Lực lượng cảnh sát giao thông ra quân
cao điểm tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông
Nhiều vụ tai nạn thương tâm
Chúng tôi cảm thấy đau lòng khi chứng kiến những mảnh đời bất hạnh khi không may gặp tai nạn thương tâm. Đó là gia đình chị N.T.H. ở Bình Đại, gia đình chị H. cũng khá giả nhưng buổi chiều định mệnh đã cướp đi mạng sống của chồng chị là anh T.V.N. đang trong lúc đi làm hồ về thì bị TNGT, do anh H.V.T. đã uống rượu, bia gây ra. Từ đó, hoàn cảnh gia đình ngày càng khốn cùng, kinh tế khó khăn, sinh hoạt gia đình giờ chỉ trông chờ vào việc buôn bán của chị H. Nhưng có lẽ nỗi đau lớn nhất không gì bù đắp nổi là chị H mất chồng, 2 đứa con thơ dại mất cha.
Những hệ lụy do TNGT gây ra không chỉ là gánh nặng cho các gia đình mà ảnh hưởng rất lớn đến xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn không ít người còn thờ ơ, chủ quan trước TNGT, nhất là từ việc uống rượu, bia trước khi cầm lái. Theo số liệu thống kê gần đây cho thấy, năm 2007, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 23 vụ TNGT, làm chết 18 người, làm bị thương 13 người; trong đó, có 8 trường hợp liên quan đến rượu, bia, làm chết 9 người. Năm 2018, xảy ra 26 vụ TNGT, làm chết 23 người, bị thương 13 người, trong đó có 11 trường hợp liên quan đến rượu, bia, làm chết 12 người. Trong 6 tháng đầu năm 2019, xảy ra 6 vụ TNGT, làm chết 6 người, trong đó có 4 trường hợp liên quan đến rượu, bia, làm chết 4 người. Qua đó cho thấy, tình hình TNGT, nhất là các vụ gây chết người phần lớn đều có liên quan đến rượu, bia.
Giải pháp kiềm chế
Để hạn chế đến mức thấp nhất TNGT, nhất là do uống rượu, bia gây ra, theo ông Lê Văn Hoàng - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Bến Tre, Phó trưởng ban thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh, mọi người cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông; thực hiện tốt văn hóa giao thông, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho bản thân và cho người vô tội khác mỗi khi tham gia giao thông. Đối với các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về tác hại của rượu, bia trong khi tham gia giao thông; hạn chế việc tổ chức, liên hoan, tiệc tùng có sử dụng rượu, bia; nghiêm túc thực hiện Chỉ thị số 02 của UBND tỉnh về việc nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc, không uống rượu, bia trong giờ làm việc đối với cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Bến Tre; kịp thời kiểm điểm, xử lý khi cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.
Đối với các doanh nghiệp vận tải, nhất là vận tải hành khách thì kiên quyết không giao xe cho những tài xế có uống rượu, bia; đội ngũ lái xe “đừng uống, dù chỉ một cốc bia, một ly rượu trước khi cầm lái xe”. Các chủ quán cần nhắc nhở nhân viên phục vụ tư vấn cho khách khi thấy họ đã say xỉn; thuyết phục họ về bằng phương tiện giao thông công cộng hoặc nhờ người thân, bạn bè đưa về; kiên quyết không bán rượu, bia tiếp cho khách khi họ đã say, nếu khách hàng không hợp tác thì cần liên hệ chính quyền địa phương để can thiệp. Nên tổ chức mô hình điểm kinh doanh rượu, bia đảm bảo về an toàn giao thông.
Phó chủ tịch UBND TP. Bến Tre Nguyễn Văn Thương cho biết, sẽ tiếp tục yêu cầu lực lượng công an từ thành phố đến xã, phường tăng cường tuần tra, kiểm soát giao thông trên các tuyến đường nội, ngoại ô thành phố, trong từng thời điểm, nhất là vào ban đêm. Trong đó, đẩy mạnh kiểm tra nồng độ cồn; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.