Vĩnh Phúc: xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn ở Vĩnh Tường

Thứ năm, 16/07/2009 11:47
Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng là một trong những mục tiêu chiến lược của Đại hội Đảng các cấp, nhiều năm qua, Vĩnh Tường đã có những cố gắng vượt bậc trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông nông thôn, góp phần quan trọng vào việc đổi mới bộ mặt nông nghiệp nông thôn trên địa bàn và từng bước cải thiện đời sống cho người dân trong huyện.

Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng là một trong những mục tiêu chiến lược của Đại hội Đảng các cấp, nhiều năm qua, Vĩnh Tường đã có những cố gắng vượt bậc trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông nông thôn, góp phần quan trọng vào việc đổi mới bộ mặt nông nghiệp nông thôn trên địa bàn và từng bước cải thiện đời sống cho người dân trong huyện.  

Nếu tính từ năm 2001 đến 2006 là giai đoạn khởi đầu cho việc thực hiện mục tiêu chiến lược xây dựng giao thông nông thôn, thì Vĩnh Tường là huyện dẫn đầu trong tốp các huyện, thị trong tỉnh có thành tích vượt trội. Với phương châm: “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, ngay từ những ngày đầu chiến dịch làm đường giao thông, Vĩnh Tường đã huy động được sức người, sức của của hàng vạn cán bộ, đảng viên, nhân dân trong huyện. Nhờ đó mà toàn huyện đã có một mạng lưới giao thông phân bổ khá đồng đều giữa các xã, thị trấn và các vùng sản xuất trong huyện. Liên tục trong các năm 2001-2008, Vĩnh Tường đều được tặng Cờ của Chính phủ, của Bộ GTVT và của tỉnh về thành tích làm giao thông nông thôn.

Ngay từ năm 2006, Huyện ủy, HĐND huyện Vĩnh Tường đã có Nghị quyết chuyên đề về công tác GTNT; thành lập Ban chỉ đạo và 8 cụm chỉ đạo do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm trưởng ban, các Phó bí thư làm phó ban và thành viên là lãnh đạo HĐND, UBND, các trưởng, phó các ban của đảng, đoàn thể và các phòng ban của huyện. 100% các xã, thị trấn trong huyện cũng có Nghị quyết chuyên đề về GTNT, xây dựng Kế hoạch, tổ chức thực hiện tuyên truyền vận động nhân dân đóng góp kinh phí xây dựng GTNT và có kế hoạch hỗ trợ vốn từ cân đối nguồn ngân sách xã. Thực hiện Nghị quyết số 11/2007/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chương trình phát triển GTNT của tỉnh giai đoạn 2007-2010, Vĩnh Tường đã tổ chức 4 đợt phát động phong trào làm GTNT đến tất cả các xã, thị trấn và cả 29/29 xã, thị trấn đều thực hiện vượt kế hoạch đề ra. Chỉ trong 2 năm (2007- 2009), toàn huyện đã thực hiện được 63 km đường trục xã, trục thôn, đường ra đồng; 47 km đường ngõ xóm; 73 km đường nội đồng với tổng giá trị thực hiện hơn 100 tỷ đồng. Điều đáng nói là, ngoài nguồn hỗ trợ từ Ngân sách tỉnh, thì có tới 1/3 tổng giá trị thực hiện là ngân sách huyện, xã và nhân dân đóng góp. Nhiều xã khó khăn vẫn dành một khoản ngân sách đáng kể để đầu tư làm đường thông qua nguồn điều tiết và huy động các nguồn vốn khác và đã đạt được kết quả khá như: Yên Bình, Kim Xá, Vân Xuân… Các xã: Thổ Tang, Yên Lập, Thượng Trưng, Ngũ Kiên, An Tường, Vĩnh Ninh, Tam Phúc, Tân Tiến… luôn đạt tiến độ và chất lượng thi công cao so với kế hoạch.  

Ngoài việc xây mới, cải tạo, nâng cấp các công trình giao thông với quy mô toàn huyện, Vĩnh Tường còn phát động nhân dân thực hiện tốt việc duy tu, bảo dưỡng đường giao thông đã có và thiết lập lại trật tự giao thông, xử lý và giải tỏa các vi phạm hành lang an toàn giao thông trên địa bàn huyện. Chỉ tính riêng kết quả thực hiện xây dựng giao thông nông thôn năm 2008, Vĩnh Tường nâng cấp và làm mới 9 km đường trục huyện, hơn 40 km đường trục thôn, 12 km đường ngõ xóm, rải cấp phối 15 km, 8 km kè rãnh… với tổng vốn đầu tư trên 50 tỷ đồng, đạt 144,3% kế hoạch và tăng 148% so với cùng kỳ. Hiện nay, 100% số xã, thị trấn của Vĩnh Tường có đường ô tô chạy qua, toàn huyện có 82 km đường trục, 81 km đường liên xã, 721 km đường liên thôn và hơn 200 cầu cống kiên cố. Việc giao thương giữa các thôn xóm, vùng miền được đảm bảo; đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân vùng nông nghiệp nông thôn trên địa bàn huyện từng bước được nâng cao.

Để có được kết quả đáng ghi nhận đó, ông Lê Chí Quang, Bí thư Huyện ủy Vĩnh Tường cho biết: “Công tác tuyên truyền được chúng tôi đặt lên hàng đầu bởi dân có hiểu, có nhận thức được thì mọi việc sẽ thuận lợi. Việc tuyên truyền vận động được triển khai dưới mọi hình thức trên cơ sở nòng cốt là các tổ chức đoàn thể; biết phát huy tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên… Ban chỉ đạo các xã bám sát đề án giao thông và tình hình thực tế của địa phương để xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết trong chỉ đạo, phát động chiến dịch và triển khai thực hiện. Quan trọng nhất là dân được bàn, được tham gia giám sát công trình và được biết mọi vấn đề liên quan đến tài chính. Đặc biệt, việc huy động vốn và quản lý sử dụng vốn quỹ giao thông luôn được minh bạch, được nhân dân tin tưởng; hầu hết các đường liên thôn xã, ngõ xóm do dân tự thu tự làm nên giá thành hạ, chất lượng đảm bảo. Bên cạnh đó, việc thực hiện tốt cơ chế điều hành; phát động chiến dịch đúng thời điểm; có cơ chế hỗ trợ hợp lý, tổng kết khen thưởng kịp thời… cũng là những yếu tố tạo nên sự thành công”.

Được biết, chiến dịch mùa khô 2008-2009, Vĩnh Tường đã thực hiện 230% kế hoạch đề ra; trong đó có việc nâng cấp một số tuyến mới; mở rộng tuyến Yên Bình - huyện Tam Dương, Lũng Hòa - Cao Đại, Phú Thịnh - Tân Cương, Thượng Trưng - Thổ Tang, Tứ Trưng - Tuân Chính…; đồng thời trình phê duyệt quy hoạch giao thông đến năm 2020 và tiếp tục mở rộng một số tuyến mới. Huyện cũng vừa làm lễ khởi công xây dựng tuyến đường nội thị dài 7 km, rộng 27m, có dải phân cách đi qua 3 thị trấn: Thổ Tang, Vĩnh Tường và Tứ Trưng. Giao thông nông thôn của Vĩnh Tường không chỉ dừng lại ở những con đường bê tông liên thôn liên xã, đến từng ngõ xóm và hộ gia đình, mà còn gắn với quy hoạch đồng ruộng bằng những mét đường được cứng hóa ra tận nơi trồng trọt.

Cùng với việc xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn, các công trình hạ tầng khác của Vĩnh Tường như: Trụ sở làm việc của các cơ quan huyện, trụ sở xã; trường học, trạm y tế, trạm biến áp, nhà văn hóa thôn… cũng được đầu tư, triển khai đồng bộ. Hiện 100% số cơ quan, trường học trong huyện và 29/29 xã thị trấn đã có trụ sở và phòng học cao tầng; điện lưới đã đến được từng hộ gia đình; trên 80% số thôn có nhà văn hóa, cả huyện có 5 sân vận động… Bên cạnh sự đầu tư lớn, xây dựng với tốc độ nhanh, song với yêu cầu phát triển của một huyện lớn, Vĩnh Tường vẫn đang gặp phải những khó khăn nhất định. Việc mở rộng các tuyến đường giao thông ở các xã, thị trấn chưa thực hiện đúng tiến độ do việc đền bù giải phóng mặt bằng; các công trình đều do dân tự làm nên không có hồ sơ thiết kế, dự toán được duyệt, dẫn đến khó khăn cho việc thi công và thanh quyết toán; trình tự, thủ tục lập dự án và chính sách đền bù giải phóng mặt bằng chưa cập với tình hình thực tế; việc hỗ trợ vốn chưa kịp thời làm chậm tiến độ thực hiện dự án… là những vướng mắc cơ bản, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thực hiện xây dựng hạ tầng giao thông nông thôn giai đoạn từ nay đến 2010 và những năm tiếp theo. Trong giải pháp thực hiện của mình, Vĩnh Tường nêu cao quyết tâm thực hiện tốt mục tiêu đề án trên cơ sở bám sát các Nghị quyết của tỉnh, của huyện để chỉ đạo, điều hành; đặc biệt là việc kết hợp sức dân, phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân theo tinh thần “xã hội hóa” và sự đoàn kết, đồng lòng giữa Đảng với dân.

  VPOL
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:84121
Lượt truy cập: 177.729.488