Việc tập trung phát triển hạ tầng GTNT gắn với thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, hằng năm cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã tổ chức rà soát, lập quy hoạch phương án và đề xuất các tuyến đường ưu tiên nguồn lực đầu tư. Cụ thể hóa mục tiêu phát triển hệ thống GTNT trên địa bàn, ngoài nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh Ninh Thuận, huyện còn chủ động trong việc kêu gọi, huy động thu hút nguồn vốn đầu tư của các đơn vị, doanh nghiệp, đóng góp của người dân để triển khai thực hiện.
Qua thống kê, tổng vốn huy động thực hiện Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện từ năm 2016 đến nay đạt 393,8 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách đầu tư trực tiếp 160,9 tỷ đồng, vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án 121,6 tỷ đồng, huy động doanh nghiệp 26,4 tỷ đồng, nhân dân đóng góp trên 2,6 tỷ đồng. Từ nguồn vốn trên, bên cạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, huyện bố trí kinh phí trên 59,5 tỷ đồng để làm mới, cải tạo, nâng cấp nhiều tuyến đường, với tổng chiều dài hơn 100 km; bê tông và đưa vào sử dụng 69 tuyến đường nội thôn, chiều dài trên 15 km; 100% đường từ trung tâm huyện đến các xã đều được bê tông hoặc nhựa hóa. Đến nay, trên địa bàn huyện có 5/8 xã hoàn thành tiêu chí giao thông trong Bộ tiêu chí xây dựng NTM.
Nhân dân xã Phước Nam tham gia xây dựng đường giao thông nông thôn.
Trong điều kiện nguồn lực hỗ trợ còn nhiều khó khăn, các xã đã chủ động, sáng tạo trong việc huy động sức dân để từng bước hoàn thiện mạng lưới GTNT trên địa bàn. Điển hình như xã Phước Nam là địa phương đầu tiên được công nhận xã đạt chuẩn NTM. Sau gần 4 năm được công nhận, xã không ngừng nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp nhằm duy trì và giữ vững các tiêu chí đã đạt. Trong đó, tiêu chí giao thông được đặc biệt quan tâm, chú trọng. Đồng chí Bá Văn Cảnh, Chủ tịch UBND xã, cho biết: Bắt tay vào triển khai chương trình xây dựng NTM, xã xác định làm đường giao thông là một trong những yếu tố quyết định để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, nên luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền, huy động nguồn lực toàn dân thực hiện tiêu chí này. Từ sự đồng thuận, chung sức của người dân, nhiều tuyến đường trên địa bàn được mở rộng.
Tính đến nay, trên địa bàn có 43 tuyến đường nội thôn được bê tông, cứng hóa, với chiều dài trên 8,1 km. Các tuyến đường sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng đáp ứng tốt việc lưu thông, vận chuyển, tiêu thụ hàng nông sản của bà con địa phương. Bên cạnh đó, các tuyến đường sau khi bàn giao đưa vào sử dụng, huyện chỉ đạo UBND các xã xây dựng, ban hành quy chế để quản lý; đồng thời, hằng năm trích một phần kinh phí để duy tu bảo dưỡng, đảm bảo phát huy hiệu quả sử dụng lâu dài.
Đồng chí Nguyễn Tấn Lộc, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Thuận Nam, cho biết: Thời gian tới, huyện định hướng phát triển hệ thống GTNT một cách bền vững, tạo sự liên kết thông suốt phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Tiếp tục huy động mọi nguồn lực tập trung đầu tư cho các xã còn lại hoàn thành tiêu chí giao thông theo quy hoạch NTM được phê duyệt.