Nghị quyết số 13-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng ban hành ngày 16/1/2012 về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 cả nước sẽ có 2.000km cao tốc hoàn thành đưa vào khai thác (thời điểm đó, cả nước mới chỉ có khoảng 140km đường cao tốc). Để thực hiện mục tiêu này, ngành GTVT đã tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng hàng loạt tuyến cao tốc lớn trên cả nước, tạo sự kết nối thuận lợi giao thông, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Phối cảnh cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Theo thống kê của Bộ GTVT, đến năm 2019, cả nước đã có gần 1.000km đường cao tốc. Tuy nhiên trong hàng loạt các dự án được đầu tư, chủ yếu ưu tiên kết nối liên vùng, tập trung tại các tỉnh, thành phố là trung tâm vùng, đặc biệt là kết nối tuyến trục dọc xuyên suốt đất nước là Bắc - Nam.
Quảng Ninh, nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, tuy sở hữu nhiều lợi thế, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, là cửa ngõ kết nối giao thương của Việt Nam, ASEAN với Trung Quốc... song trong bối cảnh nguồn ngân sách dành cho hạ tầng giao thông còn hạn hẹp, tỉnh chưa phải là trọng điểm trong kế hoạch đầu tư của Bộ GTVT. Vì thế trong các danh mục chi đầu tư đường cao tốc giai đoạn này chưa có tên Quảng Ninh. Theo quy hoạch đường cao tốc Việt Nam của Bộ GTVT, phải đến giai đoạn 2030, đường cao tốc mới hình thành tại Quảng Ninh (cao tốc Nội Bài - Hạ Long) nằm trong quy hoạch tổng số 6.400km đường cao tốc của cả nước.
Như vậy, giao thông đối ngoại của Quảng Ninh theo quy hoạch của Bộ GTVT sẽ vẫn chủ yếu thông qua tuyến QL18 và QL10 vốn đã mãn tải từ nhiều năm trước, kìm hãm sự phát triển và là “nút thắt” đối với nền kinh tế vốn rất nhiều dư địa.
Ông Vũ Văn Khánh, Giám đốc Sở GTVT, cho biết: Quảng Ninh có nhiều lợi thế để phát triển, được ví như Việt Nam thu nhỏ, tuy nhiên cả một quãng thời gian dài, hạ tầng giao thông kết nối thiếu thốn luôn là rào cản đối với tỉnh. Để từng bước tháo gỡ khó khăn, tỉnh không thể trông chờ vào ngân sách Trung ương mà chủ động thu hút nguồn lực ngoài ngân sách để gỡ "nút thắt". Quảng Ninh đã chủ động đề xuất và được Chính phủ cho phép tự huy động các nguồn vốn hợp pháp để triển khai cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn với tổng chiều dài 85km, tổng vốn đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng.
Để có vốn ứng, tỉnh dành ngân sách tự làm đoạn cao tốc từ TP Hạ Long - cầu Bạch Đằng; ứng vốn cho các địa phương thực hiện GPMB; hỗ trợ nhà đầu tư từ các khâu pháp lý, bảo lãnh vốn vay, đồng hành, tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai. Sau hơn 3 năm thực hiện, những khó khăn từng bước được đẩy lùi, tuyến cao tốc đầu tiên nối từ Hải Phòng đến Vân Đồn đã hoàn thành và đưa vào khai thác đầu năm 2019.
Tiếp đó, trong bối cảnh xu thế hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, lợi thế các cửa khẩu quốc tế, chỉ còn hơn 80km đường cao tốc nữa là Quảng Ninh sẽ có hệ thống cao tốc đồng bộ nối đến Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Hoàn thành tuyến đường này, tỉnh sẽ đóng vai trò là trung tâm của hai hành lang kinh tế: Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Nam Ninh - Bằng Tường - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ trong giao thương với các nước Đông Nam Á, khu vực Tiểu vùng Mê Kông mở rộng...
Nhằm tiếp tục tạo đột phá, tranh thủ sự hỗ trợ và ủng hộ từ Trung ương, tỉnh đã nhanh chóng xin chủ trương Chính phủ, từ chối vốn vay ODA với các ràng buộc ngặt nghèo để huy động nguồn lực mới triển khai cao tốc Vân Đồn - Móng Cái với tổng vốn đầu tư hơn 11.000 tỷ đồng. Dự án khởi công tháng 4/2019, dự kiến hoàn thành sau hơn 2 năm thi công. Để hỗ trợ dự án triển khai, tỉnh đã ứng ngân sách 1.400 tỷ đồng GPMB, bố trí vốn thi công đường nối giữa 2 cao tốc Hải Phòng - Vân Đồn và Vân Đồn - Móng Cái dài 15km.
Tuy không nằm trong quy hoạch phát triển đường cao tốc quốc gia, song bằng sự chủ động, tại Quảng Ninh đã và đang hình thành một trục đường cao tốc kéo dài hơn 180km nối từ TP Hải Phòng cho đến TP Móng Cái, đóng góp gần 1/10 mục tiêu có 2.000km đường cao tốc vào năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tuyến cao tốc hình thành, Quảng Ninh sẽ là tỉnh sở hữu đường cao tốc dài nhất Việt Nam hiện nay, phù hợp với định hướng tổ chức không gian lãnh thổ của Quảng Ninh là “Một tâm, hai tuyến, đa chiều, hai mũi đột phá”, mở rộng cánh cửa kết nối Việt Nam, ASEAN với Trung Quốc.