Tuyến đường liên xã Phú Xuyên - Na Mao dài 1km, rộng 3,5m
vừa được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đại Từ cho biết: Những năm qua, việc phát triển, quản lý và bảo trì hệ thống giao thông luôn được huyện và các cơ quan chuyên môn quan tâm, chú trọng. Để có được mạng lưới giao thông như hiện nay, huyện đã phát huy và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ Trung ương, nguồn vốn ODA, chương trình 135, vốn nông thôn mới, vốn hỗ trợ xi măng của tỉnh và vốn do nhân dân đóng góp để đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông. Đến hết năm 2015, huyện Đại Từ có 17 tuyến đường huyện với tổng chiều dài 194km; trên 190 đường trục xã với tổng chiều dài trên 460km. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã huy động các nguồn vốn để triển khai thi công xây dựng mới, duy tu, sửa chữa được gần 80km đường do huyện quản lý với tổng mức đầu tư gần 86 tỷ đồng; xây mới và sửa chữa trên 370km đường trục xã, liên xóm với tổng mức đầu tư trên 401 tỷ đồng (trong đó, ngân sách cấp trên đầu tư gần 190 tỷ đồng, nguồn xi măng hỗ trợ theo Chương trình xây dựng nông thôn mới tương đương 186 tỷ đồng; nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn khác là trên 26 tỷ đồng).
Đến nay, 22/28 xã của huyện đã đạt tiêu chí giao thông theo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với các ngành của tỉnh thực hiện quản lý hành lang an toàn giao thông, giải phóng mặt bằng để nâng cấp đường theo quy hoạch, xây dựng hoàn thiện hệ thống rãnh dọc thoát nước đối với các tuyến Quốc lộ 37, ĐT261, ĐT263, ĐT264… Năm 2019, toàn huyện có trên 230km cầu, đường giao thông, ngầm tràn được đầu tư mới và duy tu sửa chữa, nâng cấp với tổng vốn đầu tư trên 560 tỷ đồng.
Bên cạnh việc thu hút các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và các nguồn vốn hỗ trợ, huyện còn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia đóng góp ngày công lao động, hiến đất, tài sản làm đường giao thông. Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện đã huy động được gần 50 nghìn ngày công lao động để làm mới, tu sửa các công trình giao thông đã xuống cấp; vận động được hàng trăm hộ hiến hàng chục nghìn mét vuông đất để mở đường mới. Điển hình về hiến đất làm đường có gia đình ông Lý Văn Thiệp, xã Văn Yên; bà Chu Thị Lương, xã Cù Vân; bà Trần Thị Bình, xã Lục Ba... Ông Đinh Văn Thành, xóm 5, xã Cù Vân chia sẻ: Bà con chúng tôi bảo nhau tự nguyện hiến đất. Mỗi khi nhà nước có chủ trương lấy đất làm đường, gia đình tôi đều nhất trí đem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ra xã để điều chỉnh. Từ năm 2013 đến nay, gia đình tôi đã hiến đất 2 lần, tổng diện tích đất hiến gần 900m2 cùng hơn 100m bờ kè đá phần đất ở của gia đình.
Cùng với nguồn hỗ trợ xi măng của tỉnh Thái Nguyên, huyện đã chủ động bố trí 3 tỷ đồng để mua xi măng hỗ trợ cho các xã nhằm hoàn thiện, phát triển hệ thống giao thông nông thôn, tạo điều kiện để các xã sớm hoàn thiện tiêu chí giao thông trong xây dựng nông thôn mới. Thực hiện sự chỉ đạo của huyện, phòng Kinh tế - Hạ tầng đã tiến hành khảo sát, thiết kế các tuyến đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện theo hình thức thiết kế đơn giản để tiết kiệm chi phí. Tính đến thời điểm này, Phòng đã thiết kế được trên 250km đường các loại, tiết kiệm được khoảng 40 tỷ đồng chi phí khảo sát, thiết kế.
Trước sự phát triển mạnh mẽ về cả số lượng và chất lượng của hệ thống giao thông trên địa bàn, từ năm 2011, các đề án: Phát triển và đảm bảo giao thông nông thôn giai đoạn 2011-2015; Phát triển, quản lý, bảo trì hệ thống giao thông giai đoạn 2016-2020 đã được huyện chủ động xây dựng và triển khai. Theo đó huyện phấn đấu đến hết năm 2020 sẽ xây dựng mới, cải tạo các tuyến đường tại 30 xã, thị trấn với tổng chiều dài gần 300km. Tổng mức đầu tư gần 170 tỷ đồng. Đến nay, huyện đã thi công mới và sửa chữa được 373km, vượt 25,49% so với mục tiêu Đề án. Các công trình giao thông nông thôn trên địa bàn huyện được đầu tư xây dựng đang ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nếu như trước đây, đường vào một số xã, đặc biệt là các xã nằm xa trung tâm huyện, xe máy đi còn khó thì nay ô tô đã vào tận các ngõ xóm. Nhờ đó, hàng hóa nông sản của bà con làm ra đã được thương nhân vào tận nhà thu mua. Ông Nguyễn Đình Xuân, Trưởng xóm Bẫu Châu, xã Lục Ba, cho biết: Xóm có 82/178 hộ dân tham gia hiến gần 6.000m2 đất để làm đường trục chính xóm. Bà con đều tự nguyện dùng máy ủi, máy xúc để san gạt, hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Đến nay, 95% các tuyến đường ở xóm đã được bê tông hóa. Có đường mới sạch sẽ, ai nấy đều phấn khởi, việc đi lại, buôn bán thuận tiện hơn rất nhiều.
Có thể thấy rằng, những năm gần đây, mạng lưới giao thông nông thôn ở Đại Từ đã có nhiều khởi sắc, thể hiện ở nhiều công trình được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số tuyến đường giao thông nông thôn của huyện vẫn chưa được đầu tư, nâng cấp, đa phần do thiếu vốn. Vì vậy, để phát triển hạ tầng giao thông nông thôn, thời gian tới, huyện Đại Từ tiếp tục kêu gọi các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ và sự đóng góp của nhân dân để mở mới, tu sửa các tuyến đường, đồng thời, bố trí vốn bảo dưỡng thường xuyên các tuyến đã đầu tư, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu mà Đề án phát triển hệ thống đường giao thông giai đoạn 2016-2020 đã đề ra…