Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể và các đại biểu cắt băng thông xe kỹ thuật
cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (đoạn Bắc Giang - Chi Lăng)
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tuyên bố thông xe kỹ thuật cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (đoạn Bắc Giang - Chi Lăng) ; các đồng chí đại diện lãnh đạo Đảng, Chính phủ, các Bộ, ban ngành của Trung ương và địa phương cùng tham dự sự kiện.
Về phía Bộ GTVT có Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, cùng các đồng chí lãnh đạo các cơ quan ban ngành của Bộ GTVT cùng dự Lễ.
Các đại biểu cùng tham dự buổi Lễ
Tại buổi Lễ, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch doanh nghiệp dự án, đại diện Tập đoàn Đèo Cả cho biết, cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn (đoạn tuyến Bắc Giang – Chi Lăng”) có tổng chiều dài gần 64km, bề rộng 25m, bao gồm 4 làn xe và 2 làn dừng xe khẩn cấp với vận tốc thiết kế 100 km/giờ đã hoàn thành, chính thức thông xe đưa vào sử dụng sau hơn 2 năm triển khai xây dựng.
Dự án do Công ty Cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn thực hiện, bao gồm 02 hợp phần: Hợp phần QL1 (tăng cường mặt đường QL1 đoạn Km1+800 - Km106+500) với tổng chiều dài khoảng 110km; Hợp phần cao tốc (tuyến cao tốc Bắc Giang - TP. Lạng Sơn đoạn Km45+100 - Km108+500). Tổng mức đầu tư toàn Dự án 12.189 tỷ đồng.
Dự án được khởi công từ năm 2015, tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khó khăn khách quan và chủ quan nên đã bị chậm tiến độ gần 2 năm. Mặc dù vậy, ngay sau khi tiếp quản Dự án, Tập đoàn Đèo Cả đã chỉ đạo các Nhà thầu mạnh tiếp cứu đến nay Dự án đã hoàn thành tạo niềm tin cho người dân.
Trước đây hơn 1 năm - từ tháng 03/2018, hợp phần Quốc lộ 1 đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng giúp nâng cao năng lực vận tải, giảm thiểu tai nạn giao thông, đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến QL1 đoạn qua địa bàn hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn. Đến nay, hợp phần cao tốc đã hoàn thành, không chỉ bù đắp lại tiến độ bị chậm hơn 2 năm trước đây mà còn về đích sớm hơn so với kế hoạch được Bộ GTVT phê duyệt.
Dự án đã “cán đích” nhờ được sự quan tâm, hỗ trợ Chính quyền các địa phương, sự ủng hộ của nhân dân hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn khi thực hiện việc GPMB, nó mở ra kỳ vọng mới về một cung đường hiện đại phục vụ dân sinh và đóng vai trò động lực thúc đẩy phát triển Kinh tế - Xã hội không chỉ riêng đối với Lạng Sơn, Bắc Giang.
"Đồng thời việc này cũng khẳng định năng lực, kinh nghiệm của các Nhà thầu, Nhà đầu tư trong nước nếu có sự phối hợp nhịp nhàng của Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền là địa phương khi giải quyết các vướng mắc của Dự án là kịp thời sẽ quyết định về chất lượng, tiến độ", ông Hồ Minh Hoàng khẳng định.
Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng khẳng định, sự kiện thông xe kỹ thuật đoạn tuyến Bắc Giang – Chi Lăng thuộc Dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn là tin vui với Ngành GTVT nói chung và nhân dân cả nước cũng như nhân dân các dân tộc 2 tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội cùng các bộ ngành, nhất là Bộ GTVT đã có nhiều cố gắng để xây dựng cơ chế, huy động nguồn lực phát triển hệ thống đường bộ nói chung, đạt nhiều kết quả quan trọng.
“Trong đó chúng ta đã đưa vào sử dụng khoảng 1000km, đang triển khai khoảng gần 1000km, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển KTXH, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia Việt Nam”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Đối với cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là trục giao thông cực kỳ quan trọng, là cửa ngõ giao thương lớn nhất khu vực miền Bắc, thậm chí cho cả nước. Đây cũng là nhánh cao tốc trong Dự án cao tốc Bắc Nam, nhánh Đông, từ Bắc vào Nam, có tốc độ cao phục vụ nhu cầu giao thông lớn của cả nước. Bắc Giang Lạng Sơn cũng là một trong 7 tuyến cao tốc xuyên tâm từ Hà Nội vươn tới các tỉnh, khu vực trong cả nước. Do vậy, sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, tuyến đường có vai trò đặc biệt quan trọng đảm bảo an ninh quốc phòng, thúc đẩy giao thương hàng hoá, thúc đẩy du lịch dịch vụ …trong cả nước.
Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, trong quá trình thực hiện Dự án đã gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau khi chuyển cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, cùng với sự cố gắng nỗ lực của chính quyền địa phương 2 tỉnh, sự nỗ lực đồng hành của Bộ GTVT, và nhà đầu tư, Dự án đã được nhanh chóng triển khai và cơ bản hoàn thành sau 2 năm khởi động lại.
“Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tôi ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực cố gắng của chính quyền địa phưng 2 tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn trong triển khai dự án, nhất là công tác giải phóng mặt bằng; Bộ GTVT đã vào cuộc đồng hành cùng nhà đầu tư, nhà thầu; đội ngũ tư vấn…”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định.
Để dự án đạt hiệu quả cao, Phó Thủ tướng yêu cầu: Chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các hạng mục còn lại trên tuyến theo đúng quy định; Hoàn thiện công trình đảm bảo hệ thống cảnh báo an toàn giao thông, phải là công trình đảm bảo chất lượng, thời gian và là công trình đẹp về thẩm mỹ.
Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có ý nghĩa lớn tới phát triển các tỉnh phía Bắc và cả nước
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bắc Giang và Lạng Sơn có quy hoạch tổng thể, điều chỉnh quy hoạch và có kế hoạch khai thác hiệu quả tuyến đường và đảm bảo ATGT.
“Các địa phương và Bộ GTVT phải có phương án rà soát, nắm bắt, tạo giao thông kết nối khu vực, nhằm khai thác hiệu quả cao nhất”, Phó Thủ tướng chỉ rõ đồng thời yêu cầu Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan chức năng đảm bảo TTATGT trong giai đoạn thi công cũng như khi đưa vào khai thác cho người và phương tiện.
Tại Lễ thông xe, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhấn mạnh, cung đường cao tốc từ thủ đô Hà Nội đi Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng là tiền đề mở rộng cánh cửa giao thương giữa Việt Nam – các nước ASEAN, tạo nên sự đột phá trong phát triển Kinh tế - Xã hội, hợp tác an ninh, quốc phòng, khẳng định chủ quyền lãnh thổ và chứng minh năng lực hội nhập đóng góp phát triển kinh tế cho cộng đồng các quốc gia trong khu vực của Việt Nam cần được các bên quan tâm để sớm hoàn thành. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT sớm làm việc với các cơ quan, địa phương để tiếp tục có phương án triển khai cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, kết nối Lạng Sơn - Cao Bằng, mở cánh cửa cung đường tương lai phía Đông Bắc Tổ quốc.
Lâm Hoài