Việc triển khai thành công cơ chế một cửa giúp DN tiết kiệm thời gian, chi phí và
giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng biển
“Số hóa” quản lý
Ông Lê Nam Tuấn, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ & Môi trường (Cục Hàng hải VN) cho biết, từ năm 2013, Cục Hàng hải đã xây dựng và đưa vào sử dụng phần mềm trao đổi, theo dõi thông tin kiểm tra tàu biển với các cảng vụ. Từ tháng 12/2015, Cục đưa phần mềm cung cấp thông tin cập nhật về bình đồ luồng hàng hải điện tử (ENC) của 43 tuyến luồng hàng hải. Hệ thống đã giúp người đi biển và cơ quan quản lý nhà nước cập nhật thông tin về bình đồ luồng hàng hải, thông báo hàng hải và hệ thống đèn biển dễ dàng, thuận tiện.
“Năm 2016, Cục Hàng hải VN tiếp tục xây dựng, đưa vào sử dụng phần mềm “Ứng dụng phổ biến thông tin hàng hải trên thiết bị thông tin di động” để tuyên truyền thông tin về tàu biển, thuyền viên, luồng hàng hải đến người dân và doanh nghiệp (DN)”, ông Tuấn thông tin.
Một trong những bước đi mạnh mẽ trong ứng dụng KHCN của ngành hàng hải là việc triển khai dịch vụ công trực tuyến. “Cục Hàng hải là cơ quan đi đầu trong việc tham gia thực hiện cơ chế một cửa Quốc gia ngay từ giai đoạn 1 (năm 2014). Tháng 7/2018, Cục tiếp tục triển khai mở rộng Cơ chế Một cửa quốc gia đối với 11 thủ tục hành chính lĩnh vực hàng hải trên Cổng thông tin một cửa quốc gia tại 25 cảng vụ hàng hải.
“Trước đây, khi làm thủ tục giấy, hãng tàu phải cử người vào bờ để mang hồ sơ lô hàng đến từng bộ phận chuyên ngành như: cảng vụ, hải quan, kiểm dịch y tế,... để làm thủ tục. Nếu giấy tờ chưa hợp lệ sẽ bị trả lại để sửa đổi, bổ sung làm phát sinh lớn quỹ thời gian tàu nằm chờ. Một ngày nằm chờ, tàu nhỏ có thể tốn 10.000 USD tiền thuê tàu, với tàu cỡ lớn lên đến 20.000 USD/ngày. Mỗi lần hồ sơ bị trả lại, hãng tàu như ngồi trên đống lửa”, ông Phạm Hồng Mạnh, Trưởng hãng tàu T.S Lines tại Hải Phòng nói và cho biết, từ khi việc khai báo thủ tục được triển khai theo cơ chế một cửa, chỉ 15 - 30 phút thủ tục đã được xét duyệt cho tàu vào cảng làm hàng. Trường hợp phải chỉnh sửa hồ sơ cũng vô cùng nhanh chóng khi thao tác trên bản khai điện tử.
Nâng cấp cơ sở dữ liệu, hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật
Theo thống kê, tổng số hồ sơ điện tử được phê duyệt từ tháng 7/2018 đến tháng 12/2018 là gần 28.200 hồ sơ, chiếm 87% tổng số hồ sơ được tiếp nhận”, ông Lê Nam Tuấn, Trưởng phòng Khoa học công nghệ & Môi trường (Cục Hàng hải VN) nói và cho biết, việc triển khai thành công Cơ chế một cửa không chỉ giúp DN tiết kiệm thời gian, chi phí mà còn giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng biển.
Ông Nguyễn Xuân Sang, Cục trưởng Cục Hàng hải VN cho biết, để tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng 4.0 theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, Cục Hàng hải VN đã liên tục gửi văn bản yêu cầu các đơn vị chủ động nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu KH-CN, trong đó chú trọng định hướng theo công nghệ cốt lõi của cuộc cách mạng 4.0 là: công nghệ số hóa, cơ sở dữ liệu lớn, điện toán đám mây,...
“Thời gian tới, Cục cũng sẽ chú trọng nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, tích hợp cơ sở dữ liệu, tạo lập môi trường chia sẻ thông tin qua mạng, đặc biệt là phát triển hệ thống quản lý, giám sát hành trình tàu thuyền, hệ thống thông tin duyên hải Việt Nam trên nền tảng công nghệ số để hỗ trợ công tác đảm bảo an toàn, an ninh hàng hải, điều tra tai nạn, tìm kiếm cứu nạn, phòng ngừa ô nhiễm môi trường lĩnh vực hàng hải”, ông Sang nói.
Cũng theo ông Sang, giai đoạn 2019 - 2020, Cục Hàng hải sẽ tiếp tục phối hợp với đơn vị chức năng xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử Bộ GTVT trong lĩnh vực hàng hải. Trong đó, tập trung vào xây dựng, nâng cấp cơ sở dữ liệu chuyên ngành hàng hải, sẵn sàng kết nối, chia sẻ thông tin với các cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung của Bộ GTVT, gồm cơ sở dữ liệu về tàu biển và thuyền viên.