Vĩnh Phúc: Phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại

Thứ tư, 28/08/2019 14:49

Xác định phát triển hạ tầng giao thông để “đi tắt đón đầu”, tạo tiền đề thu hút đầu tư, phát triển kinh tế- xã hội, những năm qua, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc, hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh được đầu tư, xây dựng tương đối hiện đại, đồng bộ, phát huy thế mạnh của địa phương, đáp ứng nhu cầu vận tải, đi lại của nhân dân.

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 2B đoạn từ cầu Chân Suối đi khu du lịch Tam Đảo 1
sau khi hoàn thành sẽ tạo thuận lợi du lịch phát triển

Nằm trên vùng chuyển tiếp giữa đồng bằng sông Hồng, trung du và miền núi Bắc Bộ, Vĩnh Phúc có 3 vùng sinh thái rõ rệt (đồng bằng, trung du, miền núi), có đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai và tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai đi qua, liền kề Cảng hàng không quốc tế Nội Bài… tạo điều kiện thuận lợi trong phát triển, thu hút đầu tư.

Phát huy thế mạnh của địa phương, ngành giao thông vận tải (GTVT) đã hoàn thành xây dựng Quy hoạch GTVT đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng các chương trình mục tiêu và đề án cụ thể cho từng giai đoạn, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Quy hoạch các tuyến xe buýt giai đoạn 2007 - 2010, định hướng tới năm 2020; Quy hoạch hệ thống điểm đỗ xe buýt, xe taxi, bến xe khách và điểm đỗ xe tĩnh; Đề án Phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 2009 - 2015 và giai đoạn 2016 - 2020; Đề án cứng hóa đường trục chính giao thông nội đồng giai đoạn 2011 - 2020…

Đến nay, nhiều công trình giao thông quan trọng được đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, góp phần đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn như: Đường Vành đai 3 trong quy hoạch phát triển GTVT tỉnh Vĩnh Phúc, Đường tỉnh (ĐT) 310, đường Hợp Châu - Đồng Tĩnh, đường Hợp Thịnh - Đạo Tú, các tuyến đường đến trung tâm huyện, xã đều được đầu tư cải tạo, nâng cấp theo quy hoạch; các tuyến đường giao thông nông thôn, đường trục chính giao thông nội đồng được hỗ trợ kinh phí theo nghị quyết của HĐND tỉnh khi xây dựng cứng hóa mặt đường.

Nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh đã có tác dụng “kích cầu” cho phong trào xây dựng giao thông nông thôn, cứng hóa đường giao thông nội đồng, tạo động lực phát triển đồng đều ở tất cả các huyện, kể cả những huyện miền núi khó khăn, góp phần đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu về xây dựng giao thông nông thôn trên cả nước. Công tác quản lý, bảo trì, bảo dưỡng đường bộ được quan tâm chỉ đạo sát sao, tập trung đổi mới toàn diện.

Những ngày này, có mặt tại công trình cầu Phú Hậu, chúng tôi cảm nhận được niềm vui, tự hào của người dân khi đi trên cây cầu. Chị Nguyễn Thị Vân, xã Bồ Sao cho biết: Do công việc kinh doanh nên tôi thường xuyên sang huyện Sông Lô, Lập Thạch lấy hàng về bán. Trước đây, để tránh trơn trượt khi lên xuống phà, tôi phải vòng lên tận cầu Gạo để sang các huyện bên nên mất rất nhiều thời gian. Từ khi cầu Phú Hậu đưa vào sử dụng không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của người dân trên địa bàn mà còn tạo điều kiện cho người dân tích cực giao lưu, buôn bán, phát triển kinh tế.

Dự án Cầu Phú Hậu có tổng mức đầu tư trên 241 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh. Công trình cầu Phú Hậu có chiều dài 250m, gồm 6 nhịp dầm và được xây dựng bằng bê tông cốt thép, bê tông cốt thép dự ứng lực; kết nối tuyến đường nút giao Văn Quán - cầu Phú Hậu - Quốc lộ 2A - Việt Trì, kết nối giao thông giữa các huyện Lập Thạch, Sông Lô, Vĩnh Tường với thành phố Việt Trì (Phú Thọ), các tỉnh, địa phương lân cận thông qua tuyến Quốc lộ 2, Quốc lộ 2C và đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Theo kế hoạch năm 2019, ngành GTVT được UBND tỉnh giao 638 tỷ đồng cho 27 công trình; giải ngân đến ngày 15/8/2019 đạt 223 tỷ đồng. Với mục tiêu đảm bảo phát triển bền vững, tạo khâu đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thời gian tới, ngành giao thông vận tải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch GTVT theo hướng đồng bộ, hiện đại trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Khẩn trương triển khai dự án khởi công mới trong kế hoạch được giao năm 2019, như: Cầu vượt đường sắt đường Hợp Thịnh - Đạo Tú (1/2 bên trái tuyến); cải tạo, sửa chữa đảm bảo ATGT ĐT302C, đoạn từ Km4+00 - Km10+00; cải tạo, nâng cấp ĐT307 từ trung tâm thị trấn Lập Thạch đến Tuyên Quang, đoạn từ Km16+500 đến Km26+140.

Tập trung triển khai các dự án mang tính đột phá, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu du lịch trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, hoàn thiện hạ tầng khung đô thị tiến tới xây dựng thành phố Vĩnh Phúc, nổi bật là các dự án: Đường vành đai 3 trong quy hoạch phát triển GTVT; đường từ khu danh thắng Tây Thiên đến khu du lịch Bến Tắm; đường từ ĐT302 vào Đền Thõng, khu danh thắng Tây Thiên... Lựa chọn các nhà thầu thi công đủ năng lực, uy tín để thực hiện các dự án giao thông, đặc biệt là các công trình trọng điểm. Chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh tích cực phối hợp với chính quyền địa phương có dự án giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc về mặt bằng thi công để bàn giao cho nhà thầu thi công đảm bảo tiến độ. Kiên quyết xử lý các nhà thầu năng lực yếu kém...

Nguồn: Báo Vĩnh Phúc

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:240649
Lượt truy cập: 176.739.418