Cảng tổng hợp quốc tế Nghi Sơn
Hiện nay hệ thống cảng biển trên địa bàn tỉnh thuộc nhóm cảng biển Bắc Trung bộ (nhóm 2); gồm các cảng Nghi Sơn, Lễ Môn, Quảng Châu, Quảng Nham. Theo quy hoạch được Bộ GTVT phê duyệt tại Quyết định số 2368/QĐ-GTVT ngày 29/7/2016, giai đoạn 2020 - 2030, Cảng Nghi Sơn là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực loại I, tiếp nhận tàu đến 50.000 DWT (riêng khu bến đảo Hòn Mê tiếp nhận tàu đến 400.000 DWT). Lượng hàng hóa thông qua cảng dự kiến năm 2020 đạt khoảng 38,7 triệu tấn/năm, năm 2030 khoảng 65,6 triệu tấn/năm. Cảng biển Nghi Sơn được đầu tư xây dựng bến số 1 vào năm 2001 cho tàu 10.000 DWT và tiếp tục đầu tư bến số 2 vào năm 2004 cho tàu 30.000 DWT, với tổng mức đầu tư 2 bến khoảng 500 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh.
Ngoài ra, để kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng các bến cảng Nghi Sơn theo quy hoạch, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng một số công trình hạ tầng công cộng, gồm: Nạo vét 4,6 km luồng tàu, xây dựng đê chắn sóng, đê chắn cát... Hiện nay, Cảng Nghi Sơn đang hoạt động với 8 cảng tổng hợp, 2 cầu cảng chuyên dùng xi măng, 2 cầu cảng chuyên dùng nhiệt điện và khu cầu cảng phục vụ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, đáp ứng cho tàu có trọng tải đến 70.000DWT giảm tải ra, vào; khối lượng hàng hóa thông qua cảng liên tục tăng, năm sau tăng hơn năm trước... Các cảng, như: Lễ Môn, phường Quảng Hưng, TP Thanh Hóa; cảng Quảng Châu, phường Quảng Châu, TP Sầm Sơn (dọc trên sông Mã, cách Cảng Lễ Môn khoảng 7km về phía hạ lưu); cảng Quảng Nham, xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương, gần khu vực cửa sông Ghép và là các bến cảng tổng hợp địa phương loại 2, tiếp nhận tàu tải trọng đến 1.000DWT... Có thể nói, đây là lợi thế về mặt định hướng phát triển của hệ thống cảng biển tỉnh Thanh Hóa và là tiền đề để kêu gọi, thu hút đầu tư.
Mặt khác, với lợi thế có đường bờ biển dài 102km, gồm 5 cửa lạch, phân bố đồng đều ở các huyện, thành phố ven biển, tạo thành hệ thống giao thông sông - biển, rất thuận tiện cho các loại phương tiện ra vào hoạt động, đa dạng các loại hình vận tải... Nhất là cảng biển Nghi Sơn thuộc KKTNS - là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, trọng tâm là công nghiệp nặng, là nơi hình thành các sản phẩm mũi nhọn, có chất lượng và khả năng cạnh tranh cao, như: Dầu khí, xi măng, điện, thép...
Theo điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng KKTNS, tỉnh Thanh Hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hệ thống cảng biển Nghi Sơn được quy hoạch tổng cộng 62 bến (trong đó, 12 bến container, 20 bến tổng hợp, còn lại là các bến và khu bến chuyên dùng). Hiện nay, cảng biển Nghi Sơn đã có 19 bến đi vào hoạt động; trong đó, 2 cầu cảng tổng hợp và khu hậu cần cảng của Công ty CP Cảng dịch vụ dầu khí tổng hợp PTSC Thanh Hóa, có khả năng tiếp nhận tàu 70.000 DWT, 3 cầu cảng tổng hợp của Công ty CP Đầu tư khoáng sản Đại Dương có khả năng tiếp nhận tàu chở hàng tổng hợp có trọng tải đến 60.000 DWT, 4 cầu cảng tổng hợp quốc tế của Công ty CP Gang thép Nghi Sơn có thể tiếp nhận và cung cấp dịch vụ cho các tàu container có sức chở đến 3.500 TEU (tương đương trọng tải 30.000 - 40.000 DWT). Với những lợi thế, tiềm năng phát triển tại khu vực này và được sự ủng hộ của tỉnh Thanh Hóa, Tập đoàn CMA CGM của Pháp, một hãng tàu vận tải container lớn thứ 3 thế giới đã quyết định mở tuyến vận tải container quốc tế đến Nghi Sơn.
Trong những năm qua, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, hệ thống cảng biển Thanh Hóa từng bước được đầu tư đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó, hiện nay, việc cung ứng dịch vụ hoa tiêu hàng hải tại khu vực tỉnh Thanh Hóa do Công ty Hoa Tiêu hàng hải khu vực IV (đóng trên địa bàn tỉnh Nghệ An) bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc đảm nhiệm trên vùng cảng biển tương đối rộng từ tỉnh Thanh Hóa đến tỉnh Quảng Trị, nên tính chủ động trong việc thực hiện dịch vụ hoa tiêu hàng hải vùng cảng biển tỉnh Thanh Hóa chưa cao.
Hiện nay tại cảng biển Nghi Sơn chưa có cảng container chuyên dùng để thu hút hàng container trong tỉnh cũng như các tỉnh trong vùng, như: Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh... và thực tế đang sử dụng các cầu cảng tổng hợp đã được Bộ GTVT bổ sung công năng để khai thác hàng container. Chưa thu hút được nhiều hãng tàu container quốc tế vào Nghi Sơn hoạt động thường xuyên với tần suất lớn. Hệ thống giao thông kết nối đưa hàng hóa khỏi cảng biển phụ thuộc nhiều vào đường bộ, chưa tận dụng hết lợi thế của các phương thức vận tải khác. Hạ tầng cảng, hạ tầng giao thông kết nối với cảng chưa được đầu tư theo quy hoạch, như: Nạo vét luồng tàu..., tuyến đường sắt kết nối từ đường sắt Bắc – Nam xuống Cảng Nghi Sơn.
Đại diện lãnh đạo Sở GTVT, cho biết: Để phát triển hệ thống cảng biển trên địa bàn tỉnh, các chủ đầu tư đang tập trung đôn đốc, tạo điều kiện thuận lợi để nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cảng biển nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống cảng biển theo quy hoạch đã được Bộ GTVT phê duyệt. Đồng thời, nâng cao năng lực khai thác các cảng Nghi Sơn, Lễ Môn và kêu gọi đầu tư xây dựng cảng Quảng Châu. Tiếp tục thu hút đầu tư phát triển dịch vụ cảng biển, logistics trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các hãng vận tải lớn, các doanh nghiệp logistics trong và nước ngoài có năng lực, uy tín thành lập trụ sở, mở chi nhánh tại tỉnh Thanh Hóa. Làm việc với các doanh nghiệp thực hiện xuất, nhập khẩu hàng hóa qua Cảng Nghi Sơn và thực hiện đầu tư các dự án phát triển dịch vụ logistics trong KKTNS.