Hàng hải nhìn lại 25 năm thực thi Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982

Thứ ba, 10/09/2019 16:24

Sáng 11/9, Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức Hội nghị chuyên đề “25 năm thực thi Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982” với sự tham gia thuyết trình của PGS.TS. Nguyễn Hồng Thao, Phó Chủ tịch thứ hai của Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên Hợp quốc - chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực luật pháp quốc tế, luật biển và phân định biên giới biển.

Đây là hoạt động nhằm thực hiện Kế hoạch tuyên truyền biển, đảo năm 2019 của Cục Hàng hải Việt Nam; nhân kỷ niệm 25 năm ngày Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 có hiệu lực.

Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Bùi Thiên Thu Phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Bùi Thiên Thu cho biết, vùng biển Việt Nam có diện tích rộng lớn với trên 1 triệu km2, gấp hơn 3 lần diện tích đất liền, nằm trên con đường hàng hải huyết mạch của thế giới với tiềm năng tài nguyên và cảnh quan dồi dào. Vì vậy, nhận thức rõ tầm quan trọng của biển, Việt Nam đã tích cực tham gia vào quá trình thương lượng xây dựng Công ước Luật Biển năm 1982 và có nhiều nỗ lực trong việc thực thi Công ước; là một trong 107 quốc gia ký Công ước tại Montego Bay, Jamaica ngay sau khi văn kiện này được mở ký và là một trong những quốc gia phê chuẩn sớm, trước khi Công ước có hiệu lực. Phù hợp với các quy định của Công ước Luật Biển 1982, Việt Nam đã ban hành Luật Biển Việt Nam năm 2012 nhằm thống nhất quản lý việc hoạch định, sử dụng, thăm dò, khai thác tài nguyên biển và quản lý các vùng biển, thềm lục địa, hải đảo của Việt Nam, cũng như việc giải quyết tranh chấp trên biển giữa Việt Nam và các nước láng giềng. Đây được coi là bước tiến quan trọng trong việc chuyển hóa các quy định của Công ước Luật Biển vào hệ thống pháp luật trong nước, tạo thuận lợi cho việc quản lý thống nhất về biển và phát triển kinh tế biển Việt Nam. Cùng với Luật Biển năm 2012, Việt Nam đã xây dựng hành lang pháp lý khá đầy đủ và đồng bộ trong lĩnh vực hàng hải gồm Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

"Nghị quyết còn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và chủ trương giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ cũng như các bất đồng khác liên quan đến vấn đề Biển Đông thông qua thương lượng hòa bình, trên tinh thần bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tôn trọng pháp luật quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển 1982”, Phó Cục trưởng Bùi Thiên Thu nói và cho biết thêm vùng biển Việt Nam nằm trên con đường hàng hải huyết mạch của thế giới.

Biển Việt Nam có tính đa dạng về cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên biển và tiềm năng phát triển các lĩnh vực kinh tế biển, đảo. Vì vậy, Ðảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phát triển các lĩnh vực liên quan đến biển, đảo như Nghị quyết số 09/NQ-TW về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Nghị quyết số 36-NQ/TW về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thể hiện quyết tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước ta trong việc phát triển bền vững kinh tế biển, đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh.

Những năm qua, công tác tuyên truyền biển, đảo đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò chiến lược của biển, đảo trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước”, Phó cục trưởng Bùi Thiên Thu nói và cho biết thêm, các Hội nghị tuyên truyền về biển, đảo tại Cục Hàng hải Việt Nam đã, đang và tiếp tục có tác động lớn đến tư tưởng, tình cảm, đạo đức, lối sống và việc nghiên cứu học tập nâng cao trình độ nhận thức, thực hiện nhiệm vụ chính trị của cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, đoàn viên tại cơ quan, góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, tình yêu quê hương, đất nước, biểu thị ý chí về chủ quyền Tổ quốc của mỗi cá nhân.

Phó Trưởng phòng Pháp chế Đặng Thanh Hà cho biết đây là hoạt động nhằm thực hiện
Kế hoạch tuyên truyền biển, đảo năm 2019 của Cục HHVN

Trình bày tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Hồng Thao, Phó Chủ tịch thứ hai của Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên Hợp quốc cho biết, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 được coi như “Hiến pháp về biển và đại dương” gồm 17 phần, 320 điều và 9 phụ lục được thông qua ngày 30/4/1982 đánh dấu kết quả 9 năm đàm phán của Hội nghị Luật Biển lần thứ 3 của Liên hợp quốc.

PGS.TS Nguyễn Hồng Thao trình bày về Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982

Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (United Nations Convention on the Law of the Sea hay UNCLOS -1982) được thông qua ngày 30/4/1982 đánh dấu kết quả 9 năm đàm phán của Hội nghị Luật Biển lần thứ 3 của Liên hợp quốc, từ năm 1973 đến năm 1982, nhằm xây dựng một văn kiện pháp lý quốc tế mới về biển và đại dương, phù hợp với lợi ích chung của các quốc gia. “Công ước ra đời đánh dấu sự hình thành một khuôn khổ pháp lý quốc tế toàn diện điều chỉnh quyền và nghĩa vụ của tất cả các quốc gia trong sử dụng biển, quản lý các nguồn tài nguyên biển, cơ chế giải quyết các tranh chấp, bảo vệ đa dạng sinh học nằm ngoài quyền tài phán quốc gia,…”, PGS.TS Nguyễn Hồng Thao nói.

H.N

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)
  
Khách online:233495
Lượt truy cập: 176.381.816