Ninh Thuận: Đảm bảo trật tự ATGT những tháng cuối năm 2019

Thứ hai, 29/07/2019 14:43

Theo đánh giá của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Ninh Thuận, trong 6 tháng đầu năm 2019, trên địa bàn tỉnh tai nạn giao thông (TNGT) giảm sâu trên cả 3 tiêu chí. Toàn tỉnh đã xảy ra 70 vụ, làm chết 26 người, bị thương 73 người, thiệt hại tài sản khoảng 239,4 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2018, số vụ TNGT giảm 43 vụ, giảm 10 người chết và giảm 96 người bị thương.

Theo ông Trương Phi Hùng, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Ninh Thuận, với sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương và địa phương, nhất là sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương trong việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) nên tình hình giao thông trên địa bàn có những chuyển biến tích cực.

Đạt được kết quả trên, trước hết là do công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đã được lực lượng chức năng tăng cường phối hợp thực hiện; kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm… Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông, các đơn vị, địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT, cảnh báo các nguy cơ và phòng tránh TNGT; các địa phương đã chú trọng tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT đến từng địa bàn, khu dân cư, trường học, các tổ chức hội, đoàn thể. Từ đó nâng cao nhận thức của người dân khi tham gia giao thông. Cùng với đó, công tác duy tu bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông, khắc phục điểm đen tiềm ẩn TNGT cũng đã được rà soát khắc phục và xử lý kịp thời, đảm bảo việc đi lại của người dân an toàn; các biện pháp đảm bảo TTATGT được triển khai kịp thời nên tình hình hoạt động vận tải trong các dịp lễ, tết tương đối ổn định.

Cải thiện, nâng cấp hạ tầng giao thông, góp phần đảm bảo an toàn giao thông
trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm.

Ông Trương Phi Hùng cho biết thêm: Tình hình TNGT thời gian qua, tuy được kiềm chế nhưng vẫn luôn tiềm ẩn yếu tố phức tạp khó lường; tình trạng vi phạm TTATGT vẫn còn diễn ra khá phổ biến, ý thức tự giác chấp hành pháp luật giao thông của người dân vẫn còn hạn chế. Trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, một số đơn vị, doanh nghiệp vẫn chưa thực hiện nghiêm túc các quy định, tình trạng hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định, không đưa xe vào bến, hoạt động “xe dù, bến cóc”, xe hợp đồng trá hình đang có xu hướng gia tăng. Một số phương tiện vận tải hành khách không đăng ký chạy tuyến cố định hoặc đăng ký chạy hợp đồng nhưng vẫn đón khách trên tuyến cố định. Tình trạng ô tô dừng đỗ để đón trả khách, bốc dỡ hàng hóa trên các tuyến đường chính thuộc địa bàn Tp. Phan Rang - Tháp Chàm vẫn diễn ra gây mất TTATGT, làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Bên cạnh đó, tình trạng các loại phương tiện xe công nông, xe cơ giới ba bánh và xe thô sơ vận chuyển hàng hóa cồng kềnh chạy trên các tuyến đường trong tỉnh diễn ra ngày càng phức tạp, nguy cơ tiềm ẩn TNGT là rất cao.

Điều đáng quan tâm là các huyện, thành phố hiện vẫn chưa đánh giá được tình hình hiệu quả hoạt động của Ban ATGT cấp xã. Các Ban ATGT cấp xã chưa tham mưu kịp thời cho địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ đảm bảo TTATGT trên địa bàn, nhằm thực hiện các giải pháp ngăn chặn TNGT từ cơ sở. Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm của những tháng cuối năm 2019 đó là tiếp tục thực hiện chủ đề “ATGT cho hành khách và người đi mô tô, xe máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban ATGT cấp xã”. Tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, biện pháp trọng tâm như tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy, gắn trách nhiệm của người đứng đầu đối với kết quả thực hiện nhiệm vụ đảm bảo TTATGT.

Cùng với đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT gắn công tác tuyên truyền với việc xây dựng văn hóa giao thông, nhân rộng các mô hình hiệu quả về công tác đảm bảo TTATGT; đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, xem đây là biện pháp quan trọng để phòng ngừa TNGT. Chú trọng phát hiện, ngăn chặn và xử lý đối với phương tiện chở quá tải, các hoạt động vận tải khách vi phạm qua thiết bị giám sát hành trình, phòng chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ sử dụng rượu, bia, chất kích thích tham gia giao thông và người ngồi trên mô tô, xe gắn máy không đội mũ bảo hiểm.

Bên cạnh những giải pháp trên, các ngành, địa phương và đơn vị chức năng cũng cần quan tâm thực hiện các giải pháp về hạ tầng, ưu tiên nguồn kinh phí từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TTATGT để xử lý các điểm “đen”, các vị trí mất ATGT, kịp thời sửa chữa khắc phục các đoạn đường hư hỏng, phát quang những đoạn đường bị che chắn tầm nhìn, bổ sung lắp đặt đầy đủ cấp biển báo hiệu giao thông đường bộ ở những đoạn đường thường xảy ra tai nạn.

Nguồn: Báo Ninh Thuận

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:139513
Lượt truy cập: 176.534.783