Thêm những cây cầu mới kết nối giao thông
Sau khi hoàn thành việc xây dựng đề án và tiến hành sắp xếp 9 đơn vị hành chính cấp xã, ngày 1/10 vừa qua, Thường trực Tỉnh ủy đã nghe UBND tỉnh báo cáo Đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện đầu tiên của tỉnh, sáp nhập TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ. Đơn vị hành chính mới là TP Hạ Long, đây sẽ là đô thị lớn nhất cả nước về diện tích tự nhiên, số đơn vị hành chính trực thuộc, góp phần tạo động lực mới, mở ra không gian phát triển, tăng cường khả năng liên kết vùng.
Bản đồ quy hoạch vị trí dự kiến xây dựng các cầu Cửa Lục.
Trong giai đoạn hiện tại, song song với việc triển khai các công tác chuẩn bị cho sáp nhập, Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch đầu tư các hạ tầng giao thông kết nối giữa khu vực TP Hạ Long, Hoành Bồ đó là cầu Cửa Lục 1, 2 và 3. Các dự án cầu này không chỉ đảm bảo kết nối thuận lợi giữa hai khu vực sau khi sáp nhập, mà còn giảm tải cho cầu Bãi Cháy, cầu Bang.
Trong đó, dự án cầu Cửa Lục 1 và đường dẫn có chiều dài 4,2km, điểm đầu đấu nối tuyến đường kết nối khu công nghiệp Cái Lân - Việt Hưng và điểm cuối là nút giao Trới - Vũ Oai thuộc xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ. Cầu được thiết kế bê tông cốt thép dự ứng lực với 6 làn xe cơ giới, rộng 27m, dài 646,7m, tĩnh không thông thuyền 40m. Chiều dài còn lại là đường dẫn đồng bộ 6 làn xe trên toàn tuyến. Dự án có tổng mức đầu tư gần 2.300 tỷ đồng, thực hiện bằng ngân sách tỉnh.
Dự án cầu Cửa Lục 3 và đường dẫn có chiều dài 2,4km, thiết kế 6 làn xe. Điểm đầu đấu nối tuyến đường trục chính khu Đô thị FLC tại phường Hà Khánh, TP Hạ Long, điểm cuối giao với QL279, thuộc địa phận xã Thống Nhất, huyện Hoành Bồ. Trong đó, hạng mục cầu rộng 27m, dài 646,7m, tĩnh không thông thuyền 40m.
Riêng dự án cầu Cửa Lục 2 và đường dẫn dài 3.528m sẽ phải cân đối phương án thiết kế để phù hợp với việc ra vào khu neo đậu, sửa chữa tàu thuyền của Công ty Đóng tàu Hạ Long.
Việc triển khai các cầu kết nối 2 khu vực của TP Hạ Long sau khi sáp nhập sẽ góp phần hoàn chỉnh thêm tuyến đường vượt sông Trới, sông Diễn Vọng ngang qua Vịnh Cửa Lục, đáp ứng yêu cầu đi lại của nhân dân. Đồng thời, mở rộng không gian phát triển đô thị về phía Bắc TP Hạ Long, đánh thức tiềm năng về không gian quỹ đất rộng lớn. Bên cạnh đó là phá thế độc đạo của cầu Bãi Cháy và cầu Bang hiện nay, đảm bảo giao thông thông suốt kể cả khi mưa bão. Các công trình cầu là nhịp nối cho khu du lịch của Thành phố, gắn kết giữa sản phẩm du lịch biển Vịnh Hạ Long với du lịch núi rừng của Hoành Bồ.
Được biết, hiện công tác chuẩn bị đầu tư đang được tỉnh khẩn trương thực hiện. Các địa phương là TP Hạ Long và huyện Hoành Bồ đang tiến hành rà soát, quản lý chặt chẽ quỹ đất trong quy hoạch, dự kiến sẽ khởi công dự án vào quý II/2020 và hoàn thành năm 2021, là công trình trọng điểm chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh.
Đường ven sông, động lực cho khu vực miền Tây
Với hạ tầng giao thông mới là tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn, đường 10 làn xe nối cao tốc với TP Hạ Long đã hoàn thành đầu tư và đưa vào khai thác và sắp tới là cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đã tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế, kết nối nhanh hơn khu vực trung tâm và miền Đông của tỉnh, mạng lưới giao thông theo quy hoạch đang dần được hoàn thiện. Tuy nhiên, tại khu vực miền Tây, gồm: Đông Triều, Uông Bí và Quảng Yên, giao thông trục chính vẫn là tuyến QL18 vốn đang chịu nhiều áp lực khi lượng phương tiện ngày một gia tăng. Nhu cầu cần có thêm tuyến đường kết nối mới đang trở thành cấp thiết để cải thiện giao thông liên kết vùng và mở rộng không gian phát triển.
Phối cảnh nút giao hoa thị Đầm Nhà Mạc,
nối tuyến đường ven sông với cao tốc Hạ Long - Hải Phòng.
Với tinh thần đó, trong kế hoạch triển khai các dự án giao thông mới, song song với việc triển khai các cầu Cửa Lục, Quảng Ninh tiếp tục nghiên cứu để đầu tư tuyến đường ven sông nối cao tốc Hạ Long - Hải Phòng với TX Đông Triều. Tuyến đường dài 47,5km, thiết kế 10 làn xe, tốc độ tối đa 100km/h (điểm đầu giao với cao tốc Hạ Long - Hải Phòng tại nút giao Đầm Nhà Mạc, điểm cuối đến khu vực cầu Triều, TX Đông Triều). Dự án dự kiến cũng sẽ triển khai vào quý II/2019 và hoàn thành vào năm 2021 với tổng vốn đầu tư gần 4.000 tỷ đồng.
Sau khi hoàn thành, tuyến đường có vai trò huyết mạch, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển cho toàn khu vực phía Tây, lực hút mới để tăng sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào các địa phương Uông Bí, Quảng Yên và Đông Triều. Đồng thời, có vai trò kết nối các khu công nghiệp lớn của khu vực như KCN Amata và KCN cảng biển Đầm Nhà Mạc; tăng tính liên kết mạnh mẽ hơn của tam giác Quảng Ninh - Hà Nội - Hải Phòng, Đồng bằng sông Hồng, Vùng duyên hải Bắc Bộ...
Các dự án hạ tầng giao thông được lựa chọn, phân kỳ đầu tư, đã đáp ứng kịp thời kế hoạch phát triển của tỉnh theo từng giai đoạn, tạo bứt phá mới; sẽ tạo nên một diện mạo mới cho hạ tầng giao thông Quảng Ninh theo hướng hiện đại - thuận lợi - hiệu quả và an toàn, đảm bảo kết nối nhanh hơn với khu vực và quốc tế.