Để góp phần kéo giảm tai nạn giao thông, đạt mục tiêu 3 giảm, thời gian qua, ngành Giao thông vận tải Vĩnh Phúc đã triển khai nhiều biện pháp, trong đó có việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe.
Là một trong những đơn vị dẫn đầu về chất lượng đào tạo, thu hút trên 6.800 học viên đăng ký mỗi năm, 10 năm qua, Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe Hùng Vương đã không ngừng đổi mới phương pháp dạy cả lý thuyết và thực hành cũng như thường xuyên đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất theo hướng hiện đại, đáp ứng tốt các quy chuẩn về đào tạo, sát hạch lái xe của Bộ Giao thông vận tải.
Sân tập, sát hạch lái xe của Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe Hùng Vương đáp ứng tốt các quy chuẩn của Bộ Giao thông vận tải
Ông Vũ Văn Tứ, Giám đốc Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe Hùng Vương cho biết, Trung tâm đang đào tạo, sát hạch lái xe ô tô các hạng B1, B2 và C, với 3 phòng học pháp luật giao thông đường bộ, 3 phòng kỹ thuật lái xe, 1 phòng nghiệp vụ vận tải, 1 xưởng bảo dưỡng sửa chữa và 376 cán bộ, giáo viên, 246 xe tập lái. Để cạnh tranh và thu hút được học viên trong và ngoài tỉnh, những năm gần đây, mặc dù chưa xây dựng được giáo trình đào tạo riêng nhưng Trung tâm đã có những đổi mới về thời gian, chương trình đào tạo cho phù hợp với trình độ, đối tượng học viên. Cụ thể, Trung tâm đang áp dụng 556 giờ cho khóa đào tạo lái xe hạng B1, 588 giờ cho hạng B2, 920 giờ hạng C, trong đó, giờ thực hành chiếm từ 84 đến 94 giờ. Cùng với tăng thời gian thực hành, Trung tâm rất chú trọng đến giáo dục đạo đức, văn hóa giao thông, kỹ thuật lái xe khi tham gia giao thông. Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm đã đào tạo trên 20.332 học viên, cấp trên 17.600 chứng chỉ, trên 15.500 giấy phép lái xe các hạng.
Theo ông Tứ, để nâng cao trách nhiệm, chất lượng trong đào tạo, sát hạch lái xe, Trung tâm đã đầu tư lắp đặt hệ thống chấm điểm tự động trên sân, xe ô tô từ hạng B1 đến hạng C; lắp đặt hệ thống camera, thiết bị lưu trữ hình ảnh, âm thanh trên ôtô sát hạch kết nối với các màn hình theo dõi để công khai quá trình và kết quả sát hạch lái xe nhằm ngăn chặn việc thi hộ, đánh tráo thí sinh. Khi thi sát hạch trên mô hình, đường trường, camera sẽ tự động chụp hình thí sinh đang ngồi trên xe và các dữ liệu về thí sinh tham gia thi sát hạch được lưu trữ lâu dài nhằm phục vụ quá trình hậu kiểm. Các giáo viên cam kết không cắt bớt thời gian đào tạo, rút ngắn số giờ hoặc ki lômét trong phần học thực hành.
Còn tại Trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe Hoàng Hoa, xã Hoàng Hoa, huyện Tam Dương, sau 9 năm đi vào hoạt động, Trung tâm cũng không ngừng đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, đáp ứng tốt các quy chuẩn đào tạo, sát hạch với khoảng 1.500 học viên tốt nghiệp các khóa đào tạo lái xe ô tô mỗi năm.
Hiện Trung tâm có 50 xe ô tô, 50 bộ máy tính, 2 phòng học chuyện môn, với 70 cán bộ, giáo viên giảng dạy. Các phòng học lý thuyết của Trung tâm đều sử dụng giáo án điện tử hiện đại; khu học thực hành có đủ các mô hình, hệ thống biển báo theo quy định.
Đặc biệt để chống mọi biểu hiện tiêu cực trong công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, Trung tâm đã đầu tư lắp đặt hệ thống chấm điểm tự động, camera giám sát, truyền tin về phòng hội đồng và công khai sát hạch lý thuyết, sát hạch thực tế và lưu trữ hình ảnh sát hạch.
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Vĩnh Phúc, hiện toàn tỉnh có 13 cơ sở đào tạo lái xe ô tô, mô tô; 5 trung tâm sát hạch lái xe ô tô các hạng và 6 sân sát hạch lái xe mô tô. Tính từ năm 2016 đến tháng 7/2019, Sở Giao thông vận tải đã tổ chức 234 kỳ sát hạch ô tô, 821 kỳ sát hạch mô tô, cấp gần 143.200 giấy phép lái xe, trong đó cấp đổi 200 giấy phép lái xe cho người nước ngoài.
Với quan điểm nâng cao trách nhiệm và chất lượng trong đào tạo, sát hạch lái xe sẽ góp phần xây dựng văn hóa giao thông, Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo các cơ sở đào tạo, các trung tâm sát hạch lái xe đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng được các quy định về tiêu chuẩn cơ sở đào tạo; các phòng học bảo đảm đủ tiêu chuẩn về diện tích, bàn ghế, quạt máy, thông gió, ánh sáng, trang bị hình ảnh minh họa, mô hình học cụ, sa hình để hướng dẫn cho học viên. Cùng với đó, toàn bộ quá trình thi, từ thi lý thuyết, thực hành trong sân sát hạch và thực hành trên 2km đường giao thông công cộng được tự động hóa. Tất cả quá trình sát hạch và kết quả sát hạch của từng thí sinh được công khai trên màn hình đặt tại phòng hội đồng thi và phòng chờ của thí sinh để mọi người theo dõi, giám sát.
Trong thời gian tới, Sở Giao thông vận tải Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ sở đào tạo, Trung tâm sát hạch lái xe thường xuyên kiểm tra, duy trì điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, công tác phục vụ đảm bảo các điều kiện theo quy định. Quán triệt cho các học viên biết quy định mới của Bộ Giao thông vận tải khi tham gia dự sát hạch lái xe. Đồng thời tiếp tục tăng cường kiểm tra định kỳ và đột xuất, nhất là việc tổ chức các kỳ thi nhằm đảm chất lượng, công bằng, khách quan trong công tác đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe.