Ảnh minh họa
Theo đó, Bộ Giao thông vận tải nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bến Tre do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 199/BDN ngày 12/6/2019, nội dung kiến nghị như sau: “Tại khoản 9 Điều 11 Nghị định số 132/2015/NĐ-CP ngày 25/12/2015 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, quy định hình thức xử phạt bổ sung “Đình chỉ hoạt động của phương tiện từ 01 tháng đến 02 tháng đối với hành vi không thực hiện đăng ký, đăng kiểm quy định tại Khoản 5, Khoản 8 Điều này”. Trong thực tế, các phương tiện khai thác cát trái phép (phương tiện cuốc, hút..) hầu hết đều vi phạm các quy định về điều kiện hoạt động của phương tiện, đăng ký, đăng kiểm phương tiện (quy định tại Điều 11). Tuy nhiên, mức phạt tiền thấp không đủ sức răn đe; sau khi xử phạt vi phạm hành chính và buộc đình chỉ hoạt động thì đối tượng vi phạm vẫn tiếp tục sử dụng phương tiện để thực hiện hành vi khai thác cát trái phép; chưa có chế tài buộc người vi phạm thực hiện đăng ký, đăng kiểm. Kiến nghị:
Sửa đổi, bồ sung Nghị định số 132/2015/NĐ-CP theo hướng tăng mức phạt tiền đối với phương tiện thủy vi phạm không đăng ký, đăng kiểm; hình phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động, yêu cầu thực hiện việc đăng ký, đăng kiểm theo quy định, tạm giữ phương tiện trong thời gian thực hiện đăng ký, đăng kiểm;
Quy định cụ thể về quản lý, xử lý phương tiện thủy vi phạm trong thời gian thực hiện hình thức phạt bổ sung “Đình chỉ hoạt động của phương tiện từ 01 tháng đến 02 tháng đối với hành vi không thực hiện đăng ký, đăng kiểm”.
Bộ Giao thông vận tải xin trả lời như sau: Trong quá trình xây dựng Nghị định số 132/2015/NĐ-CP ngày 25/11/2015 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa (sau đây gọi tắc là Nghị định số 132/2015/NĐ-CP) thay thế Nghị định số 93/2013/NĐ-CP ngày 20/8/2013, Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã thực hiện đánh giá tác động của dự thảo Nghị định đối với kinh tế, xã hội, đồng thời tham khảo ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương để từ đó quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính tại Nghị định cho phù hợp. Lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa có đặc thù là những người tham gia giao thông chủ yếu là những người dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, mức dân trí thấp; có nhiều trường hợp phương tiện chính là tài sản lớn nhất của người dân, phục vụ chính cho nhu cầu đi lại, sinh sống của người dân.
Vì vậy, để đảm bảo vừa phù hợp với tình hình thực tế vừa đảm bảo tính răn đe, giáo dục, cũng như tính hợp lý, khả thi của pháp luật, Ban soạn thảo, Tổ biên tập Nghị định số 132/2015/NĐ-CP đã cân nhắc và đã điều chỉnh mức tiền phạt tăng từ 2-10 lần so với Nghị định số 93/2013/NĐ-CP và hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của phương tiện từ 01 tháng đến 02 tháng đối với hành vi không thực hiện đãng ký, đăng kiểm quy định tại khoản 5, khoản 8 Điều 11 Nghị định số 132/2015/NĐ-CP. Trong trường hợp sau khi chấp hành quyết định, xử phạt, chủ phương tiện vẫn tiếp tục sử dụng phương tiện khi chưa thực hiện đăng ký đăng, kiểm theo quy định thì sẽ bị xử phạt và áp dụng tình tiết tăng nặng theo quy định tại Điều 10 Luật xử lý vi phạm hành chính.
Tuy nhiên, trên cơ sở kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội và cử tri tỉnh Bến Tre, Bộ Giao thông vận tải sẽ rà soát, xem xét lại các nội dung này trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định số 132/2015/NĐ-CP để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế và đảm bảo mục tiêu quản lý nhà nước. Hiện nay, theo chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2019 của Bộ Giao thông vận tải (tại Quyết định số 2789/QĐ-BGTVT ngày 24/12/2018) đã đưa nhiệm vụ xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 132/2015/NĐ-CP vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ và giao nhiệm vụ cụ thể cho Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng dự thảo Nghị định. Tuy nhiên, hiện tại Luật Xử lý vi phạm hành chính đang được Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng và soạn thảo sửa đổi, bổ sung để trình Quốc hội thông qua trong năm 2020. Vì vậy, để đảm bảo phù hợp với Luật Xử lý vi phạm hành chính, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 132/2015/NĐ-CP sẽ được xây dựng và sẽ có hiệu lực đồng thời với Luật xử lý vi phạm hành chính đã được sửa đổi, bổ sung.
Trên đây là trả lời của Bộ Giao thông vận tải đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Bến Tre, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre để trả lời cử tri.