phạm ATGT đường thủy nội địa, thu nộp ngân sách Nhà nước 142 triệu đồng. Trong đó, xử lý 5/10 bến đò, bến phà chở khách ngang sông không đảm bảo các điều kiện an toàn, yêu cầu 1 bến đò dừng hoạt động.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 3 sông lớn chảy qua là sông Hồng, sông Lô và sông Phó Đáy, với tổng chiều dài 104,5km; 3 hồ đầm lớn là hồ Đại Lải (Phúc Yên), hồ Xạ Hương (Tam Đảo) và Đầm Vạc (Vĩnh Yên); trong đó, tại hồ Đại Lải, hoạt động vận tải hành khách du lịch bằng thuyền đang phát triển. Toàn tỉnh có 39 bến, bãi kinh doanh, tập kết cát, sỏi; 10 bến phà, bến đò khách ngang sông phục vụ nhu cầu đi lại, giao lưu hàng hóa của nhân dân. Trên sông Hồng và sông Lô có nhiều doanh nghiệp được cấp phép hoạt động khai thác cát, sỏi và nạo vét luồng kết hợp tận thu sản phẩm, ngoài ra, hoạt động tàu thuyền vận tải hàng hóa, vật liệu xây dựng hàng ngày qua lại rất lớn. Hệ thống giao thông đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh khá phức tạp, nhất là trong thời điểm mưa lũ, lưu lượng nước, dòng chảy trên các tuyến sông tăng cao, nhiều điểm có gió lớn, xoáy nước, phức tạp về luồng lạch... làm gia tăng nguy cơ tai nạn giao thông.

Chủ động trong công tác đảm bảo trật tự ATGT trên các tuyến đường sông trong mùa mưa bão, Đội Cảnh sát đường thủy phối hợp với công an các huyện, thành phố và chính quyền các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT đường thủy, trong đó, công tác tuyên truyền Luật Giao thông và các quy định về đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa đến người dân được coi là giải pháp then chốt. Tổ chức kiểm tra, yêu cầu ký cam kết chấp hành Luật Giao thông đường thủy nội địa đối với 100% các chủ phương tiện thủy, chủ bến cát, sỏi, bến phà, bến đò chở khách ngang sông.

Chủ động thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống lụt bão; phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm quy định về an toàn bến bãi, phương tiện chở khách, phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, chở quá tải, quá số người quy định, người điều khiển phương tiện không có chứng chỉ chuyên môn; kiên quyết không để các phương tiện không đủ điều kiện an toàn hoạt động; chú trọng công tác hướng dẫn, điều tiết các phương tiện đi đúng đường, đúng hướng các luồng, lạch, đặt phao cảnh báo. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương chủ động đảm bảo lực lượng, phương tiện, công cụ, vật tư sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

Nguồn: Báo Vĩnh Phúc

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:174999
Lượt truy cập: 176.587.034